Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Không còn nhiều dư địa giảm lãi suất
Thùy Vinh - 09/11/2020 14:15
 
Dư địa giảm lãi suất từ nay đến cuối năm nhằm kích cầu tín dụng được nhận định là không còn nhiều.
.
Mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) hiện nay đã giảm khá nhiều so với giữa năm 2020 và khó có thể giảm mạnh từ nay đến cuối năm.

Lãi suất đã giảm mạnh

Sau 3 lần giảm lãi suất điều hành (tháng 3, tháng 5 và tháng 8/2020), ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục quyết định giảm các loại lãi suất điều hành để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế với thời điểm hiệu lực là ngày 1/10/2020.

Từ hành động trên của NHNN, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thông qua các gói tín dụng ưu đãi.

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi, với lãi suất cho vay thấp nhất chạm mốc 4,5%/năm. Cụ thể, với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lãi suất cho vay kinh doanh được Vietcombank giảm thấp nhất còn 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản vay mới giải ngân từ ngày 13/10.

Trong khi đó, Agribank vừa thông báo giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19. Agribank giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016 của NHNN.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa được Agribank áp dụng là 4,5%/năm (mức trần theo quy định); lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Đồng thời, Agribank cũng đang triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp FDI với mức lãi suất vay ngắn hạn thấp nhất là 4,8%/năm.

Tại SeABank, từ nay đến hết ngày 31/3/2021, ngân hàng này triển khai cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân và từ 6,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp. Ngoài các nhà băng kể trên, một số ngân hàng khác thời gian gần đây cũng đã đưa ra các gói lãi suất cho vay ưu đãi hoặc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng, như VPBank, Techcombank, ACB, OCB, MSB...

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất giảm sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng trong những tháng cuối năm, nhưng quan trọng vẫn là phải kiểm soát được dịch bệnh thì cầu tín dụng của doanh nghiệp mới có thể tăng cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Bản Việt) cho biết, một trong những rào cản hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là việc phải có phương án kinh doanh hiệu quả, bởi theo ông Nhân, nếu khả thi và thấy được dòng tiền trong tương lai, ngân hàng sẵn sàng cho vay, vì ngân hàng hiện không thiếu vốn.

Dư địa không còn nhiều

Lãnh đạo các nhà băng cho hay, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) hiện nay đã giảm khá nhiều so với giữa năm 2020 và khó có thể giảm mạnh từ nay đến cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến ngày 30/9 chỉ đạt 6,09% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức 9,4% cùng kỳ năm 2019 và NHNN thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối với ước tính đạt gần 10 tỷ USD, tương đương với bơm ra thị trường hơn 23.000 tỷ đồng. Thanh khoản dư thừa đã khiến lãi suất liên ngân hàng và suất trái phiếu chính phủ duy trì ở mức thấp kể từ tháng 5/2020.

Phó tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Đình Tuệ cho biết, trên thực tế, biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng không lớn. Đó cũng là lý do lãi suất tiền gửi giảm liên tục từ đầu tháng 7 đến nay để tạo thêm dư địa giảm lãi cho vay.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng nhận định, do tác động của dịch bệnh, cầu tín dụng hiện rất thấp, dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm nhiều trong thời gian qua. Vì vậy, lãi suất không phải là rào cản đối với tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất cũng khó có thể giảm sâu trong thời gian tới.

Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ ở mức 8 - 10%. Thanh khoản dư thừa khiến lãi suất liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp nhất nhiều năm qua. Thanh khoản hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2020 dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 và tín dụng luôn duy trì ở mức cao. Diễn biến này chủ yếu là do dịch bệnh, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến cầu tín dụng giảm rõ rệt.

Các chuyên gia của KBSV đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh từ sau lần cắt lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân.

Thứ nhất, thanh khoản hệ thống duy trì ở trạng thái dư thừa khi nguồn cung dồi dào (NHNN mua vào ngoại tệ, huy động vốn 9 tháng tăng khá ở mức 7,7%), trong khi phía cầu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc (tín dụng 9 tháng chỉ tăng 5,12%).

Thứ hai, áp lực giảm lãi suất huy động để duy trì tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) phù hợp trong bối cảnh ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm, do hoạt động sản xuất dần phục hồi, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế khó có thể phục hồi về trạng thái bình thường như trước khi xảy ra Covid-19.

Lần thứ tư trong năm, NHNN giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế
Cặp lãi suất chiết khấu – tái cấp vốn giảm thêm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 2,5%/năm – 4%/năm. Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư