Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khó khăn nhất trong lịch sử, PVN vẫn về đích trước nhiều chỉ tiêu quan trọng
Nguyễn Lê - 14/10/2021 10:29
 
Chính phủ đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực có biến động lớn trong năm 2020.
.
Năm 2020 được đánh giá là khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập ngành dầu khí.

Năm 2020 được đánh giá là khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập ngành dầu khí,  Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có lãi phát sinh trước thuế giảm 36%.

Báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020, Chính phủ dành mục riêng đánh giá cụ thể hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực có biến động lớn trong năm 2020.

Dầu khí là lĩnh vực được đề cập đầu tiên. Theo đó, năm 2020 được đánh giá là khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập ngành dầu khí. Tập đoàn vừa phải tập trung ứng phó dịch bệnh, vừa phải ứng phó suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí.

Cùng với đó, một số cơ chế tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn vẫn đang trong quá trình xem xét từ các cơ quan có thẩm quyền.

Thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, năm 2020, PVN và các đơn vị thành viên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, có thời điểm giá dầu xuống mức âm 37 USD/thùng khiến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; chế biến, lọc hóa dầu... đứng trước nguy cơ phải đóng mỏ, dừng hoạt động vì nếu duy trì sẽ bị thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, do chịu tác động của "khủng hoảng kép" từ dịch Covid - 19 khiến giá dầu giảm sâu, việc tiêu thụ sản phẩm vô cùng khó khăn, tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cao, có thời điểm lên đến 90%, các bể chứa đầy ắp, nhà máy đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động; dẫn đến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) âm hơn 4.200 tỷ đồng.

Các giải pháp ứng phó đã được thực hiện như tối ưu dầu thô chế biến, linh hoạt trong việc điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho giá cao để có chỗ chứa cho các lô dầu thô có giá thấp. Tối đa tiêu thụ dầu thô trong nước để tăng liên kết chuỗi lợi ích trong ngành... Đồng thời, tăng cường rà soát, kiểm soát, cắt giảm và tối ưu chi phí sản xuất, kinh doanh đã giúp BSR thành công với khối lượng sản xuất cả năm đạt hơn 5,93 triệu tấn, vượt 7% kế hoạch; doanh thu đạt gần 57.900 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt hơn 6.200 tỷ đồng.

Hoạt động của Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) cũng chịu tác động tương tự nên gặp rất nhiều khó khăn, nhiều mỏ hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nếu tiếp tục duy trì. Với các giải pháp ứng phó cốt yếu, kịp thời gồm tiết giảm chi phí - giảm đơn giá khai thác; điều chỉnh, giãn tiến độ đầu tư; các giải pháp tài chính bảo đảm sự tồn tại của PVEP và duy trì hoạt động của các dự án một cách tối ưu nhất, hoạt động sản xuất của PVEP đã được bảo đảm liên tục, ổn định, sản lượng khai thác hoàn thành kế hoạch được giao với sản lượng khai thác đạt 3,81 triệu tấn quy dầu, đạt 100,3% kế hoạch. 

Dù là năm khó khăn nhất nhưng theo đánh giá của Chính phủ, với sự nỗ lực của PVN và các đơn vị thành viên, PVN đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch, về đích trước nhiều chỉ tiêu quan trọng như: gia tăng trữ lượng dầu khí về đích trước 6 tháng, đạt 15,0 triệu tấn quy dầu; sản lượng khai thác dầu hoàn thành trước 26 ngày, đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8,0% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3; sản xuất đạm đạt 1,8 triệu tấn, vượt 15,0% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 11,87 triệu tấn, vượt 0,5% kế hoạch năm; sản xuất điện đạt 19,17 tỷ kw giờ. Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 304.000 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 55.000 tỷ đồng.

Nhưng, được nhắc đến đầu tiên trong danh sách các Công ty mẹ có lãi phát sinh trước thuế năm 2020 giảm.

Thông tin cụ thể hơn, Công ty mẹ - PVN ghi nhận doanh thu chi nhánh bao tiêu sản phẩm lọc hóa dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (PVNDB) là 40.803 tỷ đồng (theo phương án giá dầu 40 USD); lãi phát sinh trước thuế giảm 8.809 tỷ đồng (tương đương 36,4%) so với năm 2019.

Lý do chủ yếu do giảm cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên và trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết đang có két quả kinh doanh thua lỗ tại thời điểm 31/12/2020 với giá trị là 18.452 tỷ đồng (gồm Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí - pv Tex, Tổng công ty Xây dựng dầu khí Việt Nam - PVC, Công ty TNHH Gazpromviet, CTCP Phát triển Đông Dương Xanh, Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn).

PVN cũng xuất hiện trong danh sách các Công ty mẹ có giá trị hàng tồn kho lớn, cụ thể là 22.678 tỷ đồng, đang nợ nước ngoài 27.313 tỷ đồng.

Được biết, trong tháng 9 năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục gặp nhiều tác động tiêu cực do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường các sản phẩm dầu khí đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là tình trạng giãn cách xã hội diện rộng tại nhiều địa phương.

Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã triển khai hàng loạt biện pháp để ứng phó, công tác dự báo, quản trị biến động, linh hoạt trong điều hành, kết nối các mắt xích trong chuỗi giá trị của Tập đoàn theo chiều dọc và chiều ngang được đẩy mạnh đã tối đa giá trị của từng đơn vị và mở rộng thị trường… giúp Tập đoàn ứng phó kịp thời với những khó khăn, giữ vững và duy trì nhịp độ.

Với nỗ lực của cả hệ thống, trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, khai thác dầu thô tháng 9 vượt 15,4% kế hoạch tháng 9, tính chung 9 tháng đạt 8,20 triệu tấn, vượt 13,0% kế hoạch 9 tháng. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 9/2021 ước đạt 44.900 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch tháng 9/2021, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 437.800 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch 9 tháng.

Petrovietnam góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách Nhà nước khi đã nộp ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 65.900 tỷ đồng, vượt 5,0% kế hoạch năm 2021 và vượt 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, thua lỗ, những đóng góp quan trọng của Petrovietnam thể hiện nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên và gần 60.000 người lao động.

Khai thác dầu của PVEP: "Phú quý giật lùi"
Năm 2019, PVEP về đích kế hoạch khai thác dầu khí trước 12 ngày. Tuy nhiên, so với các năm trước có thể thấy rõ khai thác dầu khí đang ở trong tình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư