Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kiến nghị tháo gỡ bất cập về cấp Giấy xác nhận nguyên liệu hải sản xuất khẩu
Thế Hoàng - 23/03/2023 10:26
 
Vasep kiến nghị ngành chức năng tháo gỡ bất cập trong công tác cấp Giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và Giấy chứng thư ATTP (H/C) phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu hải sản sang EU.
Vasep Kiến nghị tháo gỡ bất cập trong thực hiện kiểm soát IUU, cấp S/C và H/C.
Vasep kiến nghị tháo gỡ bất cập trong thực hiện kiểm soát IUU, cấp S/C và H/C, tạo thuận lợi cho xuất khẩu sang EU.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) có công văn 22/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, nêu một số tình hình và vướng mắc qua phản ánh của các doanh nghiệp thành viên về bất cập trong công tác cấp Giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và giấy chứng thư ATTP (H/C) phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu hải sản sang EU.

Cụ thể, doanh nghiệp đã phản ánh một số phát sinh, bất cập trong thủ tục xin cấp giấy S/C khiến họ không có được S/C.

Doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng (Yellowfin) nhưng không xin được Giấy S/C. Lý do là theo giải thích của Ban quản lý Cảng cá cho doanh nghiệp thì cá size nhỏ mới đúng là cá ngừ vây vàng thì khi đó Ban quản lý Cảng cá mới cấp giấy S/C. Cá có size lớn không phải là cá ngừ vẩy vàng nên cảng cá không cấp S/C.

Tuy nhiên, Vasep và doanh nghiệp không tìm thấy có quy định cụ thể nào quy định việc phân biệt hay phân loại cá ngừ vây vàng theo size cỡ như này. 

Doanh nghiệp thu mua cá theo số lượng thực tế tại cảng và xin S/C theo đúng số lượng đã mua nhưng Ban quản lý Cảng cá không cấp giấy S/C theo số lượng thực tế và chỉ cấp theo số lượng ít hơn vì cảng cá giải thích số lượng khai thác nhiều không hợp lý.

Đối với doanh nghiệp thu mua cá cờ kiếm (swordfish) của tàu có giấy phép khai thác với nghề khai thác chính là nghề câu cá ngừ. Trong quá trình khai thác, ngoài cá ngừ là nguyên liệu khai thác chính thì tàu vẫn khai thác được các loại cá khác như: cá cờ kiếm, cá dũa, cá thu,… Tuy nhiên, Ban quản lý cảng cá không cấp giấy S/C cho lô cá cờ kiếm.

Một số cảng cá ngưng cấp giấy S/C cho các lô nguyên liệu của tàu khai thác dài ngày (trên 1 tháng) thông số qua hồ sơ.

Theo các doanh nghiệp, xuất phát từ ngày 16/02/2023, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 4 (NAFIQAD 4) có Công văn số 67/TTCL4-CL gửi Tổng cục Thủy sản  xác thực tính phù hợp nội dung của Giấy xác nhận khai thác và nhật ký khai thác thủy sản.

Trong thời gian chờ đợi và Tổng cục Thủy sản chưa có văn bản trả lời cho NAFIQAD 4 cũng như văn bản hướng dẫn chung gửi cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi cục Thủy sản và Ban quản lý Cảng cá) các tỉnh nên Ban quản lý Cảng cá ngưng cấp giấy S/C.

Về những bất cập trong thủ tục xin cấp giấy chứng thư ATTP (H/C) cho một số lô hàng hải sản khai thác xuất khẩu sang EU, theo Vasep, một số doanh nghiệp đang gặp vướng mắc khi không xin được giấy H/C đối với các lô hàng có nguyên liệu từ tàu khai thác dài ngày.

Theo văn bản số 67/TTCL4-CL của NAFIQAD 4 gửi Tổng cục Thủy sản thì NAFIQAD 4 nghi ngại: thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu khi cập cảng của tàu cá kéo dài (từ 3 đến 5 tháng) không có hoạt động chuyển tải sẽ không đảm bảo an toàn thực phẩm; thời gian trên giấy S/C và trên nhật ký khai thác có sự sai lệch nhau. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp giải thích, thời gian trên giấy S/C được xác định là thời gian từ khi tàu bắt đầu rời cảng đến khi tàu về lại cảng. Còn thời gian trên nhật ký khai thác là thời gian tàu bắt đầu quăng chuyến lưới khai thác đầu tiên đến thu chuyến lưới cuối cùng. Như vậy, thời gian trên giấy S/C và nhật ký khai thác sẽ thường không khớp nhau (và thời gian trên S/C sẽ dài hơn trên nhật ký khai thác).

Bên cạnh đó, theo đặc thù của nghề khai thác thì tàu có kích thước lớn và nghề khai thác là nghề lưới kéo thì thời gian đi biển khai thác đa phần trên 1 tháng (có khi từ 2-5 tháng) vì 1 số đặc thù.

Đơn cử, tàu khai thác ở các vùng xa (khơi, lộng) nên thời gian đi dài. Khi tàu ra đến vùng khai thác, nhưng chưa có luồng cá nên tàu sẽ dành thời gian thăm dò mà chưa quăng lưới.

Tại một số địa phương, các tàu thường đi khai thác theo nhóm/ đội. Khi đó, 1 tàu sẽ được giao đi biển trước để thăm dò vùng khai thác có luồng cá để báo các tàu khác ra sau khai thác. Khi các tàu trong đội đã khai thác xong thì tàu đó mới bắt đầu quăng lưới khai thác.

Với các đặc thù trên của nghề nên có những trường hợp thời gian trên S/C và nhật ký khai thác có sự chênh lệch thời gian dài.

Và dù thời gian đi biển dài nhưng tàu khai khác ở khoảng thời gian sau nên thời gian nguyên liệu bảo quản trên tàu không dài.

Thêm vào đó, khi Việt Nam chưa có quy định pháp quy về thời gian khai thác biển như thế nào thì mới được xuất khẩu, thì việc đánh giá mức độ đáp ứng của lô hàng (nếu cần thiết) thì cơ quan chức năng xem xét việc sử dụng những biện pháp cụ thể để đánh giá (chỉ tiêu ATTP…).

Trong bối cảnh mục tiêu thực hiện tốt các quy định hiện hành về chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng, Vasep mong các cơ quan liên quan xem xét có chỉ đạo tháo gỡ các bất cập nêu trên để vừa thực hiện tốt quy định hiện hành vừa khơi thông cho chuỗi khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sản sang EU.

Chọn cách đi trên “cao tốc” đến với thị trường EU
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ví như đường cao tốc nối Việt Nam với thị trường 500 triệu dân của EU đã thông tuyến,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư