Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Không để đường Hồ Chí Minh ăn đong vốn
Anh Minh - 29/10/2013 14:13
 
Việc xây dựng tuyến trục dọc xuyên Việt thứ hai - đường Hồ Chí Minh sẽ có một số điều chỉnh so với mục tiêu được Quốc hội đề ra năm 2004. Đề nghị khởi kiện nhà thầu COMA3
TIN LIÊN QUAN

Phân kỳ đầu tư, đảm bảo đủ vốn

Thay đổi đáng chú ý nhất liên quan tới việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh chính là việc tiến độ xây dựng giai đoạn II sẽ được lùi thời hạn hoàn thành vào năm 2020 do những lý do khách quan và chủ quan.

Đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tp. Buôn Ma Thuột

Cụ thể, theo Báo cáo số 434/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội về việc Bổ sung một số nội dung Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 01/10/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tính toán, dự báo lại toàn bộ nhu cầu vận tải để xác định lại quy mô, tiến độ đầu tư, khả năng nguồn vốn và đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đường bộ toàn quốc.

Trong đó xác định đến năm 2015 cơ bản nối thông, có tận dụng một số tuyến đường hiện hữu, đến năm 2020 nối thông toàn tuyến theo quy hoạch với quy mô 2 làn xe.

"Việc phân kỳ đầu tư này nhằm đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm vốn đầu tư", Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.

Chính phủ cũng khẳng định rằng, việc đầu tư nâng cấp hai phần ba tuyến đường Hồ Chí Minh (khoảng 1.764 km) đạt tiêu chuẩn cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 273.167 tỷ đồng (tính theo thời giá năm 2010) theo yêu cầu của Quốc hội vào năm 2020 là không thể thực hiện được do không đảm bảo được nguồn lực đầu tư cũng như nhu cầu vận tải trong giai đoạn hiện nay ở nhiều đoạn là chưa thực sự cần thiết.

Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giãn tiến độ triển khai giai đoạn cao tốc về sau năm 2020. Đối với tổng mức đầu tư giai đoạn này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định trước khi thực hiện.

Tính khả thi của việc hoàn thành giai đoạn 2 vào năm 2020 được Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định tại phiên họp toàn thể lần thứ 7của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh diễn ra vào cuối tuần trước.

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, nếu được bố trí thêm khoảng 24.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, toàn bộ đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi dài 3.183 km sẽ được nối thông vào năm 2020.

Như vậy, so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 38 tiến độ hoàn thành giai đoạn 2 Dự án – nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh được Chính phủ “nới” thêm khoảng 5 năm.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2015, đầu năm 2016 sẽ cơ bản nối thông từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe trong đó có tận dụng một số tuyến đường hiện hữu: đoạn từ Chợ Mới đến Phú Hộ (tận dụng Quốc lộ - QL3, 7, 2); đoạn Cam Lộ - Túy Loan (QL9, QL1) và đoạn Gò Quao – Vĩnh Thuận (QL63). Đối với đối với 2 vị trí vượt sông Tiền và sông Hậu vẫn sẽ thông xe bằng cụm phà lớn Cao Lãnh và Vàm Cống.

“Nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung cho giai đoạn này là 15.285 tỷ đồng (gồm 10.000 tỷ đồng cho dự án nâng cấp QL14 qua Tây Nguyên; 5.285 tỷ đồng cho các dự án đình hoãn và thiếu vốn) và vốn BOT là 5.890 tỷ đồng”, ông Thăng cho biết.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 sẽ nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe (riêng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đoạn nối 2 cầu với quy mô 4 làn xe), tính toán của Bộ GTVT cho thấy, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung khoảng 8.718 tỷ đồng, nguồn vốn huy động theo hình thức BT khoảng 22.700 tỷ đồng (thanh toán cho nhà đầu tư sau năm 2020), nguồn vốn dự kiến huy động theo hình thức BOT khoảng 16.216 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA khoảng 22.653 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung đến năm 2020 để đầu tư thông tuyến với quy mô 2 làn xe khoảng 24.003 tỷ đồng; còn lại vốn huy động đầu tư theo hình thức BOT khoảng 22.106 tỷ đồng, vốn đầu tư theo hình thức BT khoảng 22.700 tỷ đồng và vốn vay ODA khoảng 22.653 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh tình hình tài chính và điều kiện thực tế thi công, việc điều chỉnh kế hoạch thông tuyến cũng như bố trí vốn như vậy là hợp lý”, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá.

Trên thực tế, trong tổng số 91.462 tỷ đồng nhu cầu vốn cho đường Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020, Bộ GTVT đã cơ bản lo xong khoảng 22.700 tỷ đồng vốn ODA cho Dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long với điểm nhấn là 2 công trình cầu dây văng Vàm Cống, Cao Lãnh vừa được khởi công cách đây ít ngày;khoảng 5.890 tỷ đồng huy động theo hình thức BOT đoạn qua Tây Nguyên và khoảng 11.700 tỷ đồng theo hình thức BT đoạn La Sơn - Tuý Loan.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu 24.003 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến có khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ xin chủ trương của Quốc hội tại kỳ họp này chi cho đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 – 2015, nhu cầu vốn trái phiếu cho 5 năm còn lại chỉ là 14.000 tỷ đồng.

“Đây là vốn mồi cần thiết để có thể thu hút xã hội hóa vốn đầu tư cho đường Hồ Chí Minh, giảm tải cho ngân sách Nhà nước”, ông Trương Minh Hoàng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau khẳng định.

Việc Bộ GTVT chủ động đề xuất điều chỉnh cơ cấu đầu tư, áp dụng thêm các hình thức kêu gọi đầu tư khác để hoàn thành đúng yêu cầu của Quốc hội và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay là một việc rất đáng khích lệ.

Ông Hoàng cũng cho rằng, tác động lan tỏa của đường Hồ Chí Minh đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng là không cần phải bàn cãi. Do vậy, Dự án cần được ưu tiên bố trí đủ vốn tránh tình trạng phải đình hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn gây lãng phí lớn như thời gian qua.

Cơ bản bám sát mục tiêu đề ra

Được biết, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 là một chủ trương lớn, hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Về cơ bản, dự án đã triển khai bám sát các mục tiêu nêu trong báo cáo của Chính phủ số 1581/CP-CP ngày 22/10/2004 về Dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh, cũng như Nghị quyết 38/2004/QH11.

Phương tiện lưu thông nhộn nhịp trên đường HCM qua Hòa Bình

"Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) khoảng 1.350km đã mang lại hiệu quả nhiều mặt đối với các địa phương nơi dự án đi qua", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Theo Bộ GTVT, đường Hồ Chí Minh là trục dọc giao thông xuyên Việt thứ hai. Từ khi đưa vào khai thác đến nay đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 bị ách tắc trong mưa lũ.

Để phát huy hơn nữa năng lực khai thác của đường Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Bộ GTVT đã triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng đoạn từ Hoà Lạc (Hà Nội) - Tân Cảnh (Kon Tum) đồng thời xây dựng đề án bao gồm các giải pháp tổng thể để phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh.

Hiệu quả khai thác tuyến đường đã từng bước được nâng lên, đã hỗ trợ một phần cho Quốc lộ 1 đặc biệt là đoạn Hà Nội - Thanh Hoá và đoạn Hòa Cầm - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Tân Cảnh đi khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả khai thác các đoạn tuyến còn lại.

Đồng thuận với chủ trương điều chỉnh lại Nghị quyết số 38, ông Lê Bộ Lĩnh cho rằng, sau hơn 8 năm triển khai, để phù hợp với khả năng nguồn lực quốc gia và tình hình thực tiễn, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Dự án, đặc biệt là việc phân kỳ đầu tư lại.

“Xuất phát từ thực tế qua 9 năm thực hiện Nghị quyết, có một số thông số kỹ thuật trong Nghị quyết không phù hợp với thực tiễn và với khả năng thực hiện; tiến độ thực hiện dự án chậm do khả năng bố trí nguồn vốn... Các thành viên Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết.

Về việc điều chỉnh tổng chiều dài toàn tuyến (tăng 16 km), đa số các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc điều chỉnh này về cơ bản không làm thay đổi tính chất của dự án và sai số chỉ là 0,5% nên có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, do đường Hồ Chí Minh được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, với các đoạn tuyến có mức độ quan trọng khác nhau nên đề nghị Chính phủ cần nêu rõ chiều dài của các đoạn tuyến xây dựng mới; các đoạn tuyến nâng cấp trên cơ sở đường hiện có; các tuyến nhánh nối với trung tâm kinh tế, di sản lịch sử-văn hóa...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư