Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Khó khả thi đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%
Phan Ngọc - 29/06/2021 08:13
 
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) đề xuất đưa dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0% như một số nước trong khu vực. Điều này được xem là thiếu thuyết phục.

Cơ sở đề xuất này trước hết là lãi suất tiền gửi đồng nội tệ tại các một số nước ASEAN, như Thái Lan, Philippines, Singapore đang ở mức rất thấp (0% cho tiền gửi ngắn hạn, 0,2 - 0,7% cho tiền gửi dài hạn). Trong khi đó, Việt Nam đã có những tiền đề kinh tế vững chắc như các nước trong khu vực để có thể đưa lãi suất tiền gửi dần về 0%, như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, dự trữ ngoại hối tăng mạnh...

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Vafi đề xuất hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, kiểm soát không cho tăng giá đất, áp dụng thuế tài sản lũy tiến... Dòng tiền nhàn rỗi sau đó sẽ được hướng vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động dưới 2%/năm. Đồng thời, tiến hành thu phí tiền gửi ngoại tệ để ngăn chặn dòng tiền nhàn rỗi đổ vào đầu cơ ngoại tệ.

Đề xuất của Vafi như trên thiếu thuyết phục trên một số phương diện.

Trước hết, Vafi mới so sánh lãi suất của Việt Nam với của Thái Lan, Philippines và Singapore, mà không phải là với các nước khác như Malaysia và Indonesia.

So sánh lãi suất với Singapore là khá khiên cưỡng, bởi kinh tế Singapore đã đạt đẳng cấp của các nước phát triển phương Tây.

Tại Thái Lan, lãi suất tiền gửi tương đối thấp, với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm dao động từ 0,4% đến 1,35%/năm, song con số này vẫn còn cách khá xa lãi suất 0%.

Đối với Philippines, lãi suất tiền gửi nội tệ kỳ hạn 1 năm hiện đứng ở mức rất thấp, như Vafi nêu (cao nhất là khoảng 0,75%/năm). Nhưng, Philippines có lẽ là nước duy nhất trong nhóm ASEAN-5 có lãi suất rất thấp, gần với mức đề xuất 0%.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi nội tệ kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại của Malaysia hiện dao động trong khoảng 2,3 - 3,03%/năm. Với Indonesia, lãi suất tiền gửi nội tệ dao động từ 3,75% đến 4%, tùy thuộc số tiền gửi.

Như vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm trong nhóm ASEAN-5 biến thiên khá mạnh, từ gần 0% (Singapore, Philippines), lên đến 3 - 4%/năm (Malaysia, Indonesia). Nói cách khác, nếu muốn so sánh với các nước trong khu vực, thì cũng không thể rút ra kết luận rằng, lãi suất trong khu vực (ASEAN) đang ở mức rất thấp, gần 0% như Vafi lập luận.

Điều thiếu thuyết phục thứ hai của Vafi là việc siết các khoản đầu tư mang tính đầu cơ vào bất động sản. Đây là một biện pháp theo nghĩa đen là bịt một đầu ra của tín dụng, chặt bớt một kênh đầu tư.

Sự thiếu thuyết phục nằm ở chỗ, gần như không thể phân biệt được giữa đầu tư với đầu cơ. Nếu siết đầu tư vào bất động sản, thì có nghĩa là loại trừ việc kinh doanh bất động sản, bởi lúc này, nếu kết hợp với đánh thuế lũy tiến như Vafi đề xuất, việc cá nhân hay tổ chức nào đó kinh doanh bằng cách nắm giữ trên một bất động sản sẽ trở nên quá đắt đỏ, làm cho việc kinh doanh bất động sản không còn hấp dẫn nữa.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại phải đối xử phân biệt với một ngành kinh doanh như vậy, trong khi ngành kinh doanh nào chả có nạn đầu cơ?

Quan trọng hơn, kể cả siết tín dụng vào bất động sản, kết hợp với đánh thuế lũy tiến, thì việc này chưa chắc hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản, nếu nhu cầu thị trường vẫn mạnh, đủ để hấp dẫn nhà đầu tư/đầu cơ bỏ vốn.

Đó là chưa kể, nếu bịt được dòng tiền chảy vào bất động sản, thì nó sẽ tìm cách chảy vào đâu đó, ít nhất là vào chứng khoán và vàng.

Xét kênh chứng khoán trước, thay vì để xảy ra đầu cơ trong bất động sản, thì nay sẽ có nạn đầu cơ nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực chứng khoán, nếu mọi thứ khác không thay đổi. Không lẽ, Vafi coi sốt nóng và bong bóng chứng khoán lại không nguy hiểm, lại tốt hơn là sốt nóng và bong bóng bất động sản?

Tương tự, vì việc nắm giữ và đầu tư/đầu cơ vàng là một việc làm hợp pháp, nếu siết đầu tư bất động sản, thì thị trường vàng có khả năng sẽ lại nóng sốt quá mức và rủi ro theo đó cũng khó có thể nói là nhỏ hơn so với rủi ro của sốt đất, bong bóng bất động sản. Như vậy, có lẽ, Vafi đã quên không đề xuất đánh thuế, phí mua bán, nắm giữ vàng?

Vafi đã khôn khéo đề xuất thu phí tiền gửi ngoại tệ như là một cách để chặn thêm các kênh đầu tư khác, ngoài bất động sản, tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi nội tệ. Tuy nhiên, dù điều này có một phần tác dụng “làm khó” cho người có tiền đang tìm cơ hội đầu tư ngoài gửi tiền vào ngân hàng, thì nó cũng sẽ mất tác dụng nếu rốt cuộc nhà đầu tư tính toán thấy khả năng đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ vẫn có lợi khi ngoại tệ có xu hướng lên giá mạnh so với tiền đồng, thừa đủ bù đắp mọi loại phí phát sinh phải trả. Đây cũng là lý do hiện nay lãi suất tiền gửi USD là 0%, nhưng vẫn có nhiều người chọn gửi bằng USD.

Như vậy, để đề xuất của Vafi thành hiện thực, thì phải triệt để chặn đứng, ngăn cấm tất cả các kênh đầu tư, ngoài trái phiếu ngân hàng. Do điều này là không tưởng, nên đề xuất của Vafi cũng là không tưởng, ít nhất cho đến khi Việt Nam... lọt vào hàng ngũ các nước phát triển.

Tín dụng bất động sản tăng 5,5%, cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), 6 tháng đầu năm 2021, tín dụng có thể tăng 5,5-6%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư