Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Kiên Giang lập đoàn kiểm tra vụ việc "Điện kế hiện đại thành hại điện"
Huy Thịnh - 04/06/2015 09:11
 
Sau khi Báo đầu tư đăng bài viết "Kiên Giang: Điện kế hiện đại thành "hại điện" vào ngày 24/5 vừa qua, Tổng Công ty Điện lực miền nam (EVN SPC) có công văn giải thích gửi Báo Đầu tư và cho rằng hệ thống đo đếm điện tử không làm tăng tiền điện khách hàng. Tuy nhiên mới đây UBND tỉnh Kiên Giang vừa thành lập đoàn kiểm tra về hệ thống các thiết bị kết nối điện kế điện tử trên địa bàn.

Vì sao tỷ lệ khách hàng khiếu nại giảm dần?

Theo công văn số4305/ EVN SPC-KD  ngày 28/5/2015, EVN - SPC gửi Báo Đầu tư cho rằng, đây là chủ trương đúng theo định hướng phát triển hiện đại hoá đã được chính phủ phê duyệt. Trước khi triển khai đại trà ở 21 tỉnh thành khu vực phía Nam (trừ TP HCM) đã được lãnh đạo UBND tỉnh ký văn bản cho phép. Việc hàng trăm hộ dân ở tỉnh Kiên Giang "kêu" tiền điện tăng hơn so với điện kế cơ là do từ năm 2011 (bắt đầu triển khai) đến nay đã qua 3 lần tăng giá điện. Hiện nay vào mùa nắng nóng nên lượng điện tiêu thụ tăng hơn trước đó vài chục % là bình thường.

 

EVN SPC cũng cho biết, sau khi lắp đặt điện kế điện tử  số khách hàng khiếu nại giảm dần qua từ năm. Cụ thể năm 2013 ở Kiên Giang, có 2.14% khách hàng được lắp đặt khiếu nại, năm 2014 chỉ còn 0,87% khách hàng khiếu nại và trong 5 tháng đầu năm 2015 chỉ có 63 trường hợp khiếu nại chiếm 0,28%. Các khách hàng khiếu nại đều được cơ quan kiểm định kiểm tra lại điện kế điện tử đều chạy đúng theo qui định. Đến nay, EVN SPC đã lắp đặt được trên 1 triệu khách hàng và sẽ tiếp tục trong thời gian tới ở 21 tỉnh thành khu vực phía Nam, trừ TP HCM.

Thế nhưng, thực tế nhiều hộ dân ở TP Rạch Giá than vãn rằng, nhiều hộ xung quanh khiếu nại và cơ quan chức năng đến kiểm tra lại điện kế điện tử vẫn đúng. Mặc dù hầu hết sau khi gắn điện kế điện tử thì lượng điện tiêu thụ đều tăng. Nhiều người không muốn khiếu nại nữa khi thấy các hộ khiếu nại không đem lại kết quả gì. Cho nên EVN SPC giải thích, tỷ lệ khách hàng sau khi gắn điện kế điện tử gửi đơn khiếu nại ngày càng giảm dần và cho đây là có sự đồng thuận cao của nhân dân dường như không thuyết phục (!?).

Kiểm tra toàn diện các thiết bị liên quan

Theo văn bản của EVN SPC gửi Báo Đầu tư, qui định pháp luật chỉ bắt buộc kiểm định điện kế điện tử, còn các thiết bị kết nối trong hệ thống đo đếm điện tử như DCU và máy chủ (sever) cùng với phần mềm quản lý là không yêu cầu kiểm định. EVN SPC cũng cho rằng, các thiết bị điện tử phần cứng và phần mềm kết nối này chỉ có chức năng ghi chép dữ liệu, trích xuất và quản lý điện kế điện tử từ xa.

Liên quan đến ứng dụng hệ thống công nghệ PCL tại điểm mua điện của khách hàng để thu thập dữ liệu từ xa, ông Lê Văn Tình - kỹ sư Tin học đang kinh doanh ở TP Rạch cho biết, theo nguyên lý tương tác của phần mềm qua các thiết bị có gắn con chíp điện tử (Điện kế điện tử  - Bộ trung tâm DCU- Máy chủ Sever và phần mềm) để kết nối nhau, con người hoàn toàn có thể can thiệp trực tiếp hoặc xâm nhập từ xa vào hệ thống phần mềm để tác động.

"Nếu có xây dựng qui trình quản lý phần mềm "đóng" đã được kiểm định, thì các máy chủ (sever) phải đặt ở bên thứ ba quản lý để bào đảm tính khách quan. Như đã nói, con người có thể can thiệp và xâm nhập được vào hệ thống, nên phương cách này chỉ tương đối khách quan mà thôi", ông Tình phân tích thêm.

Trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư mới đây, Giám đốc sở Công Thương Kiên Giang, ông Huỳnh Văn Gành cho biết, sau khi báo chí phản ánh và dư luận người dân bức xúc về việc sau khi gắn điện kế điện tử làm tăng lượng điện tiêu thụ đáng kể so với điện kế cơ, ngày 2/6 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra rà soát lại toàn bộ các thiết bị của hệ thống đo đếm điện từ xa của Công ty điện lực Kiên Giang.

"Tuy nhiên, liên quan đến thiết bị bên trong hệ thống điện kế điện tử có kết nối như: Bộ trung tâm (DCU), máy chủ (sever) và phần mềm quản lý là rất khó phát hiện. Có lẽ sau khi kiểm tra, nếu có cơ sở, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để kiến nghị lên Bộ Công thương và các cơ quan trung ương kiểm tra tiếp. Nếu nhiều người dân phản ánh và đề nghị ngành điện lắp trả lại điện kế cơ như cũ, Sở Công thương sẽ xem xét trình lên UBND tỉnh để đề xuất với Bộ Công thương và Chính phủ quyết định", ông Gành nói.

Người nghèo tại Kiên Giang sắp được ở chung cư hiện đại
Chung cư đầu tiên có quy mô 226 căn hộ thuộc Dự án nhà ở xã hội tại số 444 Ngô Quyền, TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) do Công ty cổ phần Tư vấn đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư