Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khối ngoại bán ròng hơn 62.300 tỷ đồng, điểm sáng ETFs hút ròng
Phan Hằng - 02/01/2022 13:17
 
Năm 2021, bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng 36%, khối ngoại vẫn đang bán ròng miệt mài hơn 62.300 tỷ đồng, điểm sáng duy nhất là dòng vốn ETF hút vốn.

Thống kê cho thấy, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài mua vào 9,5 tỷ cổ phiếu, giá trị 411.860 tỷ đồng, trong khi bán ra 10,9 tỷ cổ phiếu, giá trị 474.185 tỷ đồng. Kết quả, khối này bán ròng hơn 1,4 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 62.325 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2020. Diễn biến bán ròng của khối này là điểm nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021. 

Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng kỷ lục 57.832 tỷ đồng, nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh thì con số bán ròng là 73.640 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách bán ròng là HPG với giá trị bán ròng 18.925 tỷ đồng, kế đến là VPB bị bán ròng hơn 9.330 tỷ đồng, VNM bị bán ròng 6.630 tỷ đồng, theo sau đó là VIC, CTG, SSI, NLG, MSN, PAN, POW. Ngược lại, cổ phiếu được mua ròng mạnh là VHM với giá trị mua ròng 4.660 tỷ đồng; STB được mua ròng 4.206 tỷ đồng và 2 chứng chỉ quỹ ETF nộiFUEVFVND và FUESSVFL cũng được mua ròng mạnh.

Trên sàn HNX, giá trị bán ròng là hơn 3.000 tỷ đồng, mã bị bán ròng mạnh nhất là CEO với giá trị bán ròng 2.434 tỷ đồng. 

Khối ngoại bán ròng cũng chính là xu thế chung của nhiều thị trường chứng khoán quốc tế khi đại dịch xảy ra.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, con số khối ngoại rút tiền khỏi TTCK Việt Nam khoảng 1,2 tỷ USD, tính đến 21/12, tăng không nhiều so với con số năm 2020 là 1,05 tỷ USD. Nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng, vẫn giữ một phần lớn tiền trên tài khoản. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Như vậy, dù rút ròng nhưng tài sản khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn tăng. 

Trong bức tranh không mấy tích cực của khối ngoại, thì các quỹ ETFs là điểm sáng khi hút dòng tiền (chủ đạo là tiền từ nhà đầu tư nước ngoài). Tổng lượng vốn hút ròng ước tính cả năm của các quỹ ETFs trên thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 11.500 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Quốc Nhật Trung, Chuyên viên Phân tích CTCK Bản Việt đánh giá, dòng tiền các quỹ ETF trong 7 tháng đầu năm diễn biến rất tích cực nhờ đóng góp lớn từ quỹ ngoại mới Fubon ETF (Đài Loan) và quỹ nội Diamond ETF đã góp phần tăng trưởng cho Vindex. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới và bùng phát mạnh trở lại tại Việt Nam là nguyên nhân chính làm suy yếu dòng tiền ETF trong những tháng cuối năm.

Chính phủ đóng cửa nền kinh tế nhằm kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam trong quý 3 đã ảnh hưởng đến kinh tế xã hội cũng như tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng 8 và tháng 9, lực rút ròng từ 2 quỹ ngoại FTSE ETF, Fubon ETF và quỹ nội Diamond ETF lên đến gần 200 triệu USD. Trong đó, hai quỹ được mua ròng mạnh là Fubon ETF (Đài Loan) và quỹ nội Diamond ETF nhận mức rút ròng trong 2 tháng này là 84,3 triệu USD và 76 triệu USD.

Tuy nhiên, sau khi mở cửa lại trong tháng 10, dòng vốn ETF cho tín hiệu tích cực trở lại ở các quỹ ETF nội. Cụ thể là quỹ Diamon ETF đã được mua ròng trong 2 tháng 10 và 11 lên đến 24,6 triệu USD, quỹ Finlead ETF mua ròng 18,2 triệu USD và quỹ VN30 ETF được mua ròng mạnh 24,8 triệu USD (mua mạnh trong tháng 10).

Theo ông Trung, dòng vốn vào VN30 ETF có thể được đổ mạnh từ các quỹ đầu tư Thái Lan khi mới đây, quỹ B-VietNam quy mô hơn 40 triệu USD đã bắt đầu giải ngân trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong danh mục của quỹ nà có sự ưu tiên cho chứng chỉ quỹ ETF và nhà đầu tư Thái Lan cũng có xu hướng mua chứng chỉ quỹ VN30 ETF mạnh trong những năm gần đây thông qua chứng chỉ lưu ký DCVFM VN30 ETF hiện đang được niêm yết trên SET index (Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan).

Trái ngược là xu hướng rút vốn ở các quỹ ETF ngoại vẫn chưa có nhiều cải thiện khi FTSE ETF bán ròng 11 triệu USD và Fubon ETF bán ròng mạnh đến 46,5 triệu USD trong tháng 10 và 11. Tính từ đầu năm đến nay, quỹ FTSE ETF là quỹ ngoại ghi nhận mức rút ròng lớn nhất lên đến 85 triệu USD (khoảng 1.950 tỷ đồng). Một quỹ ETF khác là Kim Kindex Vietnam ETF cũng bị rút ròng 89 triệu USD (khoảng 2.050 tỷ đồng) 

Tính đến cuối năm 2021, Fubon FTSE Vietnam ETF hút vốn mạnh nhất với khoảng 417 triệu USD (tương ứng 9.590 tỷ đồng) và rót mạnh nhất ở giai đoạn IPO (từ tháng 3 đến tháng 7) khi các nhà đầu tư Đài Loan kì vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tương đồng với thị trường Đài Loan 20 năm trước.

Quỹ ETF quy mô lớn nhất thị trường Việt Nam là DCVFM VNDiamond ETF hiện đang quản lý danh mục với giá trị 13.800 tỷ đồng, cũng đã hút ròng mạnh trong năm qua, hơn 3.240 tỷ đồng. Danh mục của quỹ này gồm các cổ phiếu trong rổ Diamond Index – là các mã cổ phiếu bluechips và trong tình trạng kín room ngoại, theo đó, thay vì không mua được cổ phiếu kín room hoặc mua với giá premium (chênh lệch) rất lớn thì nhà đầu tư ngoại mua CCQ quỹ ETF này. 

Quỹ ETF nội khác là SSIAM VNFinLead ETF hút ròng 1.324 tỷ đồng; và nhiều quỹ ETF nội khác nhưng quy mô hút ròng không quá lớn. 

Với quỹ ETF ngoại lâu đời là Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) hút vốn tích cực với 28 triệu USD (tương đương 650 tỷ đồng), có danh mục khoảng 75% cổ phiếu Việt Nam, ước tính quỹ đã mua ròng gần 500 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam trong năm qua.

Ông Mathew Smith, Giám đốc nghiên cứu CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, việc khối ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam rõ ràng không gây tác động tiêu cực đến khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư trong nước đã mở đến 1,3 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán trong 11 tháng vừa qua. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng trong những tháng gần đây. So sánh với mức thanh khoản thị trường cao kỷ lục trong tháng 11, số lượng tài khoản mở mới trong tháng này nhìn chung khá cao so với các giai đoạn khác.

Bắt xu hướng đầu tư thời thượng, các quỹ ETF Thái Lan chọn Việt Nam
Các quỹ ETF (Exchange Traded Fund - quỹ hoán đổi danh mục) Thái Lan có xu hướng chọn đầu tư dài hạn khi nhìn thấy cơ hội tiềm năng từ thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư