Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Không được chủ quan khi điều trị Covid-19 tại nhà
Mộc An - 04/03/2022 08:12
 
Nhiều người đang có tâm lý chủ quan “ai rồi cũng thành F0” và lơ là phòng chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà cũng đang đặt mình vào nguy hiểm khi tự ý sử dụng thuốc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Quên” phòng dịch

Theo thống kê, hiện có khoảng 90% F0 ở Hà Nội đang được điều trị tại nhà. Bởi vậy, trong lúc này, ý thức phòng, chống dịch của mỗi người dân rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại nhiều gia đình, việc cách ly được thực hiện nửa vời, không triệt để. Các F0 vẫn sinh hoạt cùng với những thành viên trong gia đình; khi tiếp xúc với F0, các biện pháp bảo hộ hầu như không được áp dụng.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình dù đang trong diện cách ly y tế, song vẫn không tuân thủ các quy định liên quan đến rác thải sinh hoạt, “vô tư” xả rác như lúc không có ca bệnh. Ngoài ra, hiện cũng không có lực lượng làm công tác thu gom, xử lý rác thải của F0 theo đúng quy trình kỹ thuật.

Nguy hiểm hơn, một số gia đình còn bỏ các biện pháp cách ly, phòng dịch khi có thành viên là F0 với suy nghĩ rằng, trước sau cũng mắc, thà mắc cùng lúc, cả nhà chăm nhau và giảm thời gian cách ly so với việc lần lượt các thành viên mắc.

Cũng do lượng F0 đang quá tải ở nhiều tỉnh, thành phố, khiến y tế cơ sở dường như không kham nổi các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, dẫn đến việc một số người khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 cũng không khai báo, tự tìm các phương pháp điều trị, mà đa phần trong đó là “truyền miệng”, hiệu quả chưa được chứng minh.

Thậm chí, một số người còn “rỉ tai” nhau, người nào uống nhiều rượu sẽ ít có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bởi rượu chứa cồn, nên sẽ sát khuẩn và ngăn ngừa được Covid-19.

Theo GS-TS. Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai mũi họng (Trường đại học Y Hà Nội), tuy thành phần rượu có cồn, nhưng nồng độ cồn để sát khuẩn phải từ 70 độ trở lên và chỉ có thể sát khuẩn bề mặt, trên da, nên không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng để diệt virus, chưa kể khi đó virus đã ngấm vào trong tế bào. Nếu nồng độ cồn trong rượu cao còn gây tổn thương niêm mạc, dẫn tới hậu quả ngược mong muốn là tạo đường vào tế bào dễ dàng hơn cho các loại vi khuẩn và virus tấn công.

Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Nhiễm khuẩn Hà Nội lưu ý, các F0 điều trị tại nhà không được “quên” các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, người dân không nên quá lạm dụng test nhanh và test liên tục. Chỉ nên dùng test nhanh để chẩn đoán khi có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, chảy nước mũi... Nên test lại sau 7 ngày kể từ ngày phát hiện dương tính để có kết quả chính xác nhất. Rác thải sau khi test nhanh phải được xử lý đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt, nhiều F0 điều trị tại nhà đang quá lạm dụng các loại thuốc điều trị Covid-19. Những ngày qua, trên mạng có nhiều chia sẻ về cách điều trị Covid-19, trong đó khuyên dùng các thuốc kháng viêm (corticoid) sớm để tránh gặp bão cytokin - được cho là nguyên nhân gây Covid-19 nghiêm trọng.

Trong quá trình tư vấn và khám bệnh từ xa cho các F0 điều trị tại nhà, bác sỹ Đỗ Tuấn Anh (Bệnh viện Bạch Mai) đã gặp không ít trường hợp tự ý sử dụng thuốc theo đơn trên mạng và được kê từ các nhà thuốc. Nhiều thuốc như kháng sinh, vitamin không cần thiết cũng được nhiều nhà thuốc tư vấn, bán cho người dân.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cho rằng, đa phần bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không cần thiết phải dùng các thuốc kháng virus, mà chỉ cần điều trị triệu chứng, tăng cường sức đề kháng. Thậm chí, ngay tại bệnh viện, tùy vào triệu chứng của người bệnh, bác sĩ mới kê thuốc kháng virus và đưa ra phác đồ điều trị.

Đồng quan điểm, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo, với thuốc chống viêm nhóm corticoid, thuốc chống đông, F0 điều trị ở nhà tuyệt đối không mua, không tích trữ, không tùy tiện sử dụng. Việc dùng các thuốc này không đúng chỉ định vừa không có lợi, vừa có thể có tác dụng phụ.

Chuyên gia cũng cho hay, các thuốc kháng virus cũng được cảnh báo phải dùng đúng đối tượng, thời gian, nếu dùng không đúng, sẽ không có tác dụng dự phòng nhiễm nặng, hay ngăn ngừa biến chứng hậu Covid-19 sau khỏi bệnh.

“Thuốc kháng virus Molnupiravir chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận”, bác sĩ Khiêm nói.

Đặc biệt, theo bác sĩ, các nghiên cứu cho thấy, việc dùng corticoid sớm (khi chưa phải thở oxy, nồng độ ô xy trong máu trên 95%) đều làm cho tỷ lệ trở nặng và tử vong do Covid-19 cao hơn so với không dùng corticoid.

“Loạn” thuốc điều trị Covid-19, “cháy” thiết bị phòng dịch
Số ca mắc Covid-19 đang ở mức cao kỷ lục, người dân đổ xô đi mua thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, thiết bị y tế thì khan hiếm và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư