Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Kiểm dịch làm khó doanh nghiệp nhập khẩu sữa, thịt
Thùy Liên - 20/11/2018 20:38
 
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, thịt, sữa nguyên liệu... đang phàn nàn chuyện bị kiểm dịch gây khó khăn, dù danh mục hàng hóa nông sản nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đang giảm mạnh, tỷ lệ giảm lên tới 76%.

Kiểm dịch làm khó?

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -  NN&PTNT) liên quan đến những vướng mắc xung quanh thủ tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu. 

Một số doanh nghiệp nhập khẩu sữa, thịt phản ánh là có mặt hàng tới 2 bộ cùng kiểm tra. Ảnh: Đức Thanh
Một số doanh nghiệp nhập khẩu sữa, thịt phản ánh là có mặt hàng tới 2 bộ cùng kiểm tra. Ảnh: Đức Thanh

Theo phản ánh, từ cuối tháng 9/2018, Cục Thú y yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch từ nước nhập khẩu đối với các lô nguyên liệu thủy sản khai thác được đóng container từ trực tiếp các tàu khai thác và đưa về Việt Nam. Các doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu này gây khó khăn vì theo thông lệ quốc tế, việc nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác không thể có giấy chứng nhận vì hàng hóa không qua bất kỳ nhà xưởng nào. 

Tương tự, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho hay, với sản phẩm sữa nhập khẩu, thời gian chờ kiểm dịch kéo dài tới 1-2 tuần, số lượng hàng lấy mẫu nhiều, gây tốn kém, lãng phí hàng trăm tỷ đồng và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng có hạn dùng ngắn.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt, sữa... cũng  phản ánh, hiện nay, một số mặt hàng nhập khẩu có tới 2-3 đơn vị kiểm tra. Đơn cử, sữa hiện nay 2 bộ cùng kiểm tra (Y tế, Nông nghiệp), hay một số mặt hàng nông sản khác, chỉ riêng trong Bộ NN&PTNT đã có 2-3 cục, vụ cùng kiểm tra (Thú y, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi...).

Liên quan đến vướng mắc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, Bộ đang yêu cầu các cục, vụ liên quan phải sửa Thông tư 25/2016/TT- BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 26/2016/TT- BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản, chậm nhất đầu năm 2019 phải được ban hành văn bản sửa đổi.

Với  việc kiểm tra chồng chéo giữa các đơn vị, Thứ trưởng cũng yêu cầu từ ngày 1/1/2019 các đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ phải hoàn thành việc đưa kiểm tra về một đầu mối. Liên quan đến quản lý sữa, Bộ NN&PTNT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng để giao cho một bộ làm đầu mối kiểm tra. 

Riêng với kiến nghị của VASEP, Cục Thú y cho hay, yêu cầu của Cục đưa ra là nằm trong nỗ lực giúp thủy sản Việt thoát khỏi thẻ vàng của EU (do khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU).  

Dễ với hàng nhập là thiếu công bằng với hàng Việt 

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đã cắt giảm rất mạnh điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Theo đó, Bộ đã sửa và giảm 131/170 điều kiện kinh doanh và sắp tới sẽ cắt giảm 69% tổng số điều kiện khi Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản có hiệu lực (từ 1/1/2019). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, thủ tục nhập khẩu với thịt, trứng, sữa... hiện nay quá khắt khe.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho hay, Cục đã nhận được đề nghị của một số hiệp hội về việc không kiểm dịch trứng, sữa nếu đã có chứng nhận từ nước nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu cho nhập khẩu thoải mái mà không kiểm tra sẽ vừa không đúng Luật Thú y của Việt Nam và thế giới, vừa không phù hợp với biện pháp thương mại mà các nước đang áp dụng với thịt, trứng, sữa, mật ong... xuất khẩu của Việt Nam.

“Thịt gà Việt Nam dù đã chế biến rất sâu, song chúng ta vẫn phải đàm phán ròng rã nhiều vòng, nước bạn sang kiểm tra cả chuỗi sản xuất nhiều lượt mới cho 2 doanh nghiệp được xuất khẩu, đến nay cũng chỉ mới xuất khẩu được hơn 1.000 tấn. Hàng hóa sang đến nơi còn bị lưu cảng 10 ngày để kiểm tra vi sinh vật và các chỉ tiêu khác. Mật ong chúng ta đàm phán 7 năm trời mới sang được EU. Trứng chim cút đã đàm phán ròng rã 2 năm nhưng vẫn chưa sang được Hàn Quốc. Sữa chế biến dù đã đàm phán rất nhiều, nước bạn cũng sang kiểm tra liên tục, song đến giờ vẫn chưa được xuất khẩu sang Trung Quốc...”, ông Đông cho hay. 

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, nếu để để thịt, trứng, sữa... ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam mà dễ dãi kiểm dịch, nền sản xuất trong nước có thể bị thôn tính. 

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Thú y, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có chứng nhận kiểm dịch không phải do Cục muốn làm khó doanh nghiệp, mà đó là yêu cầu của thị trường nhập khẩu. 

“Hiện nay, các nước đều yêu cầu Việt Nam phải cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì họ mới đồng ý cho nhập khẩu vào nước họ. Không chỉ đòi chứng nhận, họ còn yêu cầu chúng ta kiểm tra và báo cáo kết quả liên tục. Ví dụ như mật ong, dù đã xuất khẩu nhiều năm, song chúng ta phải thường xuyên báo cáo về 45 chất tồn dư và các chỉ tiêu khác trong mật ong cho EU”, ông Đông nói. 

Cục Thú y đã từng lấy ý kiến của 39 hiệp hội về việc có nên bỏ kiểm dịch thịt, trứng, sữa, mật ong nhập khẩu hay không, thì chỉ có 4 hiệp hội là đề nghị không kiểm dịch, còn 35 hiệp hội khác yêu cầu kiểm dịch.

Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới không phải kiểm dịch
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể về hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và mua bán, trao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư