Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Không thể coi thường stress mùa dịch
Dương Ngân - 01/08/2021 16:34
 
Stress, trầm cảm, lo âu, thậm chí mắc bệnh rối loạn cảm xúc, tâm thần… là những hậu quả về mặt sức khỏe của con người trước đại dịch Covid-19.
Để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi người nên tự tìm cách thích nghi để tránh  nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, stress...
Để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi người nên tự tìm cách thích nghi để tránh nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, stress...

Áp lực mùa dịch

Áp lực, căng thẳng về tâm lý khi xung quanh mình, các thông tin về F0, F1… liên tục xuất hiện, cộng với khó khăn về kinh tế, tù túng, bí bách vì giãn cách khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress.

Bác sĩ Trần Đức Cường, người trực tiếp điều trị bệnh nhân tại khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, những trường hợp dễ mắc rối loạn tâm thần nhất trong mùa dịch là bệnh nhân Covid-19. Có bệnh nhân ngay trong những ngày đầu nhập viện cách ly, điều trị đã xuất hiện dấu hiệu mất ngủ, lo âu, căng thẳng, stress kéo dài. Thậm chí, những người này khi khỏi bệnh trở về cộng đồng cũng chịu áp lực tâm lý nặng nề.

Thông tin từ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, thời gian qua, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần đến từ các khu cách ly tập trung, khu vực bị phong tỏa. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn tiếp nhận những bệnh nhân có dấu hiệu ho, sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng bệnh tâm thần ở các bệnh viện khác chuyển tới.

Cụ thể, trong năm 2020, khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân. Còn từ đầu năm 2021 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận hơn 50 người, trong đó, riêng đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) tiếp nhận khoảng 30 người.

Lý giải rõ hơn về tình trạng stress trong mùa dịch, ThS - bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện E) cho hay, Covid-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những rối loạn tâm thần, nhưng là một trong những yếu tố thêm vào để khởi phát rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, stress và rối loạn giấc ngủ. Trong đó, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất phải kể tới là những người làm việc tại văn phòng.

Trong thời gian dịch bệnh, bác sĩ Chung đã tiếp nhận nhiều trường hợp có biểu hiện bệnh khá nghiêm trọng. Điển hình là một du học sinh, trong thời gian học ở châu Âu, do lo ngại dịch bùng phát mạnh, em rất lo lắng, sợ mắc bệnh và mong muốn được về nước. Gia đình đã tìm mọi cách để đưa em trở về. Khi về nước, em liên tục bị mất ngủ, lo âu, buồn chán, cảm thấy có lỗi với gia đình, mặc cảm, bi quan về tương lai và rơi vào tình trạng stress khá nặng.

Trường hợp khác là một lãnh đạo ở chi nhánh ngân hàng. Trong thời gian dịch bệnh, nhiều bộ phận phải làm việc online, nên anh thường xuyên lo nghĩ về hiệu quả làm việc của nhân viên và về nguy cơ bị nhiễm bệnh, đến mức luôn luôn dò xét mọi người xung quanh. Vì quá lo lắng, anh gặp phải rất nhiều cơn tăng huyết áp với các biểu hiện như đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, run, chóng mặt, mất ngủ…

PGS-TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, không chỉ người lớn, mà ngay cả trẻ em cũng chịu áp lực tâm lý khi Covid-19 xuất hiện. Chẳng hạn, trong thời gian các em phải nghỉ học, bị hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình cho con “làm bạn” với điện thoại thông minh, máy tính, có thể dẫn đến trẻ bị rối loạn tâm lý do nghiện game, Internet cùng nhiều hệ lụy về sau.

Thay đổi lối sống để thích nghi

Trạng thái thường gặp trong mùa dịch là mệt mỏi, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc, có thể dễ cáu gắt, nóng giận, không kiểm soát được cảm xúc. Ngoài ra, có người lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung, dẫn tới làm việc không hiệu quả.

Covid-19 còn diễn biến phức tạp, do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thay đổi lối sống để thích nghi. Theo đó, người dân nên tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch bằng các liệu pháp đơn giản, như thư giãn, luyện tập yoga, thiền, nghỉ ngơi, đọc sách… Khi có các biểu hiện của stress, như khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi... hoặc có dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần, thì người dân nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị.

Riêng đối với người cao tuổi, theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, người thân trong gia đình cần quan tâm trò chuyện để họ không cảm thấy cô đơn. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, người cao tuổi cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, canxi để tăng cường thể lực. Hiện nay, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ tư vấn trực tuyến, do đó, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính nên sử dụng phương thức này để chia sẻ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó giảm bớt lo âu.

Chuyên gia cũng khuyên, mọi người nên nói ra tâm sự của mình để được chia sẻ, giải tỏa lo lắng. Học sinh, sinh viên nên bình thường hóa cảm xúc bằng cách tăng cường trò chuyện với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình. Trong khi phải ở nhà, hạn chế ra ngoài, các em nên dành thời gian cho những sở thích, như hội họa, âm nhạc, rèn luyện thể dục, thể thao…

TS. Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) chia sẻ, việc điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần vốn đã phức tạp, nay liên quan đến Covid-19, nên càng khó khăn hơn. Người bệnh rất khó tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh, tránh giao tiếp giữa các bệnh nhân với nhau để tránh lây nhiễm.

Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, nếu mỗi người không tự tìm cách thích nghi, sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc bệnh lý tâm thần. Vì thế, theo chuyên gia, nếu phải làm việc tại nhà, mỗi người cần lên thời gian biểu mỗi ngày, có phòng làm việc đủ yên tĩnh để hoàn thành công việc, thu xếp những khoảng thời gian hợp lý để nghỉ ngơi...

Đặc biệt, mỗi người cần chấp hành nghiêm các quy định về chống dịch như 5K, chỉ thị giãn cách. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày, tăng kết nối với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, tránh tình trạng dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội…

Mong muốn về cuộc sống khỏe mạnh của trẻ em trong mùa dịch qua góc nhìn hội họa
Bộ tranh của “chàng trai vẽ thơ” Lai Thượng Hưng nhận được nhiều sự đồng cảm của cộng đồng mạng khi khắc họa những mong ước giản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư