Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không thể chủ quan với kiểm soát lạm phát theo mục tiêu
Minh Nhung - 19/02/2022 08:42
 
Không thể chủ quan với kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (khoảng 4%) bởi có nhiều yếu tố tác động cùng sự cộng hưởng.

Quan hệ cung - cầu

Sau mấy năm nhờ tăng trưởng GDP (cung sản xuất trong nước) cao, cung đã vượt cầu, nên CPI thấp hơn mục tiêu. Do đại dịch Covid-19, hai năm qua tuy cung ở trong nước tăng chậm lại, nhưng cầu bị “bào mòn” mạnh, tăng thấp so với cung (mà biểu hiện rõ nhất là xuất siêu), nên CPI cũng tăng thấp hơn mấy năm trước và tăng thấp hơn cả mục tiêu.

Năm 2022 được dự báo cả cung và cầu đều tăng lên theo mục tiêu và tác động của gói hỗ trợ tài chính - tiền tệ, trong đó cầu (bao gồm tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng) có xu hướng tăng cao hơn cung. Tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư, cộng với gói hỗ trợ tài chính- tiền tệ sẽ làm cho vốn đầu tư phát triển có tốc độ tăng cao hơn trước và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP cũng cao lên.

Tiêu dùng cuối cùng gồm tiêu dùng của Nhà nước và tiêu dùng của hộ dân cư, không chỉ tăng về số lượng, mà còn tăng về chất lượng, chủng loại, đặc biệt là dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, văn hóa, giải trí. Tiêu dùng cuối cùng tăng cao hơn một mặt do sự bật tăng có tính tâm lý sau 2 năm bị “bào mòn” bởi đại dịch; mặt khác do việc làm được cải thiện với sự mở cửa trở lại, tác động của gói hỗ trợ tài chính - tiền tệ, đặc biệt là các khoản về an sinh, xã hội, lao động, việc làm…

Khi cầu cao hơn cung, thì yếu tố “cầu kéo” sẽ làm cho CPI tăng cao lên.

Nhập khẩu lạm phát và chi phí đẩy tăng

Trong năm 2021, giá nhập khẩu tăng cao (5,49%) đã làm cho chi phí đẩy đối với sản xuất tăng (giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 5,51%), nhưng chưa gây sức ép lớn đến giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng do gặp phải tiêu dùng cuối cùng thấp. Năm nay, cả 2 yếu tố liên quan đến giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đều tác động mạnh hơn. Chi phí đẩy đối với sản xuất trong năm trước, năm nay sẽ chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, gây sức ép lên CPI.

Khi lạm phát cao lên, thì xuất hiện tâm lý dự trữ, đầu cơ hiện vật, tiền gửi vào ngân hàng sẽ ít đi, càng làm cho hàng ít hơn tiền, sẽ làm cho giá hàng hóa tăng lên.

Nhập khẩu lạm phát năm nay tiếp tục. Tháng 1 năm nay, giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: than (160,5%), phân bón (81,1%), dầu thô (80,7%), ngô (55,1%), bông (54,8%), sắt thép (53,2%), xăng dầu (51,5%), phế liệu sắt thép (42,8%), lúa mì (34,9%), khí đốt hóa lỏng (33,7%), xơ sợi dệt (26,6%), đậu tương (18,7%), chất dẻo nguyên liệu (19,5%), giấy (17,4%), kim loại thường khác (14,2%), cao su (3,9%), hạt điều (3,2%)…

Đó là giá nhập khẩu tính bằng USD. Tỷ giá VND/USD trong 2 năm qua giảm, làm cho tỷ giá thương mại hàng hóa giảm. Tỷ giá VND/USD và tỷ giá thương mại hàng hóa giảm gây bất lợi cho xuất khẩu, làm lợi cho nhập khẩu. Để khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, thì tỷ giá sẽ không giảm nữa, mà cần được điều chỉnh tăng - có thể không vượt định hướng trước đây (2%), nhưng cũng phải trên dưới 1,5%. Nếu tỷ giá tăng, thì giá nhập khẩu tính bằng USD sẽ tăng “kép” (vừa tăng do tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng).

Yếu tố tiền tệ

Đây là yếu tố trực tiếp và cuối cùng để lạm phát biểu hiện. Năm 2022, yếu tố này tác động đến CPI sâu, rộng hơn mấy năm trước. Tác động thể hiện trên một số mặt như sau:

Thứ nhất, năm 2021, tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán, của dư nợ tín dụng cao hơn của số dư tiền gửi (tương ứng là 8,93%, 13,5% và 8,44%). Năm 2022, do lãi suất tiền gửi thấp, gần đây mới tăng lên, nhưng cùng với gói hỗ trợ tài chính - tiền tệ thì tốc độ tăng còn cách xa nhau hơn, nhất là với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sẽ kéo theo 2 triệu tỷ đồng từ tín dụng ra lưu thông trong 2 năm. Khi đó, tiền từ lưu thông vào hệ thống ngân hàng thấp hơn tiền từ hệ thống ngân hàng ra lưu thông, làm cho tiền nhiều hơn hàng trong lưu thông, tất yếu khiến CPI tăng cao hơn.

Thứ hai, khi lạm phát tăng cao, thì vòng quay tiền tệ sẽ tăng trở lại (chuyển từ giữ tiền sang giữ hàng) sau mấy năm giảm và đã xuống mức thấp (chỉ còn khoảng 0,5 lần). Khi vòng vay tiền tệ tăng, thì lượng tiền trong 1 năm trong lưu thông thực tế sẽ tăng lên so với số lượng tiền tuyệt đối.

Thứ ba, sự chuyển động của dòng tiền từ các thị trường có nhiều rủi ro (như tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) gây áp lực đến thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, làm tăng CPI.

Yếu tố tâm lý

Khi lạm phát cao lên, thì xuất hiện tâm lý dự trữ, đầu cơ hiện vật, tiền gửi vào ngân hàng sẽ ít đi, càng làm cho hàng ít hơn tiền, sẽ làm cho giá hàng hóa tăng lên. Và để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, để ngăn chặn việc găm giữ ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải điều chỉnh tỷ giá.

Hai điều trên xảy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đến lòng tin vào đồng tiền quốc gia. Yếu tố tâm lý tuy không trực tiếp là yếu tố kinh tế như 3 yếu tố ở trên, nhưng trong những trường hợp nhất định, thời điểm nhất định, lại lớn hơn các yếu tố kinh tế ở trên. Hơn nữa, là yếu tố cộng hưởng thì thông thường tác động của cộng hưởng sẽ lớn hơn tổng từ phép cộng đơn giản các yếu tố kinh tế.

Khả năng hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 rất cao
Từ nay đến cuối năm, dự kiến CPI bình quân tăng khoảng 2%, do đó mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2021 không bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư