Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không kiểm toán, tài sản nhà nước có thất thoát khi cổ phần hóa?
Mạnh Bôn - 26/08/2017 07:36
 
Năm 2016 mới chỉ kiểm toán kết quả định giá 7 doanh nghiệp, nhưng Kiểm toán Nhà nước đã xác định tăng thêm vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng. “Trước đây không kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp thì liệu có thất thoát tài sản nhà nước?” là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với GS-TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng kiểm toán nhà nước.
TIN LIÊN QUAN

Ông giải thích thế nào về con số 20.818 tỷ đồng vốn nhà nước được xác định tăng thêm sau khi kiểm toán kết quả định giá 7 doanh nghiệp năm 2016?

Theo quy định, doanh nghiệp có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải thuê tổ chức có chức năng định giá xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa. Có nhiều phương pháp định giá tài sản, nhưng thông thường tổ chức định giá sử dụng phương pháp tài sản (xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở giá trị thực tế của toàn bộ tài sản hữu hình, vô hình tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp) hoặc phương pháp dòng tiền chiết khấu (xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở khả năng sinh lời trong tương lai, không phụ thuộc vào giá trị tài sản của doanh nghiệp).

.
.

Hai phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trên có hai cách tính khác nhau, nên cho hai kết quả khác nhau. Vì lợi ích của khách hàng (doanh nghiệp cổ phần hóa), tổ chức định giá áp dụng phương pháp nào mà giá trị doanh nghiệp được định giá thấp hơn. Ngược lại, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phải đứng về phía Nhà nước, nên áp dụng phương pháp định giá nào đưa ra giá trị doanh nghiệp cao nhất. Chính vì vậy, mới xác định tăng thêm vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng so với giá trị doanh nghiệp mà các tổ chức định giá đã xác định trước đó.

Thưa ông, vậy có thể hiểu có sự tiêu cực trong xác định giá trị doanh nghiệp?

Các tổ chức được thuê xác định giá trị doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các căn cứ xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp. Cụ thể, xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản căn cứ vào số liệu sổ kế toán; tài liệu kiểm kê, phân loại và đánh giá chất lượng tài sản; giá thị trường của tài sản tại thời điểm tổ chức định giá; giá trị quyền sử dụng đất được giao, trị giá tiền thuê đất và giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp.

Xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu dựa vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 5 năm liền kề, trước thời điểm xác định giá trị; phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 3 - 5 năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần; lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm ở thời điểm gần nhất và hệ số chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, trong các kết luận kiểm toán kết quả định giá 7 doanh nghiệp nói trên, chúng tôi đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…, nhưng không đưa ra kết luận có sự vi phạm pháp luật, tiêu cực nào trong xác định giá trị doanh nghiệp.

Nhưng nhìn vào con số 20.818 tỷ đồng vốn nhà nước mà Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thêm, nhiều người không khỏi “giật mình” vì hàng ngàn doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa từng được kiểm toán kết quả định giá?

Hầu hết doanh nghiệp đã, đang và sẽ cổ phần hóa đều không được kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp, nhưng điều đó không có nghĩa là tài sản nhà nước bị thất thoát. Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là khâu then chốt, là tiền đề để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Vì vậy, theo quy định, tất cả doanh nghiệp cổ phần hóa có tổng giá trị tài sản theo sổ sách kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị vốn nhà nước từ 10 tỷ đồng trở lên phải thuê tổ chức có chức năng định giá như công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, công ty thẩm định giá tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp kết quả xác định giá trị doanh nghiệp không bảo đảm đúng quy định, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa từ chối thanh toán phí dịch vụ; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức định giá phải bồi thường.

Toàn bộ quá trình cổ phần hóa, trong đó có xác định giá trị doanh nghiệp được công khai, minh bạch các thông tin về doanh nghiệp, về phương án cổ phần hóa, tình hình quản lý và sử dụng đất đai, lao động… Vì vậy, không thể nói đối với doanh nghiệp không thực hiện kiểm toán kết quả định giá thì bị thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thưa ông, trong trường hợp IPO, giá trị doanh nghiệp được trả thấp hơn giá trị mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra thì sao?

Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp nhà nước do Kiểm toán Nhà nước thực hiện không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính, mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá doanh nghiệp, tồn tại, bất cập đang diễn ra trong quá trình cổ phần hóa.

Chính vì vậy, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động trong những lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm; công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra con số chính xác nhất về giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở thời điểm định giá. Sau khi định giá một thời gian mới tiến hành IPO. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp có thể hoạt động tốt lên hoặc ngược lại; thị trường chứng khoán biến động tăng/giảm; lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động có thể thuận lợi hơn hoặc bất lợi…

Nói chung, giá trị doanh nghiệp biến động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan, nên có thể tăng hoặc giảm so với giá trị đã được xác định trước đó. Vì vậy, theo quy định, sẽ điều chỉnh giá trị doanh nghiệp đã công bố trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa, chính sách Nhà nước thay đổi hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác; sau 12 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị mà doanh nghiệp chưa IPO.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư