Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho các mục đích khác
Nguyễn Lê - 17/08/2021 20:38
 
Nhiều tỉnh thành xin dùng nguồn cải cách tiền lương còn dư chi chống dịch, nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định dứt khoát phải cải cách tiền lương vào 1/7/2022 để kích thích kinh tế.
.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp.

Chiều 17/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo đề xuất của Chính phủ thì các đơn vị đang thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở một số cơ quan sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương vào 1/7/2022.

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra nội dung Chính phủ trình đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn vấn đề trên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương đã khẳng định việc cải cách tiền lương nhất quyết phải tiến hành vào 1/7/2022.

Khi đó, tất cả các cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ, không thể có công chức loại 1, loại 2, loại 3 nữa, ông Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế nhiều địa phương lúc nào cũng khẳng định là có đủ nguồn cho cải cách tiền lương, nhưng nếu sau này không đảm bảo được thì ai là người chịu trách nhiệm.

Lúc nào Bộ Tài chính cũng kêu không có nguồn cải cách tiền lương nhưng vẫn duyệt cho chi từ nguồn cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ở địa phương hiện còn 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư.

"Vừa rồi, 7 tỉnh đề nghị dùng tiền này chống dịch. Bộ Tài chính đã trả lời là dùng các nguồn khác như dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên; chưa đủ thì phải thực hiện điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cắt giảm các khoản không cần thiết còn nguồn cải cách tiền lương luôn sẵn sàng để thực hiện", ông Phớc giải trình.

Có mặt tại phiên họp, bà Mai Thị Thu Vân, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến, hiện có 10 tỉnh có kiến nghị sử dụng tiền còn dư sau khi đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương để chống dịch Covid-19.

Và nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thì Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo để cho phép sử dụng nguồn này chỉ chuyên về chống dịch Covid-19, không làm nhiệm vụ khác.

Liên quan đến vấn đề này, tại nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 thông qua ngày 28/7 vừa qua, Quốc hội yêu cầu tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. 

Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp xã hội cho 8 đối tượng từ 1/1/2022
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư