Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Khuyến khích các cơ quan báo chí đa phương tiện
Hữu Tuấn - 06/11/2015 07:25
 
Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Quốc hội để lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về những điểm mới trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này.

Thưa ông, những điểm mới của Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đang trình Quốc hội kỳ này là gì?

Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của luật hiện hành.

Trong đó, đáng chú ý là các quy định mới về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, giấy phép, liên kết trong hoạt động báo chí, về cải chính, phản hồi thông tin, xử lý vi phạm…

Nguồn: Internet
Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nguồn: Internet

Trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này, các cơ quan, tổ chức nào được phép thành lập cơ quan báo chí?

Theo Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, ngoài các đối tượng như Luật hiện hành, thì các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học như viện hàn lâm, viện nghiên cứu theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên đều được ra tạp chí khoa học, không phân biệt cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, bệnh viện thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài hay công lập.

Trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có quy định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được thành lập báo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, các giới, ngành, lứa tuổi đều có cơ quan ngôn luận của mình. Ví dụ báo in, chúng ta thấy từ người già đến thanh niên, nhi đồng đều có báo (Báo Người Cao tuổi, Thanh Niên, Tiền Phong, Nhi đồng…), lực lượng vũ trang có báo Quân đội, Công an…

Đối với các tập đoàn, tổng công ty chỉ được ra tạp chí chuyên ngành để phục vụ nhiệm vụ của mình. Nếu ra báo phản ánh mọi vấn đề xã hội sẽ không phản ánh đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của tập đoàn kinh tế.

Quy định về quản lý nhà nước về báo chí có những thay đổi như thế nào để phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí trong tình hình mới, thưa ông?

Về cơ bản, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí không có thay đổi nhiều. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí trong tình hình mới đòi hỏi cơ quan nhà nước phải có sự đổi mới trong phương thức quản lý. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể thẩm quyền quản lý ở Trung ương, địa phương, liên quan các cơ quan chủ quản; quy định cơ chế chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, bãi bỏ 11 thủ tục liên quan đến cấp phép, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí. Ví dụ, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi bỏ hẳn quy định về giấy chứng nhận đăng ký chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình liên kết, giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt …

Luật vẫn giữ quy định cấp giấy phép hoạt động báo chí, bởi đây là quy định cần thiết để quản lý hoạt động báo chí, trong đó, giấy phép cần quy định cụ thể về tôn chỉ, mục đích, nhất thiết báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nếu không sẽ xem xét đình bản, thu hồi giấy phép.

Có ý kiến băn khoăn rằng, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có mâu thuẫn với “Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Ông nghĩ sao về điều này?

Cũng có người nghi ngờ cho rằng, Đề án Quy hoạch báo chí với Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có mâu thuẫn với nhau. Tôi khẳng định rằng, Luật Báo chí sửa đổi sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động báo chí hiện nay.

Trong Đề án Quy hoạch báo chí có nêu rõ việc xây dựng các cơ quan báo chí đa phương tiện. Đây là một nội dung rất mới và Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung lần này cũng hướng mạnh đến điều này, rồi mỗi cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm, nhiều loại hình. Thứ hai, việc tạo điều kiện cho báo chí phát triển thì cả Luật và Đề án Quy hoạch đều hướng tới. Thứ ba, hiện nay, chúng tôi đã phổ biến, làm việc về Đề án Quy hoạch báo chí với nhiều đơn vị, nhiều địa phương, trong đó có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, đơn vị, một số ngành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang... Chúng tôi cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tạo ra những cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí ở những ngành, địa phương này.

Luật Báo chí sửa đổi được ban hành trong thời gian tới sẽ là căn cứ pháp lý để triển khai các nội dung đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua, được nêu trong Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Công bố nội dung cơ bản Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
Sáng nay, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (đề án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư