Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Kiên Giang: Vướng công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp
Trúc Giang - 26/10/2022 17:09
 
Các dự án chậm hoàn thành các thủ tục; vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… là những nguyên nhân làm cho kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang đạt thấp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, tính đến ngày 15/10/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 2.736.221/5.328.116 triệu đồng, đạt 51,35% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn do các Sở, ban, ngành cấp tỉnh quản lý (chiếm 45,97% kế hoạch) giá trị giải ngân là 1.228.726/2.449.332 triệu đồng, đạt 50,17% kế hoạch. Đến nay, có 8/23 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ trên 65% kế hoạch vốn.

Nguồn vốn do cấp huyện, thành phố quản lý (chiếm 54,03% kế hoạch) giá trị giải ngân là 1.507.495/2.878.784 triệu đồng, đạt 52,37% kế hoạch, có 9/15 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ trên 65% kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, có 36 công trình lớn, trọng điểm do các Sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương quản lý được bố trí 2.090.366/5.328.116 triệu đồng, chiếm 39,23% kế hoạch vốn năm 2022 của cả tỉnh. Kết quả đến ngày 15/10/2022, giá trị giải ngân là 1.089.112/2.090.366 triệu đồng, đạt 52,10% kế hoạch.

Khu đô thị lấn biển thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho rằng, nguyên nhân ảnh hưởng kết quả giải ngân thấp là do các dự án chậm hoàn thành các thủ tục gồm: Dự án đầu tư xây dựng Đường KT1, huyện An Minh (đang trình thẩm định điều chỉnh thiết kế, dự toán); Dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ tại phương Dương Đông, TP. Phú Quốc (đang chỉnh sửa theo ý kiến của Sở Xây dựng đối với thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán); Dự án Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật và bảo tồn di sản văn hóa tỉnh; Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, một số dự án vẫn còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm: Dự án dầu tư xây dựng công trình đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất; Dự án đường ven sông Cái Lớn (đi qua huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần huyện Gò Quao); Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương; Dự án đường tránh thị trấn Kiên Lương (điểm đầu ĐT.971 đến trạm điện Kiên Bình Quốc lộ 80); Dự án nâng cấp, mở rộng đường quanh núi Hòn Me (đoạn đường trên thân đê + đoạn từ UBND xã Thổ Sơn đến ngã bao cống Hòn Quéo); Dự án đường vào khu du lịch Ba Hòn (cây xăng Bình Phận - mộ Chị Sứ); Dự án Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Chông; Dự án đường trung tâm Bãi Trường đoạn 3 và các đường nhánh (vướng giải phóng mặt bằng 3 hộ và 1 đoạn chưa phê duyệt phưởng án giải phóng mặt bằng); Dự án đường nhánh số 3 - Khu vực Bãi Trường (vướng giải phóng mặt bằng 3 hộ); Dự án đầu tư xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển, ven biển tỉnh Kiên Giang (vướng giải tỏa mặt bằng tại Cống âu thuyền T3 Hòa Điền, huyện Kiên Lương).

Đặc biệt, các dự án của TP. Phú Quốc (vốn từ nguồn sử dụng đất) có tổng kế hoạch vốn là 585.600 triệu đồng, đến nay giải ngân được 156.964 triệu đồng, đạt 26,8% kế hoạch (do thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch).

Đối với 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia có tổng kế hoạch vốn là 203.697 triệu đồng cuối tháng 8 nên giải ngân còn chậm (chỉ có vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới giải ngân được 2.389 triệu đồng).

Một số Sở, ngành, huyện, thành phố có kế hoạch vốn lớn nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân còn thấp gồm: Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hoá Thể thao; Sở Tài Nguyên và Môi trường; TP. Hà tiên; TP. Phú Quốc; huyện Kiên Lương; huyện Hòn Đất; huyện Giồng Riềng.

Từ tình hình nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương ghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh Kiên Giang về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và Công văn số 1400/UBND-KT ngày 10/8/2022 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc chấn chỉnh công tác đăng ký, lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công hàng năm.

Chỉ đạo UBND huyện An Minh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Đường KT1 và Sở Văn hoá Thể thao đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án dầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ tại phường Dương Đông, TP. Phú Quốc.

UBND huyện Hòn Đất, UBND huyện Kiên Lương, UBND huyện U Minh Thương, UBND huyện Châu Thành, UBND TP. Rạch Giá, UBND TP. Phú Quốc, Sở Giao thông Vận tải... và các đơn vị khác có liên quan đôn đốc bộ phận chuyên môn tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hoàn thành sớm các thủ tuc về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc nhà thầu thi công các công trình chậm tiến độ hoặc có giải pháp cụ thể nhằm giải ngân vốn đạt kế hoạch.

Đôn đốc đối với một số Sở, ngành, huyện, thành phố có tỷ lệ giải ngân chưa cao. Đồng thời, yêu cầu cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Các Sở, ngành và địa phương nhanh chóng phân khai chi tiết, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất hồ sơ, thủ tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các Sở, ngành và địa phương rà soát số liệu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để giải ngân đạt kết quả cao.

Kiên Giang: Cải cách hành chính, cải thiện PCI cần hạn chế trên “nóng” dưới “lạnh”
Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021 của tỉnh Kiên Giang xếp thứ 60/63 tỉnh, thành cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, có 6 chỉ số tăng điểm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư