Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiến tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
Hà Nguyễn - 30/06/2016 14:01
 
Khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn đáng kể so với con số 6,32% cùng kỳ năm trước thì câu hỏi “nền kinh tế phải trông vào đâu để tăng trưởng”, nói cách khác phải làm sao tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đã trở lên cực kỳ quan trọng ở thời điểm hiện tại.

Đây là câu hỏi rất khó trả lời khi những động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tới hạn. Nông nghiệp gặp khó bởi hạn hán, xâm nhập mặn; sản xuất công nghiệp đang chững lại, với tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng qua chỉ là 7,5% trong khi 6 tháng đầu năm ngoái là 9,6%; tăng trưởng xuất khẩu chỉ 5,9%, thấp quá xa so với mục tiêu tăng trưởng 10%...

Cũng cần nhắc lại rằng, sau những hứng khởi vì tăng trưởng kinh tế năm 2015 lên tới 6,68%, cao nhất trong vòng 5 năm qua, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 và mục tiêu được quyết nghị là 6,7%.

.
6 tháng qua, tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển là khá chậm

Nhưng ngay từ quý đầu năm, nền kinh tế đã gặp khó và tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,48%, đe dọa khả năng đạt kế hoạch đề ra.

Đó cũng là điều không chỉ được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước dự báo, mà ngay cả các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam cũng thừa nhận. Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn nhất quán quan điểm không hạ mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%. Đương nhiên, câu hỏi trông vào đâu để tăng trưởng cần phải được trả lời một cách rốt ráo và chính xác.

Hẳn nhiên, vẫn phải trông vào sản xuất công, nông nghiệp và xuất khẩu. Chỉ có cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu mới là nền tảng quan trọng để kinh tế tăng trưởng bền vững. Song còn có một câu trả lời khác và đáng chú ý là câu trả lời này đã nhận được sự đồng tình rất lớn từ các chuyên gia kinh tế. Đó là tăng cường giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó bao gồm cả vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ…

Câu chuyện nằm ở chỗ, 6 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư phát triển lại khá chậm, khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vô cùng sốt ruột. Chính Thủ tướng đã phải chỉ đạo phải làm sao không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - ít nhất trong 6 tháng cuối năm nay - sẽ buộc phải thúc đẩy đầu tư. Song chính thực tế này lại cho thấy một thực tế khác: đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư, và cả khai thác tài nguyên. Trước đây, muốn thúc đẩy tăng trưởng, thì một trong những giải pháp được nhắc tới nhiều nhất là tăng khai khác dầu thô. Nhưng trong bối cảnh giá dầu thấp hiện nay, khai thác dầu ngày càng khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn, thì giải pháp này đã không còn là cứu cánh cho nền kinh tế. Có lẽ, chưa bao giờ thực tế “những động lực tăng trưởng cũ đã hết dư địa” hiển hiện rõ như hiện nay.

Vì thế, phải tìm kiếm và quyết liệt kiến tạo các động lực tăng trưởng mới thông qua tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh…

Trong cuộc đối thoại về chính sách đầu tư được tổ chức ngày hôm 28/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh việc tới đây sẽ xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng mối quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp trên nền tảng sự thân thiện, bởi chỉ khi thấy được sự thân thiện của Nhà nước, cùng hệ thống pháp luật chặt chẽ thì doanh nghiệp mới yên tâm bỏ tiền ra kinh doanh và làm ăn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh ấy, việc kể từ ngày 1/7/2016, hàng loạt “giấy phép con” bị loại bỏ, cộng thêm những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo chỉ đạo tại Nghị quyết 19 của Chính phủ…, cũng được cho là sẽ tạo điều kiện quan trọng để kiến tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một khi công cuộc đổi mới và đấu tranh, chống lại bảo thủ để thực hiện mục tiêu Nhà nước kiến tạo phát triển, vì lợi ích của doanh nghiệp và đất nước thành công, thì nền kinh tế sẽ đủ sức vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay để tăng tốc.

Brexit sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?
Việc Anh rút khỏi EU (Brexit) đang tạo cú sốc tài chính toàn cầu. Vậy Brexit sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư