Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ luỹ kế
Thanh Hương - 02/01/2024 16:25
 
Tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là khoảng 2.092,78 đồng/kWh, song giá bán lẻ điện bình quân đang được áp dụng là khoảng 1.950,32 đồng/kWh, khiến cho EVN vẫn tiếp tục lỗ năm thứ 2 liên tiếp.

Giải pháp khả thi xử lý lỗ triệt để

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 diễn ra sáng nay, ngày 2/1/2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xem xét loại trừ yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận các năm 2022, 2023 của EVN để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đến từ đơn vị, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng cho hay, năm qua, thu nhập giảm nhiều khiến người lao động tâm tư. Thậm chí tới nay lương năm 2022 vẫn chưa được quyết toán.

Trong năm 2023, mặc dù EVN và các đơn vị đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nội tại, bên cạnh đó giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh 2 lần, nhưng vẫn không bù đắp được chi phí sản xuất điện, nên bị lỗ sản xuất - kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn.

Tuy nhiên, cả Báo cáo tổng kết năm 2023 hay trong phát biểu của Tổng giám đốc EVN tại Hội nghị đều không có dữ liệu về số lỗ của năm 2023. Dù thế, trong báo cáo Bộ Công thương trước đó, EVN đã nhắc tới việc ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất 17.000 tỷ đồng năm 2023 (trong đó lỗ công ty mẹ gần 24.600 tỷ đồng).

Cũng vào năm 2022, theo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất - kinh doanh điện được cơ quan chức năng công bố, EVN lỗ 26.235 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh điện và các hoạt động liên quan.

Ngoài ra, vẫn còn  vẫn còn 4 khoản khác chưa hạch toán vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện là chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện của các năm từ 2019 đến hết năm 2022. Tổng số tiền này lên tới 14.725 tỷ đồng (năm 2019 là 3.015,8 tỷ đồng; năm 2020 là 4.566,94 tỷ đồng; năm 2021 là 3.702,257 tỷ đồng và năm 2022 là 3.440,83 tỷ đồng).

Các nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện được Tổng giám đốc EVN liệt kê là giá nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các năm trước đây, cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.

Ngoài ra, hiện EVN và các Tổng công ty phát điện của mình (các Genco) chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện; còn lại (62,5%) phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành, cao gấp đôi các nước, là bất cập trong tiêu thụ điện.

"EVN còn 20% để điều tiết các khâu còn lại như truyền tải, phân phối, nên rất khó khăn trong tối ưu tài chính, không muốn nói là bất khả thi", ông Tuấn nói, và thêm rằng chính sách thị trường, giá điện cần được cấp có thẩm quyền xem xét, thay đổi để hỗ trợ tập đoàn này trong cân đối tài chính.

Chia sẻ đề nghị này của EVN, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, kiến nghị về đảm bảo thu nhập cho anh em là rất cần thiết, Ủy ban ủng hộ, nhưng tinh thần phải xác định giúp nhau cũng chỉ được 1-2 năm thôi, nếu kéo dài thì sau này cơ quan chức năng vào thì cứ phải theo quy định của pháp luật và lại cũng khó cho tất cả chúng ta. Có khi lúc đó lại trở thành vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cạnh đó, ông Hoàng Anh cũng nhắc rằng, Chính phủ đã chỉ đạo, Thủ tướng cũng nói nhiều lần rồi là cơ chế cho phép tăng giá điện dưới 5% và 6 tháng/lần, như vậy, cứ thế thực hiện, còn Bộ Công thương thì dứt khoát phải hỗ trợ để cho thực hiện.

“Quan điểm của chúng tôi là Thủ tướng cho phép rồi, Bộ cũng có cơ chế rồi, thì Ủy ban chỉ đạo Tập đoàn phải làm, nếu không giải quyết trong những năm tới và để tình trạng vẫn lỗ lũy kế như này thì không có cách nào vượt qua được và mãi mãi vẫn xảy ra”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nói và nhấn mạnh, phải giải quyết tồn tại lỗ, không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ luỹ kế, mà không giải quyết được thì không giải quyết được gì hết.

Hai lần điều chỉnh giá điện gần nhất đã diễn ra vào ngày 4/5/2023 với mức tăng 3% và ngày 9/11/2023 với mức tăng 4,5% - tức là cứ 6 tháng/lần giá điện lại được xem xét lại.

Dồn sức để lo điện

Năm 2024, EVN cũng dự báo sản lượng điện thương phẩm tối đa 269,3 tỷ kWh và lên kế hoạch yêu cầu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với GDP tăng 6-6,5%.

Để thực hiện mục tiêu này, EVN đã đề ra yêu cầu chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị sản xuất ngay từ đầu năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo sẽ theo quy luật thị trường và tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, không để lãng phí nguồn lực xã hội.

Miền Bắc không có dự phòng về nguồn nhưng lại là nơi có nhu cầu sử dụng điện tăng 9-10% mỗi năm. 

Tuy vậy, lãnh đạo EVN nhìn nhận cung ứng điện vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Chẳng hạn, miền Bắc không có dự phòng về nguồn nhưng lại là nơi có nhu cầu sử dụng điện tăng 9-10% mỗi năm.

Nhắc nhở EVN tuyệt đối không để thiếu điện trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho hay, ngày làm việc cuối cùng của năm 2023, Bộ Công thương đã phê duyệt phê duyệt kế hoạch chuẩn bị ứng phó cho mùa khô 2024 với các tháng 4-5-6-7.

Đồng thời yêu cầu EVN phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Than Đông Bắc đảm bảo cung ứng khí, than cho phát điện.

Trước đó, Bộ Công thương cũng đã có Quyết định số 3110/QĐ-BCT, phê duyệt kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2024 với dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc là 306,259 tỷ kWh, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Ở phương án được phê duyệt này, tăng trưởng điện sản xuất và nhập khẩu được lấy ở mức 9,15%, tần suất nước 75% trong 6 tháng đầu năm (dãy sông Đà tần suất 90%), các tháng còn lại tần suất 65%, các nhà máy điện có mô phỏng cam kết sản lượng theo thị trường điện, có bao tiêu khí.

Đánh giá về tình hình cấp điện, ông Hoàng Anh cũng lưu ý, tổng công suất nguồn điện cả nước hiện có khoảng 80.000 MW, nhưng nếu tính toán không kỹ, chỉ nói đơn giản là nhu cầu trên dưới 50.000 MW là đủ rồi thì không đủ đâu, vì vậy, cần có chuẩn bị kỹ cho năm 2024.

Vẫn theo ông Hoàng Anh, EVN đang tập trung cho thuỷ điện tích nước thì mất nhiều tiền chi phí cho than, khí, khác nguồn khác và không dưới 20.000 tỷ đồng.

“Muốn đạt mục tiêu đủ điện cho năm 2024, EVN đang hy sinh nguồn lực rất lớn nên tổng kết cần mạnh dạn nói thẳng ra, đừng áo gấm, chịu trách nhiệm, hy sinh mà không ai biết, không ai đặt ra thì không nên”, ông Hoàng Anh nói đồng thời cho biết, Ủy ban cũng đã kiến nghị Thủ tướng, nếu tỷ trong nguồn điện 48% của khối doanh nghiệp nhà nước ngành năng lượng (gồm EVN, Petrovietnam, TKV) không đảm bảo được nhu cầu tối thiểu, thì cần chuyển giao, nâng cao tỷ trọng này lên.

Tính đúng, tính đủ giá điện theo nguyên tắc thị trường
Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp", do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư