Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Không áp dụng “công thức vàng” trong giao dự toán thu ngân sách
Mạnh Bôn - 11/05/2019 08:17
 
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2019 đạt 36,7% dự toán - mức hoàn thành dự toán cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Có được kết quả này, theo TS. Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một phần là do hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, phần khác là do giao dự toán năm 2019 đã sát với thực tế hơn.
.
TS. Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo “công thức vàng”, dự toán thu ngân sách năm sau bằng ước số thu năm trước cộng với tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Nếu theo công thức này thì dự toán thu năm 2019 phải tăng ít nhất là 10%, nhưng thực tế chỉ tăng có 3,9%. Ông có bình luận gì về việc giao dự toán thu ngân sách năm 2019?

Tháng 10/2018, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6, Bộ Tài chính ước thu năm 2018 đạt 1.358.400 tỷ đồng. Nếu áp theo “công thức vàng”, thì dự toán thu năm nay ít nhất phải tăng 10% do mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra là 6,6-6,8% và lạm phát dưới 4%. Nhưng thực tế, Quốc hội chỉ giao dự toán thu năm nay có 1.411.300 tỷ đồng, tức tăng chưa đến 3,9% so với số ước thu năm 2018.

“Công thức vàng” trong xây dựng dự toán thu ngân sách, theo tôi, chỉ có thể áp dụng với một số ít nền kinh tế phát triển. Còn với nền kinh tế đang phát triển, mới ở giai đoạn đầu phát triển như Việt Nam, việc áp dụng “công thức vàng” để xây dựng dự toán sẽ thiếu chính xác, vì căn cứ thu ngân sách không chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế và lạm phát, mà còn phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế, độ trễ nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Ngoài ra, thu ngân sách còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không thể tiên lượng được như sự biến động của thị trường thế giới; thiên tai, hạn hán; đầu vào của doanh nghiệp tăng do giá cả hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá như điện, xăng dầu… Nói chung, bất cứ một yếu tố nào thay đổi sẽ khiến thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp thay đổi, hoạt động xuất nhập khẩu thay đổi, nên số thu ngân sách không còn như dự toán.

Nhiều năm trước đây, khi xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm sau, chúng ta thường áp dụng “công thức vàng”, dự toán năm sau thường cao hơn năm trước 10-15%. Nhưng kết quả thu ngân sách lại khác xa so với dự toán khiến việc cân đối thu - chi rất bị động, khi thu không đạt thì phải bớt chỗ nọ bù chỗ kia.

Mặc dù dự toán giao năm sau thường cao hơn số ước thu năm trước ít nhất là 10%, nhưng trên thực tế, năm nào cũng vượt thu, thưa ông?

Theo báo cáo bổ sung kết quả thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 sẽ được Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 20/5/2019), thì thu vượt dự toán 105.700 tỷ đồng, vượt tương đương 8%, nhưng vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô, xuất nhập khẩu.

Các khoản này thu vượt dự toán cao không phải do nội tại của nền kinh tế, mà nhờ thị trường bất động sản khởi sắc; giá dầu thanh toán đạt 74,6 USD/thùng, cao hơn so với giá dự toán 24,6 USD/thùng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng vượt dự kiến rất nhiều. Ngân sách năm 2018 thu vượt dự toán còn có phần đóng góp từ hoạt động xổ số; thu nguồn lợi nhuận sau thuế tại doanh nghiệp nhà nước và thu cổ tức vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…

Tình trạng vượt thu các năm trước cũng tương tự, tức là vượt thu chủ yếu do yếu tố khách quan đem lại, thu ngân sách không bền vững và nếu trừ đi các khoản vượt thu này, thì các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thu từ khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán do dự toán giao tăng thu quá cao.

Năm 2018, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 (tăng 7,08%), có trên 131.000 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng rất ấn tượng. Thưa ông, điều gì đã xảy ra khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lại không đạt dự toán?

Nguyên nhân thứ nhất là xây dựng dự toán quá cao so với khả năng có thể đạt được. Cụ thể, dự toán thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng hơn 13%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 30% và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 20,4%. Như vậy, nếu áp “công thức vàng” vào để tính toán, tức là dự toán thu năm sau bằng số thu ước thực hiện năm trước cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát (khoảng 11%), thì rõ ràng, giao thu cho khu vực doanh nghiệp cao hơn rất nhiều.

Thứ hai, vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp trong nước, kể cả vốn đăng ký mới lẫn vốn đăng ký bổ sung, không phải cứ đăng ký là doanh nghiệp đầu tư ngay, mà mới chỉ đầu tư một phần, có khi không bao giờ đầu tư. Kể cả số vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư, thì cũng không phải đã tạo ra ngay sản phẩm, có ngay doanh thu, lợi nhuận để nộp thuế, mà bao giờ cũng có độ trễ.

Thứ ba, thực tế cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn, chỉ có hơn một nửa số doanh nghiệp đang hoạt động có lợi nhuận mới đóng góp vào ngân sách nhà nước (nộp thuế thu nhập doanh nghiệp).

Dù số thu từ khu vực doanh nghiệp không đạt dự toán, nhưng vẫn tăng so với thực hiện năm 2017, cho thấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong nước đang được cải thiện.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 36,7% dự toán, đây là mức hoàn thành dự toán cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ông có cho rằng, kết quả này chủ yếu do giao dự toán năm nay tăng thấp so với các năm trước?

Vấn đề không phải là giao dự toán thấp hay cao, mà là phải giao sát thực tế. Tôi cho rằng, dự toán thu ngân sách năm 2019 chỉ tăng khoảng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018 là khá sát thực tế, thậm chí vẫn còn hơi cao, vì khi Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2019, chưa tính đến việc tăng giá điện, xu hướng giá xăng dầu tăng quá mạnh làm giảm thu nhập chịu thuế khiến số thu giảm.

Khi giao dự toán, cũng không thể và không bao giờ lường hết được những bất thường xảy ra tác động ngay đến thu ngân sách, như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh; hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm điện thoại và linh kiện (chiếm 20,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), thủy sản, một số mặt hàng nông sản... lại gặp quá nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm nay lại giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Trong cân đối ngân sách, nếu không tăng thu, thì không có nguồn để tăng chi tối thiểu, đặc biệt là chi bảo đảm an sinh xã hội; chi đầu tư vào các dự án, công trình cấp bách, cấp thiết như phòng chống, khắc phục thiên tai, lũ lụt, hạn hán, vì vậy mức tăng thu ngân sách chung 3,9% năm 2019 là hợp lý. Tuy nhiên, đối với 16 địa phương đang cân đối về ngân sách trung ương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, để hoàn thành dự toán cũng là cả vấn đề, dù giao dự toán năm nay chỉ tăng trên 12% so với số ước thu năm 2018, thấp hơn khá nhiều so với trước đây (tăng 18,6 - 24,5%), nhưng cao hơn rất nhiều nếu áp dụng “công thức vàng”.

Thu ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 446.400 tỷ đồng
Ngày 11/5, đại diện Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu ngân sách Nhà nước bốn tháng ước đạt 446.400 tỷ đồng, bằng gần 34% dự toán năm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư