Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kích hoạt điểm tăng trưởng
Khánh An - 10/08/2017 10:10
 
Nền kinh tế Việt Nam đang trong thời điểm quan trọng. Các điểm nghẽn tăng trưởng đã được vạch rõ và có kế hoạch tháo chốt. Cơ hội của cả nền kinh tế và giới đầu tư – kinh doanh đang được kích hoạt.
Hiệu quả sử dụng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước
Hiệu quả sử dụng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước

1.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) sẽ có mặt trong Diễn đàn M&A 2017 ngày 10/8/2017 tại TP.HCM trong vai trò 1 diễn giả. Đây không phải là năm đầu tiên ông Hiếu tham dự Diễn đàn này.

Nhưng lần này, ông Hiếu có thêm những người bạn đến từ Nhật Bản - những chuyên gia, doanh nhân rất hiểu Việt Nam. “Khi tôi nói với họ về Diễn đàn này, họ muốn có mặt. Họ quan tâm đến thị trường M&A Việt Nam, nhất là khi cơ hội tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khả thi hơn bao giờ hết”, ông Hiếu chia sẻ.

Đây là điều mà giới hoạch định chính sách như ông Hiếu thực sự mong muốn. Nhất là sau thời gian khá dài không đạt được mục tiêu cơ cấu lại nguồn lực đầu tư nhà nước, đặc biệt cải thiện hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thông qua các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp đang hoạt động trong những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Sau các đợt bán cổ phần, vốn nhà nước vẫn còn tới 81% trong các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015, cho dù kế hoạch về số lượng đạt tới 93%.

Vào thời điểm này, Chính phủ đã quyết tâm không thể chậm trễ hơn công việc này. Danh mục hàng hóa - các doanh nghiệp cổ phần hóa, các doanh nghiệp sẽ thoái vốn nhà nước - không chỉ được công bố, mà còn xác định rõ lộ trình đi kèm trách nhiệm thực thi. Tháng 7, danh sách doanh nghiệp nằm trong trách nhiệm thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã được công bố chi tiết tới từng tỷ lệ phần trăm vốn sẽ thoái, chỉ còn đợi SCIC lên lịch cụ thể. Trong tháng 8, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2017-2020 sẽ được hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Điều này thuyết phục giới đầu tư trong nước và nước ngoài, họ đang muốn chọn địa chỉ cụ thể để tìm kiếm lợi nhuận cho dòng tiền của mình”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn M&A năm 2017 cũng vì mục tiêu này.

2.

Không chỉ giới đầu tư đang tìm kiếm cơ hội, nền kinh tế đang cần kích hoạt điểm tăng trưởng đã không được tận dụng hết trong nhiều năm.

Theo thống kê, tài sản của khu vực kinh tế nhà nước rất lớn, ước tính lên tới khoảng 304 tỷ USD, trong đó 213 tỷ USD nằm trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiệu quả sử dụng thấp và đang giảm sút nhanh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã trao đổi thực trạng trên trong phiên họp đầu tiên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ vào tuần trước.

“Cổ phần hóa, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước phải là một trong những giải pháp ưu tiên vào thời điểm này, để nền kinh tế tìm lại đà tăng trưởng cho năm 2018 và các năm tiếp theo”, ông Cung lý giải.

Các nghiên cứu cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện chỉ khoảng 6%/năm, cho dù có tăng thêm vốn đầu tư, tín dụng, tăng tiêu dùng.... thì tăng trưởng GDP cũng chỉ trong khoảng 6,3-6,5%. Giải pháp cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng là phải dịch chuyển tiềm năng tăng trưởng lên phía trên, ở mức cao hơn.

Vấn đề là các công cụ kinh tế vĩ mô thường sử dụng như tài khóa, tiền tệ đã tới hạn và không thể dịch chuyển được GDP tiềm năng. Trong khi lý do tăng trưởng GDP tiềm năng có xu hướng giảm và chưa được cải thiện là do hiệu quả đầu tư thấp, nhất là đầu tư của Nhà nước; tỷ lệ giá trị tăng thêm trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp giảm; thực trạng doanh nghiệp tư nhân yếu do chi phí kinh doanh cao, nhiều rào cản thị trường...

“Trong trung hạn, cùng với kỷ luật tài khóa, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã phê duyệt, thoái vốn Nhà nước ra khỏi các công ty đã niêm yết là giải pháp  thực hiện được ngay, cơ sở pháp lý đầy đủ”, ông Cung phân tích.

Tổng hợp sơ bộ, đang có hơn 400 doanh nghiệp niêm yết có sở hữu vốn nhà nước, trong số này có 218 công ty có vốn nhà nước trên 50%. Nếu bán hết số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, giữ sở hữu ở mức sàn để chi phối các công ty còn lại, thì dự kiến có thể thu về được khoảng 13 tỷ USD theo mức giá thị trường hiện tại.

“Số tiền thu được trên nằm ngoài kế hoạch đầu tư công, có thể bổ sung ngay vào các dự án hạ tầng cấp bách, nâng tính kết nối khu vực TP.HCM”, ông Cung tính toán. Con số này chưa tính tới 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa niêm yết, sẽ phải hoàn tất thủ tục để niêm yết trong 2 năm tới.

Đáng nói, đây cũng chỉ là một phần trong kế hoạch cơ cấu lại nguồn lực nhà nước.

3.

Sự hứng thú của giới đầu tư với hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không chỉ bởi nguồn hàng được minh bạch.

“Nhà đầu tư không nhìn vào riêng lẻ 1 doanh nghiệp cho kế hoạch M&A hay mua cổ phần, mà nhìn vào cơ hội của ngành trong nền kinh tế. Ví dụ, nếu nhà đầu tư không nhìn thấy nhà nước thoái vốn khỏi các ngành thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng... như kế hoạch đã công bố, hay nếu bán xong, việc niêm yết không đúng kế hoạch, thì mối quan tâm của họ tới cả ngành sẽ giảm sút chứ không chỉ ở một vài doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Stoxplus đã từng phân tích khi lý giải về tâm lý ngần ngừ của giới đầu tư khi nhìn vào các cơ hội từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước của các doanh nghiệp.

Điểm nghẽn rõ ràng không chỉ là nội bộ của hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp. “Ở đây là tư duy phát triển của nền kinh tế. Khi không kiên quyết siết kỷ luật với doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân không có dư địa phát triển”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Hiện tại, tư duy phát triển đã rất rõ. Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã xác định rõ “tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém”.

Cùng với đó, nguyên tắc tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tham gia thuận lợi vào tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế cũng được xác định tại Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ đã lên kế hoạch thực hiện rất cụ thể bằng danh sách các văn bản sẽ chỉnh sửa, bổ sung để ban hành ngay trong năm nay.

Điểm tăng trưởng cho giới đầu tư, các doanh nghiệp và nền kinh tế đang được kích hoạt, bắt đầu từ cơ cấu lại nguồn lực nhà nước trong khu vực kinh tế nhà nước...

Dự báo 10 thương vụ thoái vốn, cổ phần hoá “bom tấn” năm 2017-2018:

1. Vinamilk: Chính phủ phê duyệt phương án bán hơn 48,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, giảm sở hữu Nhà nước xuống còn 36% vốn. Số tiền thu về dự tính đạt khoảng 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2017.

2. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco): Nhà nước đang nắm giữ 89,59%. Phương án thoái vốn đang được xây dựng và dự kiến trình Bộ Công thương trong quý III/2017.

3. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco): Nhà nước đang nắm giữ 81,79% vốn điều lệ. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bán thêm 5,77% cho nhà đầu tư chiến lược Carlsberg ( đang sở hữu 15,77%). Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 100% vốn tại đây, tương đương 9.000 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đang hoàn thiện Tờ trình phương án thoái vốn để trình Bộ Công Thương.

4. Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power): Dự kiến, IPO diễn ra vào quý III/2017. Theo Quyết định về việc xác định giá trị PV Power để cổ phần hóa, tại thời điểm 31/12/2015, giá trị thực tế của doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là 60.623 tỷ đồng (khoảng 2,67 tỷ USD). Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại PV Power là 33.556 tỷ đồng.

5. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2): Dự kiến, IPO sẽ thực hiện trong quý III/2017. Theo phương án cổ phần hóa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2016, giá trị doanh nghiệp của Vinafood 2 được xác định là 4.980 tỷ đồng.

6. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil): Giá trị doanh nghiệp PV Oil được Bộ Công thương phê duyệt là 10.342 tỷ đồng. PV Oil đang trình phê duyệt kế hoạch bán đến 64,9% vốn nhà nước trong đợt đầu, trong đó bán cho cổ đông chiến lược từ 44-49%, bán thông qua đấu giá công khai 15-20% và bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 1%. Thời điểm IPO dự kiến vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2017.

7. Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO): Số cổ phần phát hành lần đầu là 300 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà nước sẽ bán hết 108 triệu cổ phần nắm giữ (chiếm 36% vốn điều lệ). 135 triệu cổ phần (45% vốn điều lệ) bán cho nhà đầu tư chiến lược. Hơn 55 triệu cổ phần (18,44% vốn điều lệ) sẽ được đấu giá công khai và hơn 1,5 triệu cổ phần còn lại sẽ bán cho người lao động. IDICO có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp...

8. Tổng công ty Sông Đà: Vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, tương đương 450 triệu cổ phần lưu hành. Nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần đến hết năm 2019 và sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% vào năm 2020. 135 triệu cổ phần sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược (30% vốn điều lệ), bán qua IPO 84,77 triệu cổ phần (18,82% vốn điều lệ) và bán cho người lao động 822 nghìn cổ phần (0,18% vốn điều lệ). Theo kế hoạch, năm 2017, Tổng công ty Sông Đà sẽ hoàn thành cổ phần hóa.

9. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG): Dự kiến hoàn thành cổ phần hóa trong quý III/2017. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước giữ 75% vốn điều lệ của VRG cùng 20 đơn vị thành viên và 4 đơn vị sự nghiệp. Dự kiến, khi IPO, chào bán 25% vốn, VRG ước tính thu 10.000 tỷ đồng.

10. Tổng công ty Phát điện (Genco) 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn EVN: Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành cổ phần hóa Genco 3 trong năm 2017; Genco 1 và Genco 2 trong năm 2018. Phương án cổ phần hóa Genco 3 đang chờ phê duyệt theo hướng Nhà nước giữ không dưới 51% vốn khi IPO, giá trị doanh nghiệp của Genco 3 là 91.433 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 24.600 tỷ đồng.

Hữu Tuấn tổng hợp

Kinh tế hồi phục tích cực, nền tảng để M&A đột phá
Kinh tế vĩ mô đang hồi phục tích cực, cùng với hàng loạt chính sách liên quan tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư