Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Khu công nghiệp “xanh”: Điểm đến ưu tiên của dòng vốn xanh
Lê Quân - 01/08/2024 11:58
 
Các dự án khu công nghiệp xanh tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành điểm đến ưu tiên của các dòng vốn xanh.
Doanh nghiệp tham gia triển lãm tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường miền Bắc sôi động

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch Đầu tư và sự phối hợp của Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) diễn ra mới đây, các chuyên gia tham dự Diễn đàn đều thống nhất nhận định: xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp tục diễn ra, không chỉ mang đến cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là cơ hội phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhận định, trong bối cảnh địa chính trị thế giới diễn ra căng thẳng, sự phân vân, e dè của các nhà đầu tư là điều thấy rõ, nhất là kể từ đầu năm 2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đã được thực thi ở một số quốc gia.

Nhưng trong bối cảnh như vậy, một lần nữa Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, khi rất nhiều nhà đầu tư đã khẳng định, họ sẽ đến và đặt chuỗi sản xuất tại Việt Nam. NVIDIA, Samsung, LG… đều cam kết sẽ đầu tư và mở rộng nhà máy trong những năm tới. Chính vì thế, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm qua và những tháng đầu năm nay không chỉ phục hồi, mà còn tăng khá cao so với năm trước.

“Chúng ta đang có cơ hội rất lớn và không chỉ là cơ hội, tất cả đang dần từng bước được hiện thực hóa. Khi dòng vốn tăng nhanh, sẽ mang lại cơ hội và sự sôi động cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, có thể đón đầu dòng đầu tư đang dịch chuyển”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Theo báo cáo riêng của JLL tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024, thị trường đất công nghiệp miền Bắc khá sôi động. Trong vòng 12 tháng qua, thị trường đã chào đón gần 1.600 ha nguồn cung mới, cùng với đó là hấp thu thị trường tốt và sức tăng giá ổn định. Trong khi đó, các chỉ số này tại khu vực miền Nam không cao do chưa có thêm quỹ đất để cho thuê.

Đối với thị trường nhà xưởng xây sẵn, thị trường dần phục hồi sau thời gian khó khăn nhờ vào các tín hiệu tích cực từ lĩnh vực sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, thị trường nhà kho xây sẵn vẫn trong giai đoạn đi ngang và đối mặt với nhiều thách thức từ cân bằng cung-cầu.

Một điểm đặc biệt trong báo cáo của JLL là sự tham gia của các chủ đầu tư Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều nhà đầu tư hiện hữu đang mở rộng hoạt động của mình, cũng như những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Sự phát triển này không chỉ nâng cao mức cạnh tranh, mà còn góp phần thúc đẩy các xu hướng khác như phát triển bền vững và dịch vụ tích hợp.

Ông Trương An Dương, Giám đốc Khối Bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam nhận định, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng trong thời gian vừa qua cho thấy tín hiệu rất lạc quan đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Sự quan tâm và mong muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam để đặt cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khiến nhu cầu tìm kiếm bất động sản công nghiệp trong những tháng qua rất cao.

“Hiện tại, danh mục bất động sản công nghiệp của Frasers trong Nam ngoài Bắc, lượng nhu cầu tìm kiếm mặt bằng của các đối tác để sản xuất gia tăng so với năm ngoái”, ông Dương chia sẻ.

Khu công nghiệp “xanh” hút dòng vốn xanh

Theo nhận định của ông Lê Trọng Minh, cơ hội để đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển về phía Việt Nam là rất lớn. Nhưng, không phải cơ hội nào cũng đều được kịp thời nắm bắt và chuyển hóa thành hiện thực, nếu các chủ đầu tư khu công nghiệp không hiểu rõ về xu hướng của những dòng vốn đó và có sự chuẩn bị phù hợp.

Lấy ví dụ ngành bán dẫn, ông Minh cho biết, các nhà đầu tư đều có yêu cầu rất cao, không chỉ là sự hỗ trợ về mặt tài chính, mà còn là vấn đề nhân lực, năng lượng, đất đai… “Chúng ta vẫn nghe nói nhiều về việc bất động sản công nghiệp Việt Nam đang hưởng lợi từ sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng thực sự thì có bao nhiêu khu công nghiệp, khu kinh tế có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư? Chúng ta có đáp ứng đủ nhu cầu về điện, nước, về dịch vụ hậu cần, logistics… cho họ không?”, ông Minh đặt câu hỏi.

Theo ông Minh, đại bàng bao giờ cũng cần có những cái tổ vững chãi hơn, có dịch vụ tốt hơn. Chưa kể, hiện tại, không chỉ “đại bàng”, mà cả “chim sẻ, chim ri” cũng đang cần những khu công nghiệp xanh, những khu công nghiệp sinh thái để giúp họ có thể sản xuất xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)…, đáp ứng được các cam kết về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Qua nghiên cứu thị trường, kết quả mà JLL công bố cho thấy, việc phát triển các khu công nghiệp đang có sự thay đổi theo xu hướng phát triển khu công nghiệp tích hợp với đô thị để phát triển thành khu công nghiệp kiểu mới với cơ sở hạ tầng và tiện ích đồng bộ. Việc tích hợp khu công nghiệp và khu dân cư nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động tại các khu công nghiệp hiện nay. Đặc biệt là việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái để giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động sản xuất như Khu công nghiệp sinh thái VSIP Bắc Ninh; Khu công nghiệp Deep C; Amata Biên Hòa…

Xu hướng hiện nay cho thấy, thị trường bất động sản công nghiệp hướng đến xanh hóa mọi khâu, từ phát triển bất động sản đến vận hành và sản xuất. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bộ Xây dựng và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), phần lớn dự án xanh là các dự án công nghiệp với 55% dự án xây dựng xanh ở Việt Nam đến từ ngành công nghiệp. Còn theo dữ liệu về các dự án đạt chứng nhận LEED trong năm 2023, hơn 70% dự án đạt chứng nhận thuộc nhóm công trình công nghiệp gồm nhà máy và nhà kho. 38% các dự án đạt chứng nhận công trình xanh (EDGE) trong năm trước cũng thuộc ngành công nghiệp.

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024, ông Trương An Dương, Giám đốc Khối Bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam cho biết, các khu công nghiệp xanh tạo ra lợi thế cạnh tranh của Frasers trên thị trường. Do nhu cầu sản xuất xanh của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt là nhà đầu tư châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản rất quan tâm đến việc phát triển xanh.

Hầu như tất cả các khu công nghiệp xanh có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80 - 90% và hầu hết khách thuê là nhà đầu tư nước ngoài, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn. “Hiện giờ, chúng tôi đã thu hút được một số nhà sản xuất trong chuỗi sản xuất công nghiệp bán dẫn về Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ châu Âu”, ông Dương chia sẻ.

Điều ông Dương nói đã minh chứng cho việc các khu công nghiệp xanh đang trở thành điểm đến ưu tiên của các dòng vốn xanh đến từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành cùng trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Cần có chính sách ưu đãi ngang bằng khu kinh tế.

- Ông Phạm Hồng Điệp, Phó chủ tịch Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIERA)

Vừa qua, các cơ quan chức năng đã cho phép lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng và cho phép mua bán điện giữa các doanh nghiệp. Đây là điều kiện tốt để thực hiện việc phát triển xanh.

Tuy nhiên, khi cho phép lắp điện mặt trời, vấn đề phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác tác động môi trường như thế nào thì doanh nghiệp rất cần được tháo gỡ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các văn bản tích hợp được với nhau để thu hút được các nhà đầu tư làm các dự án xanh.

Để khuyến khích phát triển các khu công nghiệp sinh thái, chỉ cần có chính sách ưu đãi ngang bằng với chính sách của khu kinh tế là đủ.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển khu công nghiệp sinh thái.

- Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ hướng đến giảm tác động môi trường, mà còn hướng đến sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ rất quyết tâm phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái. Hiện nay, việc thí điểm chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái đã trải qua 2 giai đoạn, sau khi triển khai thí điểm, mô hình này đang phát triển ra các địa phương như Hải Phòng, Đồng Nai…

Vấn đề vướng mắc hiện nay trong việc đầu tư khu công nghiệp sinh thái là việc tái sử dụng vật liệu và cộng sinh công nghiệp do liên quan đến quy định quản lý của nhiều bộ, ngành khách nhau. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ những vướng mắc này, nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp sinh thái.
JLL: Thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển
Đây là nhận định của ông Tom Over, Giám đốc vận tải & công nghiệp, JLL Việt Nam & Châu Á Thái Bình Dương, tại Diễn đàn Bất động sản công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư