Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kiên Giang khởi công dự án kéo điện ra xã đảo Hòn Nghệ vốn 140 tỷ đồng
Huy Thịnh - 10/10/2015 17:41
 
Sáng nay, 10/10, chủ đầu tư - Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã chính thức khởi công Dự án xây dựng lưới điện trên không vượt biển dài 16,3 km từ đất liền ra xã đảo Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương (Kiên Giang) với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng.

Dự án có đường dây 22kV trên không vượt biển dài 16,37 km được thiết kế một mạch, xuất phát từ trụ đấu nối tiếp bờ tại khu vực Hòn Chông (huyện Kiên Lương) đi qua các hòn Rễ Nhỏ, hòn Rễ Lớn, hòn Nhum Giếng, rẽ trái qua hòn Nhum Ông, hòn Nhum Tròn, hòn Nhum Bà và đến điểm đấu nối tiếp bờ tại Hòn Nghệ. Ngoài ra còn có các hạng mục khác như: xây dựng và đầu tư đường dây trung thế ba pha dài 9,94 km, đầu tư mới 8 trạm biến áp với tổng công suất 975kVA và 526 bộ công-tơ và nhánh rẽ khách hàng để cấp điện cho 526 hộ dân với 2.229 người trên đảo.

Toàn bộ hệ thống đường dây này có công suất truyền tải 14,14 MVA, khả năng cung cấp tối đa hàng năm lên đến hàng triệu kWh, gấp hàng chục lần so với năng lực cung cấp điện của các tổ máy phát diesel ở Hòn Nghệ hiện nay. Theo bản thuyết minh dự án, tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 140 tỷ đồng, nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực miền Nam thu xếp để thực hiện. Trong đó đáng kể là chi phí xây dựng 16,3 km đường dây 22kV vượt biển với trên 106 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư trên 17 tỷ đồng và riêng chi phí thiết bị chỉ có gần 2 tỷ đồng và chí phí đền bù giải toả gần 1 tỷ đồng, phần còn lại là các chi phí khác và quản lý.

.
Không tính đảo Phú Quốc, thì dự án kéo điện lưới ra đảo Hòn Nghệ là dự án thứ 3 xây dựng lưới điện trên không vượt biển, cung cấp điện quốc gia ra các đảo gần bờ ở tỉnh Kiên Giang

Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, ông Phạm Ngọc Lễ cho biết, Dự án cấp điện quốc gia cho các xã đảo gần bờ tỉnh Kiên Giang từ nay đến 2020 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.223 tỷ đồng đã được chính phủ phê duyệt. Đây là dự án  nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về Chiến lược biển đảo của Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo và ven biển. Qua đó xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

"Không tính đảo Phú Quốc, thì đây là dự án thứ 3 xây dựng lưới điện trên không vượt biển, cung cấp điện quốc gia ra các đảo gần bờ ở tỉnh Kiên Giang. Trước đó Dự án kéo điện từ huyện Hòn Đất ra đảo Hòn Tre dài 13 km trên biển (trị giá gần 70 tỷ đồng) đã đóng điện vào đầu năm 2015; Dự án kéo lưới điện 110 KV trên biển từ huyện An Biên ra đảo Lại Sơn dài 24,5 km (trị giá 389 tỷ đồng) vừa khởi công và sẽ đóng điện trong năm 2016. Riêng dự án xây dựng kéo điện ra Hòn Nghệ này sẽ đóng điện vào cuối năm nay", ông Lễ cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng cho biết, tỉnh Kiên Giang có 143 đảo nổi, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống. Trong đó đảo Hòn Nghệ dài 2,5 km, rộng từ 1,6 với tổng diện tích chu vi 7,5 km và diện tích 3,8 km2, nằm cách quần đảo bà lụa 8 km về phía Đông Nam. Nơi đây có 526 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hàng năm ngân sách địa phương phải bù lỗ cho tổ máy phát điện bằng động cơ Diesel trên một số đảo.

"Mặc dù là khu vực gần các ngư trường đánh bắt, nhưng thời gian qua dịch vụ hậu cần nghề cá nơi đây rất kém vì không có điện sản xuất và dịch vụ. Máy phát điện chỉ phục vụ điện 8 giờ trong ngày, ưu tiên vào buổi tối. Tới đây khi có điện Hòn Nghệ sẽ phát triển mạnh về nuôi trồng thuỷ sản trên biển, nhất là dịch vụ hậu cần nghề cá như: sữa chữa tàu, thu mua và sơ chế thuỷ sản, dịch vụ thương mại, cung cấp hàng hoá sinh hoạt và nhiên liệu cho các tàu đánh bắt...", ông Phạm Vũ Hồng phấn khởi nói.

Công nhận 2 xã đảo thuộc tỉnh Quảng Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận xã Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An và xã Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là xã đảo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư