Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Không dễ khi vay vốn “đảo nợ”
Vân Linh - 14/09/2023 09:02
 
Từ ngày 1/9, người dân, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng này để trả khoản vay trước đó tại ngân hàng khác. Nhưng để tiếp cận khoản vay hấp dẫn này, khách hàng sẽ phải chịu nhiều khoản phí đi kèm.
Phí phạt trả nợ khoản vay trước hạn thường từ 0,5 đến 2% hoặc cao hơn tùy từng ngân hàng cho vay. Ảnh: Đ.T

Phí phạt trả nợ trước hạn

Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của một ngân hàng cho hay, từ 20 năm trước, các ngân hàng thương mại đã làm sản phẩm tái tài trợ, nhưng bị quy chụp là cho vay đảo nợ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó ra văn bản cấm, chỉ cho tái tài trợ sản xuất, kinh doanh, thì các ngân hàng lách qua các tên khác là “cho vay hoàn vốn”, “cho vay bù đắp”..., với mục đích là tái tài trợ các nhu cầu vay trung, dài hạn.

Tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, NHNN bỏ cụm từ “mục đích sản xuất - kinh doanh”, tức các khách hàng là cá nhân cũng được tham gia vay để trả nợ khoản vay cũ cho mục đích tiêu dùng. Nhiều ngân hàng nắm bắt cơ hội này quảng cáo cho vay trả nợ ngân hàng khác hay “mua nợ ngân hàng khác” để hút thêm khách hàng mới.

Thông tin trên khiến nhiều người dân, doanh nghiệp vui mừng vì năm ngoái phải vay với lãi suất tới 14-15%/năm, nay có thể vay lãi suất thấp để đảo nợ. Tuy nhiên, việc tham gia khoản vay mới để trả nợ không hề dễ dàng và sẽ có thêm nhiều chi phí đi kèm.

Ngân hàng MB cho biết, muốn trả nợ khoản vay trước hạn, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí phạt, thường từ 0,5 - 2% hoặc cao hơn, tùy từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu. Ngoài ra, khách hàng cần chuẩn bị những chi phí khác như phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới...

Tại một số ngân hàng, mức phí phạt trả nợ trước hạn khá cao, đến 3 - 4%, khiến việc chuyển sang vay ngân hàng khác không khác biệt lớn về chi phí, trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian. Đồng thời, các ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo, như vậy khoản vay này không khác gì các khoản vay mới. Chỉ trường hợp không có tài sản khác, mà dùng chính tài sản đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng khác để vay khoản mới thì mới mang tính chất “đảo nợ”.

Ngoài ra, Sacombank lưu ý khách hàng, chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách cho vay trả nợ ngân hàng khác, Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

“Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng”, báo cáo của ACBS nêu.

Chỉ ưu đãi lãi vay trong thời gian đầu

Thực tế, các ngân hàng cũng ưu tiên việc khách hàng tự vay ngoài để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ, sau đó cho vay mới (có tài sản đảm bảo), với lãi suất thấp hơn 2 - 2,5%/năm. Thế nhưng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, với những khách hàng đã phải chịu áp lực lãi vay cao, nếu có khả năng vay ngoài để tất toán khoản nợ cũ thì họ đã thực hiện sớm, không đợi đến khi ngân hàng mới cho vay. Ngoài các khoản phí, vấn đề quan trọng khác mà khách hàng cần lưu ý khi có ý định vay đảo nợ là tài sản đảm bảo.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, quy định cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác là chính sách rất kịp thời của các ngân hàng thương mại dưới sự chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, người vay cần đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận cụ thể với ngân hàng khi vay ngân hàng khác để trả nợ trước hạn, tránh để bị thiệt thòi.

Trong khi đó, các ngân hàng đang quảng bá rầm rộ về việc cho vay để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, với lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 5,6%/năm. Có ngân hàng rao mức cho vay thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khác.

VietinBank vừa công bố cho vay trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6%/năm với vay sản xuất - kinh doanh, từ 7,5% với vay tiêu dùng. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, ân hạn nợ gốc 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Lãi suất cho vay để trả nợ chỉ 5,6%/năm của VietinBank hiện thấp hơn lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của hầu hết các ngân hàng khác. Trong khi đó, BIDV triển khai chương gói vay này với lãi suất từ 6%/năm. MB triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác, lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng…

Lãi suất cho vay để trả nợ có vẻ hấp dẫn, song theo giới phân tích, khách hàng cần lưu ý về những điều kiện và các khoản chi phí phát sinh. Mức lãi suất ưu đãi cũng chỉ trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục chuyển tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cũ sang thế chấp tại ngân hàng mới chắc chắn sẽ tiêu tốn không ít thời gian, chi phí. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, việc định giá tài sản đảm bảo là bất động sản cũng không thể như giai đoạn thị trường giao dịch sôi động.

Một chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, với chính sách vay ngân hàng này để trả khoản vay trước đó tại ngân hàng khác, lãi vay có thể giảm nhưng không đáng kể. Vả lại, thực chất hiện nay, lãi vay hạ nhiệt là do lãi suất đầu vào giảm. Mặt khác, các ngân hàng đang dư thừa vốn, nên buộc phải hạ lãi suất. Còn việc cho vay để trả nợ sẽ được đánh giá rất chặt chẽ và phải đảm bảo đủ điều kiện.

Khuyến khích các ngân hàng cho vay không thế chấp
Các ngân hàng cần thay đổi triệt để về tư duy, không nên nhìn nhận doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn là rủi ro, mà nên lọc ra để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư