Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Khoảng cách từ lợi thế so sánh đến lợi thế cạnh tranh
Huy Tân - 07/11/2014 16:23
 
Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế so sánh, nhưng để biến từ lợi thế so sánh đó đến lợi thế cạnh tranh là một khoảng cách lớn để thu hút đầu tư. Đó là nhận xét của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lê Văn Thi, với phóng viên Báo Đầu tư mới đây.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bàn giải pháp đánh thức vùng đất Chín Rồng
Vĩnh Long rộng cửa đón nhà đầu tư
Tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp bách
Kiên Giang phát triển mạnh kinh tế biển
Liên kết xúc tiến đầu tư nông nghiệp Vùng ÐBSCL
Nhật Bản muốn hợp tác phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL

Ông nhận xét thế nào về lợi thế và khó khăn của ĐBSCL?

ĐBSCL là một trong những đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu với sản lượng lương thực, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và cây ăn trái nhiệt đới lớn của cả nước và ở Đông Nam Á. Tiềm năng và lợi thế sẵn có, nhưng kinh tế ĐBSCL tăng trưởng chưa ổn định và chưa vững chắc, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất còn chậm, nên chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống nhân dân.

   
  Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang  

Về lợi thế so sánh, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, như biển, đảo, khoáng sản, đồng bằng, rừng, núi… là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú được thừa hưởng để phát triển kinh tế. Chúng ta, có 700 km bờ biển với khoảng 360.000 km2 vùng kinh tế đặc quyền giáp biển Đông và Vịnh Thái Lan, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, trên 150 hòn đảo lớn nhỏ, trên 400 km biên giới trên bộ. Thế nhưng, ĐBSCL không có cảng nước sâu, hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng quá yếu kém.

Do hạ tầng kỹ thuật kém, nên suất đầu tư lớn hơn nhiều so với các vùng khác. Chất lượng nguồn nhân lực, các chỉ số về giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Mặc dù năng suất lúa/diện tích cao, nhưng do dân số đông, cơ giới hóa và sinh học hóa thấp…, dẫn đến năng suất lao động bình quân thấp so với với các nước trong khu vực. Từ đó, một bộ phận dân cư có cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là những vùng ngập lũ sâu và trong đồng bào Khơ Me. Có thể nói, ĐBSCL được xem là “vùng trũng” về nhiều mặt so với cả nước, trong đó hạn chế về mặt bằng dân trí, điều kiện hạ tầng kinh tế và kỹ thuật thấp.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã tập trung vấn đề nào để khắc phục khó khăn?

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và Kiên Giang nói riêng trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Với kết quả Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 cho thấy, hầu hết các tỉnh khu vực ĐBSCL đều nằm trong nhóm đầu. Trong số 13 địa phương xếp đầu cả nước, thì ĐBSCL có đến 5, chiếm 38,46%. Toàn vùng có 3 tỉnh đạt rất tốt, 2 tỉnh đạt tốt, 7 tỉnh đạt khá và 1 tỉnh đạt mức tương đối thấp. Các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre nằm trong nhóm rất tốt, sự thăng hạn của các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, góp phần quan trọng làm cho bức tranh PCI 2013 của ĐBSCL trở nên sáng hơn trong mắt nhà đầu tư. Tỉnh Kiên Giang đã vượt qua 3 bậc, từ hạng 6 của năm 2012, lên hạng 3 cả nước trong năm 2013, đứng đầu khu vực ĐBSCL.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã tích cực triển khai những giải pháp lớn của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) năm 2013 đạt 60.368,2 tỷ đồng, tăng 9,4%. Trong đó, Kiên Giang đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh ngày một thông thoáng, bình đẳng, minh bạch hơn. Đáng kể như chỉ số chi phí không chính thức của doanh nghiệp ở Kiên Giang luôn đạt cao nhất trong bảng xếp hạng PCI.

Theo ông, để biến lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL, cần tập trung những vấn đề gì?

Bên cạnh việc đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, cần tập trung xây dụng và triển khai một số cơ chế, chính sách về giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề phù hợp với đặc thù ĐBSCL. Nhằm phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động chất lượng cao. Trong quá trình phát triển, việc mất cân đối về số lượng và chất lượng giữa cung và cầu trên thị trường lao động ngày càng trở thành vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Thực tế là, nguồn lao động dồi dào, với chi phí nhân công thấp sẽ ngày càng mất dần lợi thế cạnh tranh theo xu thế phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao... Thay vào đó, việc cải thiện chất lượng nguồn lao động, sẽ tăng sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

Không chỉ liên kết nội vùng, mà cần mở rộng hợp tác giữa ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM để phát huy tối đa và có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của nhau. Phát huy các điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác trong phát triển công nghiệp, đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp lao động với vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư