Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 26 tháng 06 năm 2024,
Khó tránh nhập khẩu vàng?
Trần Mạnh - 18/06/2024 08:02
 
“Cuộc chiến” vàng ngày càng gay cấn khi những biến tướng trên thị trường liên tục xuất hiện. Tình trạng xếp hàng mua vàng thuê sẽ chấm dứt khi tới đây các ngân hàng hoàn toàn chuyển sang bán vàng online, song cảnh “vàng hai giá” dự báo còn tiếp diễn, gây méo mó thị trường.
Nhiều khả năng VietinBank sẽ sớm chuyển sang bán vàng online hoàn toàn để tránh tình trạng người dân xếp hàng mua vàng

“Vàng hai giá” khiến cơn khát vàng càng tăng mạnh

Mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gần đạt được. Tuy nhiên, thị trường vàng đang xuất hiện nhiều biến tướng.

Theo phản ánh của người dân, vài tuần qua, đã xuất hiện tình trạng “vàng hai giá”. Theo đó, nhiều người sau khi xếp hàng mua vàng miếng SJC từ các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC đã lập tức được mời chào bán lại với giá cao hơn 2-3 triệu đồng/lượng so với giá mua. Như vậy, chỉ cần mua được vài lượng vàng, mỗi người có thể dễ dàng bỏ túi 5-6 triệu đồng/ngày.

Thông tin có thể “ăn” chênh lệch tiền triệu khiến tình trạng xếp hàng mua vàng ngày càng trầm trọng. Nhiều người không có tiền mua vàng cũng đi xếp hàng thuê, mua hộ vàng, nhận về 500.000-700.000 đồng/ngày.

Đối phó với tình trạng trên, từ hôm nay (ngày 17/6), BIDV và Agribank bắt đầu thực hiện bán vàng online. Trước đó, từ ngày 12/6, Vietcombank cũng chuyển sang bán vàng online. Nhiều khả năng BIDV và VietinBank cũng sẽ sớm chuyển sang bán vàng online hoàn toàn để tránh tình trạng người dân xếp hàng từ nửa đêm, gây náo loạn an ninh trật tự.  

Tuy vậy, ngay cả khi tình trạng xếp hàng không còn, tình trạng “vàng hai giá” vẫn sẽ diễn ra. Tuần qua, giá vàng miếng SJC do NHNN bán ra và giá vàng niêm yết tại nhóm Big 4, cũng như tại Công ty SJC không đổi, song giá vàng trên thị trường tự do thay đổi chóng mặt.

Theo đó, vàng miếng SJC tại nhóm Big 4 và Công ty SJC được bán ra mức 76,98 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC niêm yêt tại một số ngân hàng TMCP tư nhân (đã được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng trước đây) lên tới 80-82 triệu đồng/lượng, cao hơn 3-5 triệu đồng/lượng so với giá bán ra tại các ngân hàng Big 4.

Sáng 14/6, giá vàng mua vào tại HDBank cao hơn 1,5 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra cao hơn 5 triệu đồng/lượng so với giá bán ra tại nhóm Big 4. Điều này lý giải vì sao dòng người xếp hàng từ nửa đêm để chen lấn mua vàng. 

Mặc dù NHNN tuyên bố không thiếu vàng để can thiệp thị trường, song do cầu lớn hơn cung, tình trạng hai giá xuất hiện, nên cơn sốt vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.  

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, nếu cung không đủ cầu, NHNN và các ngân hàng thương mại Big 4 phải tăng lượng vàng bán ra can thiệp thị trường. 

Khó tránh nhập khẩu vàng

Hiện tại, ngoài giải pháp tăng cung vàng ra thị trường, rất nhiều biện pháp khác đang được triển khai như: thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, áp dụng hóa đơn điện tử, yêu cầu các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ để gửi về NHNN…

Trước các động thái “tuýt còi” của NHNN, cuối tuần qua, giá vàng niêm yết tại một số ngân hàng biến động rất mạnh. Nếu sáng 14/6, nhiều ngân hàng vẫn niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra 80-82 triệu đồng/lượng, thì đến chiều đã hạ xuống ngang bằng giá bán tại nhóm ngân hàng big 4 và Công ty SJC (gần 77 triệu đồng/lượng). Mặc dù vậy, người dân hầu như không mua được vàng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, tình trạng vàng “hai giá” vẫn còn.

Về lâu dài, cần tăng cung hợp lý cho thị trường vàng.

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Chính phủ và NHNN đang đi đúng hướng trong bình ổn thị trường vàng, song cần các giải pháp quyết liệt, rốt ráo hơn nữa. Theo tôi, các giải pháp hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tăng cung hợp lý cho thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng. Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, cầu vàng của Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tấn, tức là nếu nhập khẩu sẽ mất khoảng 3 tỷ USD - con số không phải quá ghê gớm.

Ngoài ra, NHNN cũng nên bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng và độc quyền sản xuất vàng, đồng thời sửa đổi toàn diện Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Tóm lại, với thị trường vàng, NHNN nên khu trú lại để quản lý, NHNN chỉ nên quản lý vàng miếng vì liên quan đến ngoại hối, còn vàng trang sức mỹ nghệ thì nên để thị trường tự điều tiết.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết dứt điểm bài toán vàng, việc cho phép nhập khẩu là khó tránh. Tuy nhiên, việc để NHNN đứng ra nhập khẩu hay cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn gây tranh cãi.

Lượng vàng NHNN cung ứng ra thị trường qua các phiên đấu thầu và bán cho nhóm ngân hàng Big 4 và SJC vừa qua là do NHNN nhập khẩu về để cân đối ngay tại mỗi phiên.  Ông Huỳnh Trung Khánh kỳ vọng, tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay, Chính phủ sẽ cho phép các công ty nhập khẩu vàng trực tiếp.

Tuy vậy, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện NHNN cho biết, hiện NHNN chưa có kế hoạch cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng trực tiếp.

Từ năm 2012 đến nay, NHNN không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu 9999. Tuy vậy, một lượng lớn vàng vẫn tuồn vào nước ta theo con đường không chính thức. Theo Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm, lượng vàng tiêu thụ trong nước lên tới 50-55 tấn, trong khi vàng khai thác chỉ khoảng 600 kg, số còn lại được nhập khẩu từ bên ngoài. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá cao giải pháp NHNN bán vàng cho nhóm ngân hàng Big 4 và Công ty SJC. Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, về lâu dài, cần trả thị trường vàng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cho phép nhập khẩu vàng để cân đối cung cầu. Theo ước tính của chuyên gia này, nhập khẩu 50 tấn vàng mỗi năm chỉ mất khoảng 3 tỷ USD, không quá lớn so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cũng như so với dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

NHNN cho biết, sẽ nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh. Để làm được điều này, cần khai thông vốn vào sản xuất - kinh doanh, cũng như vực dậy các kênh đầu tư khác. 

“Để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, cũng như các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản phát triển, đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng tiền”, TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia tài chính nhận định.

Sẽ xem xét cho nhập khẩu vàng; tổ chức đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới
Cụ thể, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, phiên đấu thầu vàng sẽ được tiến hành trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư