Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khu du lịch Tam Chúc - Điểm đến lý tưởng cho các tour du lịch MICE
Hồ Hạ - Phương Linh - 18/10/2024 07:46
 
Không gian thiên nhiên rộng lớn, đa dạng sản phẩm, dịch vụ, nhất là các phòng hội nghị với sức chứa từ 100-2000 người, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp… Khu du lịch Tam Chúc là địa điểm lý tưởng để tổ chức các tour du lịch MICE.

Lợi thế đón các đoàn khách MICE số lượng lớn

Trong khuôn khổ chương trình Khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch và Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam 2024, do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 17-18/10/2024, tối 17/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm “Kết nối toàn diện sản phẩm Tam Chúc 2024-2025”.

Đoàn đại biểu khảo sát tại Khu du lịch Tam Chúc.

Mở đầu Tọa đàm, ông Trần Thanh Sáng, Giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch dịch vụ Chân Tâm quản lý Khu du lịch Tam Chúc cho biết, Khu du lịch Tam Chúc được xây dựng từ năm 2013, đến năm 2019 chính thức được đưa vào khai thác du lịch. Dự án này sẽ còn được tiếp tục đầu tư các hạng mục khác cho đến năm 2045.

Khu du lịch Tam Chúc nằm trong quần thể du lịch gắn liền với con đường di sản trong tương lai Tập đoàn Xuân Trường hy vọng sẽ tạo ra để khai thác tại khu vực miền Bắc, đặc biệt gắn liền với Hoa Lư, Khu du lịch Bái Đính (Ninh Bình), cũng như gắn với các sản phẩm du lịch tâm linh lâu đời của Hà Nội như chùa Hương.

6 năm đầu khai thác, sản phẩm lõi của Khu du lịch Tam Chúc chủ yếu là sản phẩm du lịch tâm linh. Khu du lịch cách Hà Nội chừng 60 km nên rất thuận tiện cả đường bay và đường bộ để triển khai đón khách cả nước cũng như khách quốc tế từ các sân bay ở Hà Nội và Hải Phòng về Khu du lịch Tam Chúc.

Ông Trần Thanh Sáng, Giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch dịch vụ Chân Tâm quản lý Khu du lịch Tam Chúc phát biểu tại Tọa đàm.

Bên cạnh đó, Khu du lịch Tam Chúc nằm trong quần thể có chùa Hương, khu Tam Cốc – Bích Động, Tràng An, Bái Đính và các sản phẩm du lịch phụ trợ khác như Khê Cốc hay sân gôn Tràng An trong cùng hệ sinh thái của Tập đoàn Xuân Trường…

Đồng thời, đây cũng là điểm đến du lịch sau này sẽ kết nối được với khu du lịch chùa Hương với những con đường liên hoàn đến khu du lịch chùa hương chỉ 5 km.

“Chúng tôi hy vọng sự đa dạng, tiềm năng kết nối với các sản phẩm khác sẽ là chất liệu để các doanh nghiệp du lịch tạo nên các cung đường tour, sản phẩm du lịch tâm linh đầu năm cũng như các sản phẩm mang tính trải nghiệm của Hà Nam – Ninh Bình – Hà Nội”, ông Trần Thanh Sáng chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội.

Ngoài các sản phẩm lõi đã khai thác 6 năm qua, Khu du lịch Tam Chúc đã da dạng hóa tệp khách hàng cũng như giúp các công ty du lịch có chất liệu xây dựng nhiều tour, hành trình hấp dẫn du khách trong mùa thấp điểm với không chỉ sản phẩm du lịch tâm linh mà cả du lịch lễ hội, trải nghiệm.

Ví dụ, từ một lòng hồ rất nhỏ, Khu du lịch Tam Chúc nay đã có hồ nước ngọt hơn 600 ha. Du khách có thể ngồi thuyền thưởng thức trà chiều và thăm quan cảnh quan lòng hồ. Sản phẩm trà chiều là sản phẩm mới có thể kết hợp với sản phẩm thiền chuông tại sân điện Tam thế đầy mới lạ.

Các đại biểu trải nghiệm sản phẩm du lịch "Trà chiều" tại Khu du lịch Tam Chúc.

Từ năm 2023, đón đầu xu hướng du lịch chữa lành, trải nghiệm, thiền, Khu du lịch Tam Chúc đã xây dựng khu cắm trại ngoài tháp chuông, phù hợp cho giới trẻ.

Đặc biệt, trên các du thuyền, Khu du lịch Tam Chúc cũng có thể tổ chức các bữa tiệc cao cấp đáp ứng nhu cầu của khách inbound có thời gian khám phá Khu du lịch lâu và khả năng chi trả cao.

Khu du lịch Tam Chúc còn có khách sạn Khách Xá quy mô 160 phòng, tương đương 4 sao, có phòng Tổng thống. Phòng Hội nghị tại Khách Xá có sức chứa 400 chỗ, có phòng Tổng thống, đáp ứng được nhu cầu của các đoàn khách du lịch MICE.

Các đại biểu trải nghiệm thiền chuông tại Khu du lịch Tam Chúc.

Có thể nói, sản phẩm du lịch của Khu du lịch Tam Chúc rất đa dạng, mang tính chất tổng hợp các loại hình du lịch thể thao, tâm linh, văn hoá, tín ngưỡng… Gần đây, Khu du lịch tổ chức giải chạy Sacombank quy mô 3.000 – 5.000 người. Trước đây, Khu du lịch được tín nhiệm giao nhiệm vụ tổ chức nhiều sự kiện trọng đại mang tính Quốc tế như Đại lễ Vesak 2019; Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản,…

Khu du lịch Tam Chúc có các phòng hội nghị với sức chứa từ 100 - 2000 người, được trang bị hiện đại với màn LED, âm thanh, ánh sáng tiêu chuẩn và internet tốc độ cao, cùng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Vì thế, đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức các tour du lịch MICE.

Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ

Ở phần hỏi đáp, ông Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Asiana Travel cho rằng Khu du lịch Tam Chúc nằm trên cung đường du lịch Hà Nội – Hà Nam – Ninh Bình, Hà Nội – Hà Nam – Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội – Hà Nam Pù Luông (Thanh Hóa) – Mai Châu (Hòa Bình) nên là địa điểm tiềm năng để phát triển xây dựng một số sản phẩm phục vụ khách nước ngoài. Vậy thì Khu du lịch Tam Chúc có dự định như thế nào để hấp dẫn du khách quốc tế?

Ông Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Asiana Travel đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Thanh Sáng cho biết, ngay từ khi bắt đầu xây dựng, Khu du lịch Tam Chúc đã có quy hoạch xây dựng các dòng sản phẩm, hoạt động trải nghiệm khác nhau phù hợp nhiều đối tượng khách hàng khi đến khu du lịch rộng lớn như thế này. Và tất cả các hoạt động trải  nghiệm đó đều có chủ đích và đối tượng khách rõ nét.

“Tương lai 5 đến 10 năm tới, chúng tôi đang hướng đến những thị trường châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… là những thị trường khách quan tâm đến du lịch tâm linh. Những sản phẩm mới như thiền chuông, thiền trà cũng hướng đến thu hút khách Hàn Quốc. Đây là những sản phẩm sẽ đồng hành không thể tách rời sản phẩm du lịch tâm linh.

Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc đã xây dựng được cơ sở hạ tầng quy mô lớn 1.400 ha trên tổng thể 5.000 ha đã đưa vào sử dụng. Hệ thống nhà hàng sức chứa buffet có thể lên tới 3.000 người 1 ngày. Đây là thế mạnh không phải khu du lịch nào cũng đáp ứng được.

Cùng với quy mô ngày càng được mở rộng, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ cũng được đầu tư xứng tầm. Khu du lịch Tam Chúc cũng đang phân tích, chọn lọc khách hàng cho phù hợp với khả năng chi tiêu để xây dựng các sản phẩm cao cấp hơn nữa, phục vụ ngày càng nhiều dòng khách cao cấp đến với Khu du lịch Tam Chúc. Hy vọng lớn nhất của Khu du lịch Tam Chúc là xóa được giới hạn giữa mùa cao điểm và mùa thấp điểm.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc VietSense Travel đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc VietSense Travel về việc đơn vị lữ hành sẽ nhận được những chính sách ưu đãi nào để có thể hấp dẫn khách hàng về giá hoặc dịch vụ gia tăng. Bởi lẽ, Khu du lịch Tam Chúc gần các thị trường khách nguồn như Hà Nội, khách hoàn toàn có thể tự đi? Ông Trần Thanh Sáng thông tin, ngay sau Tọa đàm, Công ty Du lịch dịch vụ Chân Tâm sẽ có chính sách ưu đãi rõ ràng gửi bằng văn bản, bằng hợp đồng nguyên tắc và mức chiết khấu hấp dẫn cho từng sản phẩm tới các doanh nghiệp lữ hành.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, Khu du lịch Tam Chúc đang chuyển đổi số hệ thống booking và thanh toán onine. Đơn vị lữ hành chỉ cần nạp tiền vào ví của từng doanh nghiệp do Khu du lịch Tam Chúc cấp tài khoản để thao tác mua vé, thanh toán, giúp giảm nhiều khâu thủ tục hành chính trong tương lai gần. Đồng thời, vào mùa cao điểm, khách đoàn đi theo công ty lữ hành sẽ có đường riêng và được ưu tiên trải nghiệm thay vì phải xếp hàng chờ đợi theo thứ tự.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp tham gia đoàn famtrip cùng hành động, quảng bá nhiều hơn về du lịch Hà Nam cũng như đưa thêm nhiều khách hàng đến với Khu du lịch Tam Chúc nói riêng, Hà Nam nói chung.

Ngoài Tọa đàm “Kết nối toàn diện sản phẩm Tam Chúc 2024-2025”, trong chương trình Khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch và Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam 2024, Đoàn hơn 200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan báo chí đã khảo sát nhiều điểm đến, dịch vụ nổi bật ở tỉnh Hà Nam như: Chùa Cây Thị, Vương cung thành đường Sở Kiện, sân Golf Thiên Đường và tổ hợp khách sạn 5 sao do Tập đoàn BRG đầu tư tại huyện Kim Bảng; thưởng thức “Trà chiều du thuyền” trên lòng hồ Lục Nhạc; tham gia trải nghiệm chương trình Thiền Chuông, dâng hương tại điện Tam Thế, thăm quan, khảo sát sản phẩm khu Camping và nông trại Tam Chúc.

Sáng 18/10/2024, các đại biểu sẽ tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2024, do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư