Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
"Khủng hoảng" chuyển đổi số do khát nhân tài: Bài học từ nước Mỹ
Như Loan - 17/09/2021 15:26
 
“Cơn sốt” nhân tài đang là vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối diện trong quá trình chuyển đổi số.

Mỹ - top 10 quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số đã áp dụng những “liều thuốc hạ sốt” là các giải pháp nhân sự ngắn và dài hạn, trong đó nổi bật là dịch vụ thuê ngoài nhân sự.

“Khát” người tài khi phải chuyển đổi số: Chuyện không của riêng ai

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, “chuyển đổi số” là từ khóa cần có trong chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 bùng nổ đã trở thành chất xúc tác buộc doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số khi bị đặt vào tình thế phải làm việc, kết nối, quản lý đội ngũ từ xa. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi phương thức vận hành thông qua áp dụng công nghệ vào tất cả bộ phận; làm quen với hệ thống lưu trữ dữ liệu trực tuyến; làm chủ các ứng dụng quản lý và đánh giá công việc... 

Tuy nhiên, vẫn còn một nan đề sót lại, đó là áp lực nhân sự cho bộ phận IT, khi các nhân viên, kỹ sư tin học thiết kế phần mềm, hệ thống… là nhân tố trọng điểm để bộ máy doanh nghiệp vận hành trơn tru trong quá trình chuyển đổi số. Nhu cầu tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực này vốn đã cao, nay leo thang thành cơn khát trong hệ thống nhân sự. 

Doanh nghiệp Mỹ đang “khát” nhân tài trong lĩnh vực công nghệ khi vận hành chuyển đổi số

Tại Mỹ, nghiên cứu của Công ty nghiên cứu & tư vấn Gartner cho thấy, 40% doanh nghiệp đang chậm tiến độ chuyển đổi số do thiếu nhân sự nội bộ có chuyên môn trong lĩnh vực IT. Business Insider đã nhận xét cơn sốt nhân tài này có thể trở thành “gót chân asin” của các ông lớn trong công nghệ đám mây như Amazon, Microsoft, Google. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, từ năm 2020, các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng “khát” nhân lực và tuyển không ra người, nhất là các vị trí thuộc ngành công nghệ thông tin. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhóm nhân sự này dao động trong khoảng 400.000, nhưng hằng năm chỉ có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng. 

Bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng cấp cao và Nhân sự thuê ngoài của Talentnet nhận định: “Chuyển đổi số là một thách thức đặt ra cho đội ngũ nhân sự và doanh nghiệp. Với nhân viên, để không bị cuốn trôi trên dòng chảy chuyển đổi số, cần phải tự trang bị “mái chèo” là các kỹ năng và kiến thức hợp thời. Với doanh nghiệp, đó là bài toán chi phí và tốc độ để xây dựng đội ngũ IT vững chuyên môn. Bên cạnh đó, đối với nguồn nhân lực nội tại, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sức khoẻ tinh thần và thể chất của nhân viên trước guồng công việc thay đổi mỗi ngày theo dòng chảy công nghệ và sự biến động của thời đại”.

Học ông lớn cách để “sống chung với lũ” 

Tháng 7 vừa qua, trong podcast HRO Today mới nhất của Công ty tư vấn tổ chức toàn cầu Korn Ferry, một số giải pháp cho vấn đề thiếu nguồn lực của doanh nghiệp Mỹ đã được đưa ra, nổi bật là:

Nuôi dưỡng ứng viên tiềm năng: Thay vì “đỏ mắt” tìm một ứng cử viên đáp ứng mọi tiêu chí, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhóm ứng cử viên tiềm năng có sẵn nền tảng và sẵn sàng áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực chuyên môn. Với giải pháp này, đòi hỏi doanh nghiệp cần một khoản chi phí đầu tư vào đào tạo dài hạn.  

Tối ưu hoá nguồn nhân lực cơ hữu: Nhiều người đứng đầu doanh nghiệp tại Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của việc tái đào tạo đội ngũ nhân sự sẵn có trong nội bộ. Những người đã gắn bó với doanh nghiệp và có tiềm năng phát triển sẽ là những “quân mã mạnh mẽ” trên bàn cờ phát triển. Nước đi này được xem như giải pháp “ăn chắc mặc bền” trong tình trạng cơn khát nhân tài vẫn còn kéo dài. 

“Lấp lỗ châu mai” nhờ thuê ngoài nhân sự: Một giải pháp ngắn hạn giúp doanh nghiệp Mỹ giải quyết được tình trạng thiếu người của quá trình chuyển đổi số là thuê ngoài nhân sự. Top 5 công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất nước Mỹ - Health Care Service Corporation - đã thuê đơn vị thứ ba cung cấp đội ngũ nhân sự giúp quản lý, lưu trữ dữ liệu, quản trị hệ thống và xây dựng “hàng rào bảo vệ” IT. Trong khi đó, DVI Group – công ty chuyên sản xuất video đã chọn thuê ngoài nhân sự để chia sẻ gánh nặng quản lý và xây dựng, đảm bảo các quyền lợi, chính sách phù hợp cho đội ngũ nhân viên. Từ sau khi sử dụng dịch vụ thuê ngoài nhân sự, dù ngay trong giai đoạn COVID-19 đầy thử thách, ban lãnh đạo của DIV vẫn nhận được nhiều phản hồi tích cực của nhân viên về quy trình vận hành, đào tạo cũng như các hoạt động kết nối. 

Có thể nói, thuê ngoài nhân sự như một “viện binh” giàu chuyên môn trong các lĩnh vực then chốt, giúp hệ thống doanh nghiệp vận hành trơn tru, giảm tải các đầu việc cho đội ngũ lao động hiện tại, từ đó cũng giúp gia tăng sự hài lòng và mức độ hạnh phúc của đội ngũ nhân viên. Đồng thời, dịch vụ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian so với đào tạo đội ngũ hoặc tuyển dụng mới.

Thuê ngoài chuyên viên IT giúp doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số

“Trong bối cảnh cuộc đua chuyển đổi số đang đến hồi cao trào, có nhiều khả năng, doanh nghiệp không kịp tái đào tạo hay tuyển dụng nhân sự phù hợp. Để tránh tình trạng lỗi nhịp, các công ty có thể cân nhắc sử dụng thuê ngoài nhân sự như một phương án tức thời để gỡ các nút thắt trong vận hành, có thời gian nâng cấp chất lượng của nhân sự hiện tại, giảm thiểu các rủi ro về nguồn lực”, bà Trân gợi ý.

Các phương án doanh nghiệp Mỹ đã áp dụng thành công có thể là những bài học giá trị cho công ty Việt. Về dài hạn, điều chỉnh tiêu chuẩn lựa chọn ứng viên trong tuyển dụng và tối ưu hoá nguồn nhân lực cơ hữu là hai giải pháp để doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ nội bộ có chuyên môn công nghệ. Trong khi đó để đáp ứng nhu cầu trước mắt, thuê ngoài nhân sự có thể là liều thuốc hạ sốt tức thời để doanh nghiệp không bị bỏ lại trên đường đua chuyển đổi số.

Nâng tầm vị thế bằng chuyển đổi số
Hải Dương xác định, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư