Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Cử tri đề nghị cần nhanh chóng thay đổi cách tính giá điện
Nguyễn Lê - 21/10/2023 17:08
 
Bộ Công thương hiện đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện, có tính đến quá trình thực hiện thời gian qua và phù hợp với giai đoạn sắp tới.
.
Cử tri "phàn nàn" cách tính giá điện hiện nay rất phức tạp. 

Theo ý kiến cử tri, cần nhanh chóng thay đổi cách tính giá điện bậc thang xuống còn 5 bậc và đề nghị trong 4 - 5 năm tới sẽ chỉ còn một mức giá thay vì giá bậc thang như hiện nay.

Ý kiến trên được phản ánh tại báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri và nhân dân cho rằng, việc tăng giá điện liên tục nhưng vẫn thiếu điện trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; cách tính biểu giá điện hiện nay rất phức tạp, mức tính luỹ tiến không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện.

Đề nghị của cử tri là cần nhanh chóng thay đổi cách tính giá điện bậc thang xuống còn 5 bậc và đề nghị trong 4 - 5 năm tới sẽ chỉ còn một mức giá thay vì giá bậc thang như hiện nay.

Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi về dự kiến biểu giá điện 5 bậc hiện nay, bảo đảm hợp lý, công bằng cho các hộ dân sử dụng điện; việc điều chỉnh tăng giá điện cần thực hiện công khai, minh bạch, cử tri nêu ý kiến.

Liên quan đến giá điện, trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, trên cơ sở phương án giá điện do EVN xây dựng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình, không giật cục, giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 đã được EVN điều chỉnh tăng ở mức 3% từ ngày 4/5/2023. Đây là mức điều chỉnh tăng thấp nhất theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg nhằm giảm thiểu tác động đến nền kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đồng thời cũng giải quyết một phần khó khăn về tình hình tài chính và dòng tiền của EVN.

Thời gian tới, Bộ Công thương thông tin, giá điện sẽ tiếp tục được điều hành theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện, có tính đến quá trình thực hiện thời gian qua và phù hợp với giai đoạn sắp tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Cũng liên quan đến điện, tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, tình trạng cắt điện mùa nắng nóng tái diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Cơ quan của Quốc hội nêu, trong mùa nắng nóng vừa qua, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện và phần lớn không được báo trước, tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra cả ở nhiều khu dân cư lẫn các khu công nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang chật vật phục hồi sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng cắt điện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân. Nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, nguy cơ thiếu hụt nguồn điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong những mùa nắng nóng tiếp theo.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ hậu quả từ sự cố cắt điện đối với nền kinh tế và số liệu tiêu thụ điện thời gian qua để thấy rõ hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ở báo cáo mới hoàn thành ngày 20/10, về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch năm 2024, Chính phủ đánh giá, tình hình cung ứng điện được cải thiện, kịp thời xử lý tình trạng thiếu điện, cắt điện cục bộ, cân đối đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước.

Chính phủ cũng đề cập việc đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành, khai thác một số dự án năng lượng quan trọng; cả năm 2023, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) dự kiến đạt 83.156 MW, tăng 4,4% so với năm 2022; tỷ lệ dự phòng công suất nguồn (không bao gồm điện năng lượng tái tạo) dự kiến đạt 18,8%.

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2023 dự kiến đạt khoảng 283,53 tỷ kWh, tăng 5,8% so với năm 2022 . Trong đó, điện sản xuất dự kiến đạt 279,58 tỷ kWh, tăng 3,4%; điện nhập khẩu đạt 3,53 tỷ kWh, đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước, theo báo cáo của Chính phủ. 

Hóa giải tình trạng thiếu điện
1,4 tỷ USD là con số ước tính mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mới đây về phí tổn kinh tế do các đợt mất điện vào tháng 5 và 6/2023 gây ra với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư