Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không lùi bước, quyết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%
Hà Nguyễn - 07/04/2024 08:54
 
Dù nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục phục hồi tích cực. Ảnh: Đức Thanh

Chọn kịch bản 6,5%

Đã có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, sau khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 được công bố chính thức, với tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,66%, cao hơn so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị (6-6,5%). Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,12%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Theo đó, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%; trong đó tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. 

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau đó đã nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%.

Câu hỏi đặt ra là, liệu nền kinh tế có thể đạt được con số này hay không? Khi đưa ra kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên cơ sở không chỉ là kết quả của quý I, mà còn là dự báo tình hình những quý sau.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi tích cực, đơn hàng tăng. Đây là điều kiện để đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, làm giảm áp lực lên năm 2025, năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025.

Thực tế, theo Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024, do Tổng cục Thống kê thực hiện, có 45,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng trong quý II sẽ tốt lên so với quý I/2024. Về đơn đặt hàng, có 42,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên trong quý II so với quý I. Còn về đơn đặt hàng xuất khẩu, 36,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý II/2024.

Như vậy, xu hướng trong sản xuất - kinh doanh là tích cực hơn. Tương tự, các khu vực dịch vụ, du lịch cũng được dự báo tiếp tục phục hồi trong những quý tiếp theo. Đó là cơ sở để kỳ vọng, tăng trưởng GDP các quý còn lại của năm sẽ tiếp tục quy luật quý sau cao hơn quý trước, để cả năm có thể đạt mục tiêu 6,5%.

Không lùi bước

Quyết tâm là rất lớn, nhưng khó khăn là không nhỏ, khi mà cả kinh tế toàn cầu và trong nước đều ẩn chứa những rủi ro. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây khi công bố Báo cáo cập nhật kinh tế tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 5,5%.

Ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế của WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết, WB đưa ra con số này dựa trên các yếu tố như tiềm năng phục hồi thương mại toàn cầu và khả năng phục hồi kinh tế của chính Việt Nam. Ông Aaditya Mattoo cũng nhắc đến những khó khăn trong khu vực bất động sản, cũng như việc chưa có những cải thiện mạnh mẽ trong giải ngân đầu tư công.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, quý I/2024, giải ngân vốn đầu tư công là tích cực, ước đạt 89.874,751 tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái đạt 10,35%) và tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng). Nhưng khó khăn cũng phát lộ, khi tại các dự án trọng điểm, đã có tình trạng thiếu cát để san lấp mặt bằng. Đây là vấn đề cần tích cực giải quyết trong thời gian tới, để thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng đầu tư công.

Trong khi đó, S&P Global vừa công bố, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, sau khi cải thiện nhẹ trong 2 tháng đầu năm, đã quay về dưới ngưỡng 50 điểm, đạt 49,9 điểm.

“Tăng trưởng của ngành sản xuất Việt Nam đã chậm lại trong tháng 3, khi nhu cầu giảm kìm hãm đà tăng của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng. Tình trạng nhu cầu yếu cũng được phản ánh trong các chỉ số giá cả của khảo sát PMI khi tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và giá bán hàng giảm”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market nói.

Nghĩa là, ở một góc độ nào đó, sự phục hồi của nền kinh tế còn chưa chắc chắn và ẩn chứa những thách thức. Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra thách thức, khó khăn, những điểm đáng lo của nền kinh tế. 

“Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cũng nhắc đến chuyện có tới 74.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường trong quý I; thị trường bất động sản, trái phiếu còn khó khăn; những rủi ro về lạm phát và tỷ giá, để nhấn mạnh những khó khăn của nền kinh tế.

“Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định, phải coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng để thúc đẩy giải ngân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quý I/2024, TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng GRDP là 6,54%. Đầu tàu kinh tế này đang quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng 7,5-8% trong năm nay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt, vừa đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư tư nhân, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, các dự án trọng điểm, kích cầu tiêu dùng và du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 8,8% trong quý I, Quảng Ninh sẽ nỗ lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong cả năm. “Chúng tôi quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công, trong đó, 6 tháng đạt 50%, 9 tháng đạt 80%, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Huy nói.

Khi sự quyết tâm xuống tới từng bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng như Chính phủ đã lựa chọn và quyết tâm đạt được.

Không khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%
Hôm nay (ngày 29/3), Tổng cục Thống kê công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024. Trước những diễn biến sản xuất, kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư