Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Khuyến cáo thói quen ăn uống tránh biến chứng cho bệnh nhân tiểu đường
D.Ngân - 10/02/2024 10:34
 
Ăn nhiều đồ nếp, uống rượu, bỏ quên thuốc điều trị… là những vấn đề sẽ gây ra tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và biến chứng với người bệnh đái tháo đường dịp Tết Nguyên đán.

Những bữa tiệc ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, thịt mỡ, thịt đông, dưa hành, xôi nếp và còn rất nhiều loại ăn vặt bánh kẹo. Những món khoái khẩu ngày Tết luôn hấp dẫn nhưng lại là kẻ thù với người bệnh đái tháo đường.

Kỹ thuật tiêm insulin.

TS.Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tết là thời điểm có nhiều nguy cơ với người bệnh mắc đái tháo đường. Khoảng mùng 2 Tết trở đi, Khoa sẽ tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện với 4 tình trạng chủ yếu.

Một là, bệnh nhân bị hôn mê do tăng đường huyết, tăng lực thẩm thấu do bỏ quên không uống thuốc đúng giờ. Hai là, bệnh nhân bị hạ đường huyết do thay đổi chế độ ăn và uống rượu.

Thứ ba, bệnh nhân viêm tụy cấp do uống nhiều rượu và chế độ ăn nhiều thịt. Cuối cùng, bệnh nhân bị nhiễm trùng do nhiễm lạnh, chủ yếu là viêm phổi hoặc bị chấn thương nhiễm trùng bàn chân nặng lên dịp tết do không được chăm sóc kịp thời.

Tết là thời điểm nhiều tiệc tùng, thay đổi chế độ ăn, quên uống thuốc, thời tiết diễn biến thất thường, người bệnh có thể đi chơi xa… nên khả năng tiếp cận y tế hạn chế người bệnh có nguy cơ biến chứng dịp tết.

“Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường nhập viện cấp cứu vì những lý do hoàn toàn tránh được”, bác sĩ Bảy cho hay.

Chuyên gia này cho biết, Tết là thời điểm mọi người bị đảo lộn sinh hoạt và thói quen ăn uống. Bệnh nhân thức khuya, dậy sớm hoặc ngủ suốt ngày; có người đi chơi xa, vận động thể lực nhiều; có người uống thuốc không đầy đủ…

Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng như ăn đồ nếp, ăn đồ lạ khiến làm tăng lượng đường; uống nhiều rượu có thể gây ra hạ huyết áp.

Theo chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, việc điều trị đái tháo đường có 3 trụ cột là lối sống, chế độ ăn và dùng thuốc. Với chế độ luyện tập, mọi người cần duy trì hoạt động thể lực như thông thường.

Đồng thời, cần phải kiểm soát tình trạng bệnh bằng việc theo dõi huyết áp thường xuyên, chuẩn bị đầy đủ thuốc, thiết bị đo tiểu đường, giữ liên hệ với bác sĩ điều trị để liên hệ ngay khi có tình huống phát sinh.

Về chế độ ăn, người bệnh cần cố gắng duy trì ăn uống bình thường. Về điều trị, cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được bỏ thuốc. Bệnh nhân phải theo dõi đường huyết thường xuyên, đo ít nhất 1 lần/ngày vào sáng. Nếu thấy mệt, ăn món lạ, mất ngủ hay có vấn đề về sức khỏe thì cần đo thêm một lần trước bữa tối.

Món bánh chưng có mặt trong các mâm cơm ngày Tết cũng là thủ phạm gây ra biến chứng với người bệnh tiểu đường. Được chế biến từ gạo nếp có chỉ số đường huyết cao, bánh chưng còn được luộc kỹ nên khi ăn người bệnh hấp thu rất nhanh, làm tăng nguy cơ tăng đường huyết, gây ra biến chứng.

Do đó, người bệnh tiểu đường khi đã ăn bánh chưng phải giảm món tinh bột khác. Do bánh chưng hấp thu nhanh nên trước khi ăn món này, mọi người nên ăn món gì đó lót dạ như rau sống, canh, măng ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng lên. 1/8 bánh chưng tương ứng 1 bát cơm nên nếu đã ăn cơm thì người bệnh thôi bánh chưng.

“Bánh chưng tương đối gây no lâu và có ảnh hưởng nên bệnh nhân không nên ăn 1 ngày 3 bữa mà nên bánh chưng cách 8 tiếng. Nếu bệnh nhân ăn bánh chưng nên theo dõi, đo đường huyết để có điều chỉnh tiếp theo phù hợp và an toàn”, bác sĩ Bảy cho hay.

Nếu người bệnh tự chuẩn bị đồ ăn, hãy cắt giảm lượng tinh bột, đồ chiên xào trong công thức nấu ăn. Hãy xếp đồ ăn ra 1 chiếc đĩa nhỏ hơn, trong đó 1/4 đĩa là protein nạc, 1/4 đĩa là carbonhydrat (mỳ, miến, cơm, khoai tây, ngô, xôi, bánh chưng…), 1/2 đĩa là rau xanh, mỗi phần ăn không hơn 1 nắm tay của người bệnh.

Nếu đi du lịch, người bệnh nên mang theo đồ ăn nhẹ dành cho người đái tháo đường, đảm bảo đủ thuốc trong quá trình lưu trú.

Người bệnh không nên vì mải đi chơi, thăm thú ngày Tết mà quên bữa ăn, không nên nhịn ăn để dồn ăn vào bữa khác, bạn có thể sẽ ăn quá nhiều vào 1 bữa hoặc gây tụt huyết áp khi nhịn ăn, khiến đường huyết không ổn định.

Bữa ăn ngày Tết thường có chút rượu vang hoặc bia, nước uống có ga, nước ngọt, tuy nhiên các loại đồ uống chứa nhiều carbonhydrat sẽ gây tăng đường huyết, rượu ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp đường ở gan gây hạ đường huyết.

Triệu chứng say xỉn và hạ đường huyết khá giống nhau, do đó, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống nêu trên, nếu có sử dụng thì nên đo đường huyết mao mạch trong và sau uống rượu. Gia đình và bạn bè người bệnh đái tháo đường cũng nên nắm được triệu chứng của hạ đường huyết để sớm phát hiện và có cách xử lý kịp thời.

Những ngày lễ Tết rất dễ làm gián đoạn giấc ngủ, người bệnh phải bảo đảm ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, vì chỉ cần 1 đêm mất ngủ cũng làm tăng tình trạng kháng Insulin.

Dù vui chơi cũng không nên bỏ qua thói quen tập thể dục, người bệnh nên tập ít nhất 30 phút/ngày, 5 lần/tuần. Tập thể dục sẽ giảm tình trạng kháng Insulin, cải thiện đường huyết, giảm nguy cơ tim mạch và giúp giảm cân.

Mặc dù có nhiều lo toan cho dịp Tết nhưng bạn nên tìm niềm vui, tránh căng thẳng vì khi căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra Cortisol, Adrelanin, là những hormone gây tăng đường huyết.

Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người bệnh đái tháo đường cách tiêm insulin đúng cách như luôn nhớ phải ăn sau khi tiêm từ 10 - 30 phút, tùy loại insulin. Không tiêm khi chưa có/chưa thấy đồ ăn. Tuyệt đối tránh tiêm xong rồi mới đi tìm/chế biến đồ ăn vì sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết

Ngay cả khi bị ốm, sốt, mệt nhiều hay ăn kém, buồn nôn cũng không được bỏ mũi tiêm insulin. Lưu ý là khi bị ốm sốt thì đường huyết sẽ tăng cao dù ăn ít hay không ăn

Không tự động bỏ hay bớt mũi tiêm insulin. Nếu không thể tiêm được trước ăn thì có thể tiêm bù vào ngay sau bữa ăn.

Các loại insulin đều có thời gian tác dụng nhất định, nên khi 1 mũi tiêm hết tác dụng thì sẽ cần đưa thêm vào 1 mũi insulin mới. Vì vậy dù ngày Tết thì bệnh nhân đái tháo đường vẫn cần tiêm đúng giờ như ngày thường, tất nhiên có thể sớm hoặc chậm hơn 30-60 phút.

Không được tăng liều thuốc uống để bù cho mũi tiêm insulin vì các thuốc uống đều có liều tối đa. Uống liều quá cao chưa chắc đã giảm được đường huyết mà lại gây tổn thương gan thận

Khi đi chơi xa cần tính toán để mang đủ số lọ/bút insulin kèm bơm/kim tiêm thừa ít nhất 2-3 ngày để phòng khi ở thêm hoặc trục trặc tàu xe thì vẫn có đủ thuốc. Tốt nhất là mang thêm 1 lọ hoặc 1 bút insulin mỗi loại

Tiêm đúng vị trí ở bụng (tiêm xa rốn, không phải quanh rốn) hoặc đùi (mặt trước ngoài). Các mũi tiêm nên cách nhau 3 cm, không được tiêm nhiều mũi chỉ ở 1 vùng hay 1 vị trí

Dù trời lạnh vẫn phải bộc lộ rộng vùng tiêm để xác định chính xác vị trí tiêm và sát trùng  đầy đủ. Thay bơm tiêm hoặc kim tiêm thường xuyên hoặc thay hàng ngày. Khi tiêm bút, nên bỏ kim sau mũi tiêm cuối ngày, không nên để kim tiêm gắn trên bút qua đêm

Không được vứt kim tiêm bừa bãi, phải có lọ đựng kim đã dùng để gửi đến chỗ hủy dụng cụ y tế. Duy trì đúng liều insulin bác sỹ kê nếu đường huyết đạt mục tiêu (đói từ 4,4- 7,2 mmol/L và sau ăn < 11 mmol/L)

Cân nhắc tăng liều mũi insulin từ 1-2 đơn vị khi đường huyết (đo trước khi tiêm) cao hơn mục tiêu, ăn đồ ngọt, ăn nhiều bánh chưng hay cơm, thịt...

Cân nhắc giảm liều mũi insulin từ 2-4 đơn vị khi đường huyết (đo trước khi tiêm) thấp hơn mục tiêu, ăn ít hơn ngày thường, uống rượu nhiều, vận động nhiều hay leo núi...

Không cần bảo quản lạnh các lọ/bút insulin đang sử dụng. Lưu ý là lọ/bút insulin chưa sử dụng thì phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (từ 2-8 độ), nhưng lọ/bút đang dùng thì sau có thể để ở nhiệt độ dưới 30 độ C là được, do đó không nên cất lại vào tủ lạnh và cũng không cần để insulin trong phích đá hay túi có đá khô khi đi chơi xa/ dài ngày.

Khi đi chơi, tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào lọ/bút insulin. Bệnh nhân tiêm insulin cần có máy đo đường huyết cá nhân, và đo thường xuyên trong nưhnxg ngày Tết. Tốt nhất là có máy đo đường huyết liên tục (Continuos Glucose Monitoring - CGM)

Khi đi chơi xa, phải luôn có đồ ăn, kẹo... để ăn ngay khi đường huyết thấp hoặc đói nhiều. Những người đang phải tiêm nhiều mũi insulin hàng ngày thì không nên lái xe. Phải có ít nhất 1 người thân hoặc người đi cùng biết bệnh nhân đang tiêm insulin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư