Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Nông sản Việt bị kiểm tra gắt gao khi vào thị trường EU
Thế Hải - 31/07/2022 07:56
 
Gạo, mỳ ăn liền, rau quả… của Việt Nam liên tục bị kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu vào thị trường EU. Các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa quy trình kiểm soát dư lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

EU lại cảnh báo thực phẩm nhập từ Việt Nam

Văn phòng SPS Việt Nam mới đây tiếp tục nhận được cảnh báo của EU về một số sản phẩm mỳ ăn liền xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Trong đó, Đức gửi cảnh báo mỳ ăn liền hương vị gà, cà ri của Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu vì có chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.

Còn Malta gửi cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia do xác định nguyên liệu sản xuất loại bánh phở này từ gạo biến đổi gen.

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, đang kiểm tra, xác minh với lô hàng của doanh nghiệp bị Đức cảnh báo có tỷ lệ EO vượt ngưỡng cho phép. Nhưng nhiều khả năng lô này xuất khẩu từ năm ngoái - thời điểm các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.

EU là thị trường yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Khi xuất khẩu rau, quả sang EU, nếu bị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cả ngành rau quả Việt Nam. Do đó, chuẩn hóa sản xuất theo đúng quy định của nhà nhập khẩu là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)

Đối với sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia được Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gen. Còn cảnh báo từ Ba Lan về sản phẩm mỳ ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, theo thông tin ban đầu, hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ nên bị trả lại.

Tháng 8 năm ngoái, một số lô sản phẩm mỳ ăn liền của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang EU cũng bị cảnh báo và thu hồi tại một số nước do chất EO vượt ngưỡng, nên từ đầu năm 2022, mỳ ăn liền, bún, miến, phở khô… Việt Nam xuất sang châu Âu bị giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật EO với tỷ lệ kiểm tra là 20%.

Từ ngày 13/6, EU bỏ các loại bún, miến, phở dạng khô không có gia vị đi kèm ra khỏi danh mục sản phẩm chịu kiểm soát đặc biệt về EO. Tuy nhiên, mỳ ăn liền từ Việt Nam trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia vẫn chịu tần suất kiểm tra 20% và phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khi xuất sang thị trường này.

Không chỉ mỳ ăn liền, nhiều nông sản khác của Việt Nam như rau quả tươi, gạo… cũng là nhóm hàng chịu kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu vào EU.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển vừa khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng cần lưu ý về việc EU đang tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu (MR).

Theo quy định EU 2022/741 mới ban hành, các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra là cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…

Các nước không thuộc EU (như Na Uy, Iceland) cũng đang tăng cường kiểm tra theo quy định này. Cơ quan thương vụ nhấn mạnh, gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu bị kiểm tra nhiều nhất. Trong đó, Hexaconazole (chất để tiêu diệt nấm) và Tricyclazole (trừ bệnh đạo ôn) thường vượt ngưỡng trong các sản phẩm vi phạm.

Ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước sẽ lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ. Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi.

Nghiêm chỉnh chấp hành quy định nước nhập khẩu

Thương mại nông, lâm, thủy sản hai chiều Việt Nam - EU đã tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015, lên 5,2 tỷ USD năm 2021. 6 tháng đầu năm 2022, con số này đã đạt 2,7 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ. EU hiện là thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 của nông, thủy sản Việt Nam, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ năm 2020, nông sản Việt có nhiều dư địa tăng tốc xuất khẩu, cải thiện thị phần vốn còn khiêm tốn tại EU (năm 2021, kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU).

Ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy Nông nghiệp châu Âu trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đầu tháng 7 cũng nhấn mạnh: “Sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp Việt nếu muốn xuất khẩu bền vững sang EU”.

Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp, để tránh vi phạm quy định của các thị trường dự kiến xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa.

Là doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu gạo sang nhiều nước thuộc EU, mới đây đã xuất thành công 500 tấn gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” sang Đức, Hà Lan và Pháp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh, kinh nghiệm là phải chuẩn bị tốt khâu tổ chức sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu.

Chuẩn hóa sản xuất - “chìa khóa” đưa nông sản sang EU
“Chìa khóa” để xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng bền vững là doanh nghiệp phải chuẩn hóa sản xuất,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư