Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Kiên Giang: Vĩnh Thuận khai thác hiệu quả nền tảng kinh tế nông nghiệp
Thịnh Huy - 09/07/2020 08:20
 
Từ một huyện thuần nông của tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Thuận đang từng bước đổi thay, khai thác hiệu quả nền tảng nông nghiệp để thúc đẩy chuyển dịch nhanh các lĩnh vực kinh tế cùng phát triển.
Cùng với sự phát triển kinh tế, diện mạo của huyện Vĩnh Thuận cũng đang đổi mới từng ngày.
Cùng với sự phát triển kinh tế, diện mạo của huyện Vĩnh Thuận cũng đang đổi mới từng ngày.

Xây dựng nền tảng nông nghiệp vững chắc

Theo Báo cáo chính trị của Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chỉ tiêu kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt và vượt mức kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu bình quân hàng năm tăng 10,3%, trong đó, nông nghiệp chiếm 46,33%; thương mại - dịch vụ chiếm 36,05%; công nghiệp - xây dựng chiếm 17,62%. Đời sống nhân dân không ngừng nâng lên. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 57,6 triệu đồng, tốc độ tăng bình quân 6,9% .

Đáng kể nhất, lĩnh vực nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được tăng cường; cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp với từng vùng.

Đặc biệt, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như lúa - tôm, lúa - màu tiếp tục mang lại hiệu quả cao. Huyện đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với 5 điểm, diện tích 1.950 ha, tổng sản lượng lúa đạt 589.017 tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 78%. Toàn huyện có 550 ha rau màu, năng suất bình quân 28 tấn/ha. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác  đạt 118 triệu đồng/ha.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, giá trị sản xuất chiếm 67,13% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: tôm - cua, tôm - lúa, tôm xen canh; chuyển đổi, mở rộng diện tích đất tôm công nghiệp và các loại thủy sản theo quy hoạch. Toàn huyện có 28.389 ha đất nuôi tôm và các loài thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 127.341 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt 67.865 tấn.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, ông Huỳnh Tấn Phi cho biết, thời gian qua, các thành phần kinh tế được địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển. Trong đó, kinh tế tư nhân mở rộng cả quy mô và số lượng; kinh tế hợp tác và hợp tác xã được tập trung chỉ đạo, từng bước nâng chất lượng hoạt động.

Các xã, thị trấn trong huyện đều có hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo hình thức liên kết. Địa phương đã cũng cố, thành lập 11 hợp tác xã nông nghiệp và 108 tổ hợp tác, trong đó có 13 hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp - thủy sản với 374 thành viên, diện tích 796 ha.

“Huyện Vĩnh Thuận luôn tranh thủ và huy động tốt các nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học... Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên”, ông Phi chia sẻ.

Thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện

Phấn đấu sớm được công nhận huyện nông thôn mới, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Vĩnh Thuận đã tranh thủ các nguồn lực với tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 368 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 339 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 15, tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp 13 tỷ đồng; vốn huy động trong dân 500 triệu đồng.

Huyện đã xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng 75/76 tuyến đường với chiều dài 136,2 km; xây mới 30 cây cầu với chiều dài 820 m..., tổng vốn đầu tư trên 186 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 100% tuyến đường từ huyện về xã, ấp, khu phố được nhựa hóa và bê tông hóa. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng 19,2 km đường điện trung thế, 31,6 km đường hạ thế. Số hộ sử dụng điện an toàn đạt 99,88%; số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Thời gian qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển ở mức khá so với kế hoạch đề ra. Hệ thống các chợ được quy hoạch, đầu tư chỉnh trang, xây dựng mới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020 đạt 8.517 tỷ đồng, đạt 130,9% so với Nghị quyết (tăng 5.817 tỷ đồng so với kết quả của nhiệm kỳ trước), tăng trưởng bình quân 9,8%/năm. Thu ngân sách hàng năm đều vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm.

Theo ông Huỳnh Tấn Phi, tuy là huyện thuần nông, nhưng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Vĩnh Thuận đạt trên 2.250 tỷ đồng, bình quân tăng 3,8%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 3.783 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so nhiệm kỳ trước. Các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; doanh số cho vay tăng bình quân 12%/năm, tổng dư nợ tăng 83,7% so với đầu nhiệm kỳ.

“Đáng kể nhất là ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát triển; nhiều cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện tập trung khôi phục, phát triển một số làng nghề, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người dân. Một số sản phẩm chủ yếu, có thế mạnh được duy trì, xây dựng nhãn hiệu tập thể, sản phẩm đặc trưng của huyện như: tôm càng xanh, cua biển, dưa lê, khóm Ba Đình”, ông Phi thông tin.

Xác định kinh tế nông nghiệp tạo nền tảng phát triển bền vững, Vĩnh Thuận đã đầu tư đúng mức, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Các phương pháp canh tác, con giống, cây trồng vật nuôi đều được ứng dụng kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Các cơ sở tăng cường đổi mới máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, bảo quản sản  phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Vĩnh Thuận.

Đến nay, huyện Vĩnh Thuận có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Vĩnh Thuận đạt 34/52 tiêu chí đô thị loại 4; huyện đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới, đạt kế hoạch Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Kiên Giang cải thiện chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xác định, điều kiện tiên quyết để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh là giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư