Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
Khu kinh tế miền Trung: Định hướng quy hoạch và bài toán liên kết
Việt Hương - 26/08/2020 14:49
 
Cân bằng giữa công nghiệp và dịch vụ, du lịch đang là bài toán được quan tâm trong công tác quy hoạch và liên kết phát triển tại các khu kinh tế miền Trung.
Nghệ An đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hemaraj tại Khu kinh tế Đông Nam.
Nghệ An đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hemaraj tại Khu kinh tế Đông Nam.

Định hướng quy hoạch

Trả lời câu hỏi về vấn đề ưu tiên nhất hiện nay đối với tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, địa phương này cần tập trung hoàn thiện quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Nam Phú Yên, xem đây là vấn đề cơ bản nhất để tạo nền móng thu hút đầu tư, định hướng phát triển bền vững và ổn định cho toàn tỉnh trong nhiều năm tới.

Đó cũng là trăn trở của lãnh đạo nhiều địa phương khác tại miền Trung, nơi hội tụ tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp, nhưng phần lớn các địa phương có sự tương đồng về điều kiện phát triển. Vậy làm thế nào để phát huy thế mạnh cả vùng, của từng địa phương mà không có sự chồng chéo, cạnh tranh cục bộ trong mời gọi đầu tư?

Quy hoạch và liên kết quy hoạch là câu trả lời tốt nhất đối với miền Trung hiện nay. Liên kết quy hoạch sẽ tạo thế mạnh cho cả vùng trong thu hút chuỗi giá trị đầu tư, tương tác hỗ trợ lẫn nhau, từ đó phát huy thế mạnh đặc thù cho từng địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương có thể liên kết xúc tiến đầu tư, vừa tạo lợi thế cạnh tranh cho cả vùng, vừa tiết kiệm chi phí.

Việc điều chỉnh quy mô phát triển các khu kinh tế tại miền Trung hiện nay như Nhơn Hội (Bình Định), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai (Quảng Nam), Lăng Cô (Huế)… đã mở ra cơ hội phát triển mới không chỉ cho các thành phố, tỉnh lỵ, mà còn là chuỗi liên kết mô hình phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch hiện nay.

Theo Đề án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 514/QĐ-TTg ngày 8/5/2019, diện tích Khu kinh tế được điều chỉnh từ 12.000 ha lên 14.308 ha, trong đó, từ bán đảo Phương Mai (nằm trên địa bàn TP. Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát), đã tăng thêm 2.308 ha tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh).

Khu kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh chức năng thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản; cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận; một trong những trung tâm phát triển chính của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đầu mối thông thương, giao lưu quốc tế quan trọng của miền Trung và Tây Nguyên…

Theo điều chỉnh lần này, Khu kinh tế Nhơn Hội đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển đa dạng như Khu đô thị - du lịch Tân Thanh, Vĩnh Hội, Khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến, Khu công nghiệp đô thị Nhơn Hội, Khu đô thị - dịch vụ Becamex B… Thông qua quy hoạch tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định liên tiếp đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước dội về.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng cho hay, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Định đã thu hút 325 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 91.000 tỷ đồng, trong đó 33 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 500 triệu USD. Hằng năm, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Định tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động và nộp vào ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn tại Quảng Nam, lực đẩy mới cho Khu kinh tế mở Chu Lai là trở thành khu kinh tế biển đa ngành như kỳ vọng của Chính phủ sau khi khu kinh tế này điều chỉnh quy hoạch. Thực tiễn sau hơn 15 năm xây dựng - từ những người đi tiên phong biến vùng đất hoang mạc thừa nắng gió này là minh chứng của sự thành công từ quy hoạch. Đó là một tổ hợp cơ khí - ô tô Trường Hải Chu Lai cùng hàng trăm nhà máy phụ trợ khác ăn nên làm ra nơi miền đất này.

“Đến nay, sau hơn 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) có 32 công ty, nhà máy, một tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logistics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng. Khu công nghiệp THACO Chu Lai gồm: Khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, Khu cảng và hậu cần cảng, Khu đô thị, nhà ở công nhân và tái định cư”, đại diện THACO cho biết.

TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung từng đánh giá, để có một định hướng liên kết phát triển đúng đắn trong giai đoạn tới, việc đầu tiên là cần phải xác định, xây dựng phương án quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể đồng bộ cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tầm nhìn đến năm 2035, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của quốc gia. Đồng thời, cần hướng đến xây dựng, đề xuất Chính phủ một cơ chế đặc thù cho cả Vùng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng.

Liên kết để bứt phá

Kết cấu hạ tầng của các khu kinh tế miền Trung được quan tâm đầu tư căn bản với 9 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế; 14 nhóm cảng biển, trong đó có 8 nhóm cảng biển nước sâu loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Đặc biệt, miền Trung sở hữu 11 trong tổng số 17 khu kinh tế ven biển đã được thành lập của cả nước. Cùng với đó, miền Trung đóng vai trò là cầu nối quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên trong hội nhập, thông qua việc kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đã có 102 kiến nghị, cả về cơ chế, chính sách, công tác quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư, thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài được đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vào trung tuần tháng 7/2020 tại TP. Đà Nẵng. Sự kiện này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng cho 12 địa phương trong Vùng.

Câu chuyện “liên kết” cũng nhiều lần được đề cập đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhiều hội nghị, hội thảo diễn ra và nhiều chuyên gia kinh tế hiến kế để các địa phương trong Vùng tìm ra lời giải cho bài toán liên kết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đáp án chưa được như kỳ vọng. Vậy đâu là nút thắt?

Trên thực tế, mô hình liên kết đã được thiết lập giữa các địa phương gần kề và chủ yếu trong lĩnh vực du lịch. Chẳng hạn, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam bắt tay nhau hình thành Chương trình “Ba địa phương, một điểm đến” hay sáng kiến “Con đường di sản miền Trung” đã đi vào thực tế và mang lại nhiều kết quả tích cực. Hoặc Phú Yên liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây Nguyên; Khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) liên kết với Khu kinh tế Nam Phú Yên… hình thành tứ giác nhiều tiềm năng và lợi thế.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, phát triển du lịch không thể không liên kết, nếu địa phương không liên kết, thì doanh nghiệp cũng chủ động liên kết. Du lịch sẽ mang lại giá trị tối ưu nếu hình thành chuỗi và chuỗi sản phẩm là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của du khách.

Có nhiều ý kiến từ các chuyên gia trong việc chia sẻ cơ hội thu hút đầu tư từ liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, như Quảng Nam hiện có công nghiệp ô tô, thì địa phương khác thu hút công nghiệp phụ trợ; Quảng Ngãi có công nghiệp lọc dầu, luyện cán thép, thì địa phương khác thu hút lĩnh vực khâu sau chuyên sâu… Tuy nhiên, những mong muốn và đề xuất này đến nay vẫn bỏ ngỏ.

Chiếm 1/3 chiều dài bờ biển của cả nước, những lợi thế để phát triển kinh tế biển miền Trung là điều có thể nhìn thấy rõ. Ngoài du lịch, nơi đây còn có tiềm năng để phát triển công nghiệp dầu khí, vận tải biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản... Mỗi địa phương đều cố gắng đẩy mạnh và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và một số tỉnh đã có được thành công nhất định.

Một số khu kinh tế tại miền Trung

Khu kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2040 với quy mô từ 12.000 ha lên 14.308 ha, đã thu hút 325 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 91.000 tỷ đồng, trong đó có 33 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 500 triệu USD.

Khu kinh tế mở Chu Lai được điều chỉnh quy hoạch đến năm 2035, tầm nhìn 2050 thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, với tổng diện tích 27.040 ha. Quy mô dân số đến năm 2035 là 550.000 người. Đã thu hút 173 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 120.600 tỷ đồng.

Khu kinh tế Nam Phú Yên được Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đến năm 2040, trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng là ngành công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển. Đến nay, Khu kinh tế Phú Yên sở hữu 111 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.396,47 tỷ đồng và 34,178 tỷ USD.

Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được quy hoạch tổng thể đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 với diện tích quy hoạch 9.490 ha. Trong đó, vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.350 ha. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch golf, thể thao, vui chơi - giải trí công nghệ cao và phát triển các sản phẩm du lịch phụ trợ. Tính đến hết quý I/2020, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có trên 46 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 79.017 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư