Thứ Năm, Ngày 03 tháng 07 năm 2025,
Thỏa thuận Mỹ - Trung tác động tích cực tới thương mại
Dương Phạm - 03/07/2025 07:40
 
Thương mại toàn cầu ghi nhận tín hiệu tích cực sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 27/6. Thỏa thuận này thúc đẩy tâm lý lạc quan trên thị trường tài chính toàn cầu, đẩy các chỉ số chứng khoán như S&P 500 và Nasdaq lên mức cao kỷ lục.

Nhiều tín hiệu tích cực

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được ký kết vào ngày 27/6/2025 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nguồn cung đất hiếm và nam châm từ Trung Quốc - những nguyên liệu quan trọng chiếm hơn 80% chuỗi cung ứng toàn cầu cho sản xuất pin xe điện, vi mạch và thiết bị quốc phòng.

Thỏa thuận nói trên là kết quả của các cuộc đàm phán vào tháng 5/2025, khi hai bên đồng ý tạm giảm thuế quan đối ứng trong 90 ngày. Cụ thể, Mỹ tạm thời hạ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ xuống còn 10%.

Ngày 27/6, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận, thỏa thuận cho phép xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và nới lỏng một số hạn chế công nghệ. Điều này đã thúc đẩy tâm lý lạc quan trên thị trường tài chính. Chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 6.173 điểm; chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,5% lên 20.273 điểm vào phiên 27/6, cả hai đều lập kỷ lục mới.

Cổ phiếu của các công ty công nghệ và ô tô hưởng lợi trực tiếp từ thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tăng mạnh. Cổ phiếu Tesla tăng 6,8%, cổ phiếu Apple tăng 5,9% và cổ phiếu Nvidia tăng 5,2%, nhờ kỳ vọng về nguồn cung bán dẫn ổn định hơn. Ngoài ra, chỉ số hợp đồng tương lai S&P 500 tăng thêm 0,8% trong phiên giao dịch sớm ngày 28/6, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào tác động tích cực của thỏa thuận.

Có thể thấy, thỏa thuận Mỹ - Trung không chỉ cải thiện quan hệ song phương, mà còn mang lại lợi ích cho thương mại toàn cầu. Việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc đã giúp giảm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn bị gián đoạn nghiêm trọng khi Trung Quốc áp lệnh cấm xuất khẩu đáp trả thuế quan Mỹ vào tháng 4/2025. Điều này đặc biệt quan trọng với các ngành công nghiệp ô tô và công nghệ cao, khi giá đất hiếm tăng 25% trong quý II/2025.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, chính quyền Tổng thống Trump đang đàm phán với 10 đối tác thương mại lớn khác, với mục tiêu ký kết thỏa thuận trước ngày 1/9/2025. Các cuộc đàm phán với Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến triển, với khả năng tránh được mức thuế 50% dự kiến áp dụng từ ngày 9/7.

Chứng khoán toàn cầu cũng phản ứng tích cực. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,7%; chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,3%; chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,1% trong phiên 27/6. Bên cạnh đó, USD tăng giá. Chỉ số Dollar Index nhích lên 0,3%, đạt 98,2 điểm, trong khi vàng - tài sản trú ẩn an toàn - giảm 2%, xuống 3.272 USD/ounce.

Lo ngại về thương mại Bắc Mỹ

Mặc dù thỏa thuận Mỹ - Trung mang lại tín hiệu tích cực, song tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Canada lại đang làm dấy lên lo ngại về thương mại Bắc Mỹ. Theo Energy Intelligence, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố chấm dứt đàm phán thương mại với Canada, liên quan đến tranh chấp về thuế dịch vụ số. Ông Trump cho rằng, Canada đã áp thuế bất lợi lên các công ty công nghệ Mỹ, dẫn đến nguy cơ áp thuế trả đũa lên hàng hóa Canada, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và ô tô.

Việc chấm dứt đàm phán có thể làm gián đoạn Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp ô tô và năng lượng. Cổ phiếu của các công ty Canada như Magna International và Linamar Corp giảm lần lượt 3,2% và 2,8% trên sàn Toronto trong phiên ngày 27/6. Ngoài ra, đô-la Canada (CAD) giảm 0,5% so với USD, giao dịch ở mức 1,38 CAD/USD.

Trong bối cảnh thương mại Bắc Mỹ đối mặt rủi ro, các quốc gia Trung Á đang tăng cường quan hệ thương mại với Mông Cổ, đánh dấu sự chuyển dịch trong dòng chảy thương mại khu vực.

Theo Energy Intelligence, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan đã ký kết các thỏa thuận thương mại với Mông Cổ trong tháng 5/2025, tập trung vào xuất khẩu khoáng sản và nông sản. Tổng giá trị thương mại giữa các nước này và Mông Cổ đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng 20% so với năm 2023. Điều này phản ánh nỗ lực của các quốc gia Trung Á nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga.        

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Phía Mỹ khẳng định cuộc họp "tốt đẹp", "có kết quả"
Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 10/6 bước sang ngày làm việc thứ hai khi hai bên tìm cách xoa dịu căng thẳng về các lô hàng công nghệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư