Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lọc dầu Dung Quất mòn mỏi đợi thu xếp vốn
Thanh Hương - 16/02/2020 14:33
 
Dù đã triển khai được 56/78 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu thiết kế tổng thể (FEED), nhưng tới nay, công tác thu xếp vốn cho Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn chưa có gì sáng sủa.
.
Công tác thu xếp vốn cho Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang rất khó khăn.

Dài cổ đợi vốn

Theo Quyết định 9016/QĐ-DKVN ngày 22/12/2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng tiến độ thực hiện là 78 tháng tính từ ngày phát hành hồ sơ mở thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế tổng thể (FEED) là ngày 27/4/2015. Như vậy, Dự án được kỳ vọng hoàn tất vào tháng 10/2021.

Sau khi vượt qua cửa ải phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 2/2019, Dự án đang triển khai đấu thầu giai đoạn II, gói thầu EPC. Hồ sơ mời thầu gói này đã được phát hành vào đầu tháng 11/2019 với kế hoạch đóng thầu vào tháng 5/2020. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho Dự án cũng đã cơ bản hoàn thành để tỉnh Quảng Ngãi bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Theo báo cáo vào đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tính tới nay, Dự án đã triển khai được 56/78 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu FEED. Tuy nhiên, công tác triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu, trong đó công tác thu xếp vốn cho Dự án đang rất khó khăn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2018, Dự án không thuộc diện được cấp bảo lãnh chính phủ. Bởi vậy, BSR đang tiến hành các thủ tục đấu thầu để chọn lại tư vấn thu xếp tài chính với kế hoạch hoàn tất trong quý I/2020. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng xây dựng các phương án tài chính và tiếp xúc với các tổ chức tín dụng để thu xếp nguồn vốn cho Dự án.

Ngày 17/1/2018, BSR đã bán thành công 242 triệu cổ phiếu trong đợt IPO với giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/2/2020, cổ phiếu BSR có giá 7.800 đồng/cổ phiếu. 

Dự án có quy mô đầu tư được phê duyệt trước đây là 1,8 tỷ USD, với cơ cấu 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay. BSR đã đề ra 3 kịch bản vốn là thu xếp từ các khoản vay nước ngoài, trong nước đảm bảo bằng bảo lãnh vay vốn của PVN và khoản vay thứ cấp trực tiếp từ cổ đông/PVN.

BRS đã chính thức đề nghị PVN - nơi đang thay mặt Nhà nước sở hữu 92,12% vốn tại doanh nghiệp, chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn cho BSR để đầu tư Dự án, bao gồm cả bảo lãnh vay vốn trong nước và nước ngoài. BRS cũng đề nghị PVN chấp thuận chủ trương cho BSR vay theo hình thức sub-loan (tạm hiểu là khoản vay phụ) để đầu tư Dự án, cũng như hỗ trợ các phương án thu xếp vốn do Công ty lập.

Lợi nhuận giảm dần

Theo thống kê lợi nhuận sau thuế kể từ năm 2015 tới nay của BSR, chuyện năm sau giảm hơn năm trước đã diễn ra. Mặc dù năm 2017, lợi nhuận sau thuế của BSR có sự đột phá với 7.710 tỷ đồng, cao ngất ngưởng so với năm 2015-2016, nhưng ngay sau đó đã quay đầu, lao dốc mạnh trong năm 2018-2019. Điều này được các nhà đầu tư cho là để tạo thêm hấp dẫn cho cổ phiếu của BSR trước thương vụ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra hồi đầu năm 2018.

Trong năm 2019, BSR phải đối mặt với nhiều khó khăn, khiến hiệu quả sản xuất - kinh doanh bị suy giảm. Cụ thể, chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô bị thu hẹp nhiều so với kế hoạch ban đầu và năm 2018, khiến hiệu quả của doanh nghiệp giảm mạnh. Có những giai đoạn như 2 tháng đầu năm và tháng 6, giá xăng thấp hơn cả giá dầu thô. Từ tháng 11 tới hết năm, dù giá dầu thô tăng, nhưng giá sản phẩm lại tăng không tương ứng, thậm chí giảm.

Năm 2020, giá dầu thô và sản phẩm cũng được dự báo tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự đoán và theo hướng bất lợi cho ngành công nghiệp lọc dầu, trong đó có BSR.

Với thực tế Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã vào vận hành và đang phát huy 100% công suất, câu chuyện cạnh tranh với xăng dầu của Nghi Sơn lẫn xăng dầu nhập khẩu từ các thị trường mà Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng là những áp lực đè nặng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của BSR. Kế hoạch được BSR đặt ra trong năm 2020 về lợi nhuận sau thuế là 1.289 tỷ đồng, giảm 41,4% so với mức thực hiện trong năm 2019.

Hơn 2.700 tỷ đồng tiền gửi của Lọc dầu Dung Quất “chôn chân” tại OceanBank
Khoản tiền gửi trên của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR-UPCoM), đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phải “tạm thời không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư