Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Kiểm soát chặt giá cả dịp Tết
Hà Nguyễn - 21/01/2021 16:39
 
Khi Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc cần kiểm soát chặt hơn giá cả thị trường, bởi thông thường, đây là tháng có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất.

Hẳn nhiên, việc không kiểm soát tốt giá cả tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng dịp Tết của người dân và mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm.

.
Kiểm soát tốt giá cả trong dịp Tết chỉ là một chuyện, quan trọng hơn là phải kiểm soát giá cả, kiểm soát lạm phát trong cả năm 2021.

Thực tế mấy năm gần đây cho thấy, không còn chuyện giá cả tăng đột biến trong dịp Tết, sau đó hình thành mặt bằng giá mới. Do hàng hóa được cung ứng dồi dào, do các chính sách kiểm soát giá cả thị trường được thực hiện hiệu quả và còn do người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu hơn. Nhiều khả năng, câu chuyện của Tết Tân Sửu cũng diễn ra theo xu hướng đó.

Tuy vậy, trong mọi trường hợp, không thể lơ là việc kiểm soát giá cả thị trường. Hơn nữa, Tết Tân Sửu còn diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: đại dịch Covid-19 vẫn đang bủa vây. Nếu có bất cứ diễn biến bất thường nào, thì nguy cơ giá cả thị trường bị xáo trộn là rất lớn.

Đó có lẽ cũng chính là lý do mà mới đây, Bộ Công thương có chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021.

Theo đó, bộ này yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường. Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh cũng được nhắc đến.

Nhưng kiểm soát tốt giá cả trong dịp Tết chỉ là một chuyện, quan trọng hơn là phải kiểm soát giá cả, kiểm soát lạm phát trong cả năm 2021.

Năm nay, nhiều yếu tố sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% của Việt Nam. Nhóm mặt hàng nhiên liệu, trong đó có xăng dầu diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm, tăng giảm bất thường rất khó dự báo. Nhóm mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt lợn cũng khó ổn định giá nếu không kiểm soát được dịch bệnh. Nguồn cung thiếu sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Chưa kể, giá cả thị trường năm nay còn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Có 2 kịch bản giá cả thị trường được các chuyên gia kinh tế vạch ra.

Ở kịch bản 1, trong trường hợp đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới dần phục hồi, thì giá cả trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh do tác động kép từ việc kinh tế phục hồi và do tác động của các gói kích cầu khổng lồ được các nước tung ra. Khi đó, mặt bằng giá Việt Nam sẽ chịu sức ép tăng; nếu không có các biện pháp điều hành quyết liệt thì CPI bình quân có thể tăng 4-4,5%.

Ở kịch bản 2, trong trường hợp đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, kinh tế thế giới chưa phục hồi, giá thế giới không tăng mạnh dẫn đến mặt bằng giá tại Việt Nam cũng khó tăng cao, thì dự báo CPI bình quân cả năm vào khoảng 3,8 - 4%.

Cho đến thời điểm này, chưa ai có thể dự đoán chắc được tình hình sẽ diễn ra theo xu hướng nào. Bởi vậy, công tác điều hành giá càng cần phải thận trọng, chủ động và linh hoạt hơn bao giờ hết.

Trước mắt, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ “thử sức” các nhà điều hành. Tất cả phải thận trọng, nhất là khi giá xăng trong nước vừa được điều chỉnh tăng khá cao, từ 430 đến 451 đồng/lít (tùy loại) đối với xăng E5RON 92 và xăng RON 95. Trong khi đó, giá dầu trên thị trường thế giới cũng đang trồi sụt. Và rất có thể, giá thịt lợn sẽ tăng cao khi Tết đến.

Cũng cần nhắc lại rằng, chuyện kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu điều hành 4% là rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam hiện nay. Khi kinh tế gặp khó khăn do tác động của Covid-19, thì một trong những điều khiến Việt Nam có thể vượt qua được chính là nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định.

Có thể nói, một trong những thành quả quan trọng nhất của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020 chính là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ổn định vĩ mô thậm chí đã trở thành “nội lực” của kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế sẽ có nền tảng để tiếp tục vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trong năm 2021 khi Chính phủ duy trì được sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Cũng bởi vậy, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát phải được các cơ quan chức năng lưu tâm, thực hiện tốt ngay từ tháng đầu tiên của năm mới 2021.

Giá cả thị trường ổn định trong ngày mùng 1 Tết
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 8/2 (tức ngày mùng 1 Tết), trên cả nước hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư