Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khu vực tư nhân Việt Nam không lớn như kỳ vọng
Hà Nguyễn - 19/10/2020 07:45
 
Không chỉ không đạt mục tiêu 1 triệu DN đang hoạt động vào năm 2020, mà mục tiêu đóng góp vào GDP, vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân Việt Nam cũng không đạt.

Dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cho thấy, không chỉ không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020, mà các mục tiêu về đóng góp vào GDP, vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân Việt Nam cũng không đạt.

Chỉ đóng góp được 43% GDP

Cụ thể, theo Dự thảo Báo cáo, mục tiêu đến năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đóng góp 48-49% GDP. Tuy nhiên, dù chiếm đa số về số lượng, nhưng đóng góp của khu vực này cho GDP chỉ đạt 43%.

“Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển sự đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế, đặt ra bài toán lớn cho các chiến lược và chính sách giai đoạn tới”, Dự thảo Báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng cho biết.

Tuy nhiên, một điểm sáng cần ghi nhận trong giai đoạn 2016-2020 là tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước không phải cao nhất, nhưng chỉ thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Xu hướng tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này có nhiều hướng đi lên, và trong 2 năm 2018-2019, tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước, lần lượt là 7,3% và 8,9%.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng đi xuống rõ rệt.

“Nếu duy trì được xu hướng tăng và có mức tăng đột phá thì mục tiêu đóng góp 48-49% GDP của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có thể sớm đạt được trong thời gian tới”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Mục tiêu đóng góp vào vốn đầu tư toàn xã hội cũng không đạt

Theo Nghị quyết 36/NQ-CP, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, khu vực tư nhân Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 49% vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với mục tiêu đề ra thì đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội còn thiếu 3 điểm %, tức là mới đạt được khoảng 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Mặc dù vậy, trên thực tế, nếu nhìn từ con số 39% vào năm 2015, thì việc đạt được con số 46% cũng là đáng ghi nhận.

Trong những năm qua, đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng liên tục theo thời gian, đạt 43,2% vào năm 2018 và 46% vào năm 2019.

“Đây là tín hiệu tốt cho thấy nguồn lực trong dân đang được huy động và ngày càng tăng cho đầu tư toàn xã hội”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.

Ngoài các mục tiêu này, theo Dự thảo Báo cáo, so với mục tiêu thì chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã đóng góp vào GDP đạt và vượt 9-14 điểm phần trăm, tốc độ tăng năng suất lao động cũng vượt mục tiêu đề ra.

Mục tiêu này được đặt ra cụ thể trong Nghị quyết 35/NQ-CP là TFP đóng góp vào tăng trưởng GDP khoảng 30-35%, còn năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm.

Một mục tiêu khác, đến năm 2020, hàng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Mục tiêu này được cho là đạt được, bởi số liệu thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2014-2016 là 32,08%.

Như vậy, nếu tính cả việc không đạt mục tiêu về 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, thì có 3 chỉ tiêu của Nghị quyết 35/NQ-CP không đạt và 3 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Gọi vốn tư nhân vào năng lượng
Gọi vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để triển khai các dự án nguồn điện lẫn truyền tải vẫn là bài toán khó giải.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư