Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Khơi dòng chảy vốn giá rẻ cuối năm
Vân Linh - 02/12/2023 10:04
 
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố sẽ dành 9.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay theo hướng nguồn vốn giá rẻ, lãi suất khoảng 4-6%/năm, nhằm kích thích dòng chảy tín dụng cuối năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM trong 10 tháng đầu năm nay ra sao, thưa ông?

Đến cuối tháng 10/2023, tín dụng các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng 4,67% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cả nước (tăng 7,39%), cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành so với cùng kỳ những năm gần đây. TP.HCM đã giải ngân cho vay với số tiền khoảng 581.000 tỷ đồng cho gần 180.000 khách hàng, bằng 111,7% so với gói tín dụng ưu đãi các tổ chức tín dụng đăng ký theo kế hoạch năm.

Dù tăng trưởng tín dụng không cao, song đặt trong bối cảnh chung hiện nay, kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm và là nền tảng tốt cho năm 2024 - năm được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để kích thích tín dụng tăng trưởng trong tháng còn lại của năm, cần thêm giải pháp gì và ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Từ nay đến cuối năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ của nhu cầu vốn. Theo đó, các ngân hàng duy trì đảm bảo nguồn vốn 9.000 tỷ đồng cho nhu cầu vay dịp Tết, với lãi suất cho vay 4-6%/năm. 

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư.

Thực tế cho thấy, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, song tín dụng khó tăng cao trong bối cảnh thị trường có khó khăn và sức cầu yếu…

Chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã, đang tác động đến toàn bộ doanh nghiệp theo 2 xu hướng tích cực. Đối với doanh nghiệp còn khó khăn, việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi hoạt động, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ về vốn, lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng. Quá trình này đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, TP.HCM đã thực hiện được 30 hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại các quận huyện của Thành phố. Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đưa các giải pháp khơi thông tín dụng như giảm lãi suất, giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Các ngân hàng đã tái cơ cấu nợ cho khách hàng ra sao trong thời gian qua, thưa ông?

Trên địa bàn TP.HCM đã có 29.726 khách hàng, doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ đạt 36.543 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2023, chiếm 38% so với cả nước. Chính sách này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo lập dòng tiền để tăng trưởng và phát triển.

Phó thủ tướng: Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, trước khi các vị đại biểu Quốc hội chất vấn trực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư