Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh doanh sữa: Thách thức từ nhóm ngoại và câu trả lời của nhóm nội
Huy Vũ - 20/09/2020 15:30
 
Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các sản phẩm sữa của EU tràn vào Việt Nam, nhưng nhờ sự chuẩn bị từ trước, nên các doanh nghiệp sữa nội địa vẫn tự tin cạnh tranh.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dù xoá toàn bộ thuế quan với các sản phẩm sữa ở Việt Nam theo lộ trình từ 3 đến 5 năm, nhưng các công ty sữa trong nước chưa được lợi gì từ việc này vì EU vẫn chưa cấp phép nhập khẩu sữa từ Việt Nam. Ngược lại, EVFTA đang mở cửa cho các doanh nghiệp EU gia nhập ngành sữa trong nước.

Sữa nội đang chiếm lĩnh các kệ hàng trong siêu thị, tự tin cạnh tranh với sữa ngoại.
Sữa nội đang chiếm lĩnh các kệ hàng trong siêu thị, tự tin cạnh tranh với sữa ngoại.

Thách thức từ nhóm ngoại

Khoảng 2 tháng nay, nhu yếu phẩm tiêu thụ hàng tháng của gia đình chị Phương Trinh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã bổ sung thêm mặt hàng mới là sữa hộp tươi thanh trùng. Đây là sản phẩm mới được các công ty sữa tung ra gần đây với nguyên liệu làm từ sữa bò tươi, giá đắt gấp đôi sản phẩm sữa hộp tiệt trùng do không có chất bảo quản và hạn sử dụng ngắn hơn nhiều (dưới 10 ngày so với 6 đến 12 tháng). Dù giá cao, nhưng chị Trinh cho biết, sữa là mặt hàng không thể thiếu đối với các gia đình có trẻ nhỏ như nhà chị.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, sữa là sản phẩm ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khi 6 tháng đầu năm chỉ giảm 4% về giá trị so với mức giảm 7,3% trong tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam.

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường, nhu cầu tiêu thụ sữa cao cấp đang là xu hướng mua sắm của ngành này trong 3 đến 5 năm tới. Không chỉ trong mảng sữa nước, sữa bột cũng sẽ chứng kiến xu hướng này.

Sự khác biệt diễn ra trong mặt hàng sữa nước là khách hàng có xu hướng chọn các sản phẩm có hạn sử dụng ngắn hơn, được làm từ các loại hạt thay thế sữa động vật, thì trong sữa bột sẽ là sự lên ngôi của các dòng sản phẩm đặc trị như bổ sung canxi, sữa cho người tiểu đường…

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm nữa, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao sẽ tìm đến những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, nguồn gốc tự nhiên và ngon hơn.

Phân khúc sữa bột cao cấp đang là sân chơi của các đại diện nước ngoài như Abbott và Friesland Campina được cho là tiếp tục tăng trưởng do đón tập khách hàng trung lưu mới. Trong khi đó, ở mảng sữa nước vốn là lợi thế của nhóm nội trong thời gian qua do giá cạnh tranh hơn sẽ không còn là lợi thế nữa, khi thuế nhập khẩu về 0%.

Thách thức lớn hơn chính là chất lượng sữa tươi ngoại nhập luôn được đánh giá cao hơn sữa tươi nội khi người tiêu dùng có thể dễ dàng so sánh hàm lượng protein và chất béo trong 100 ml, đây là hai thành phần dinh dưỡng có yếu tố quyết định đến chất lượng sữa tươi.

Năm ngoái, Coca-Cola Việt Nam, Coca-Cola Đông Dương và Tập đoàn sản xuất sữa Fonterra (New Zealand) đã điền thêm tên vào thị trường sữa nước với sản phẩm hợp tác chiến lược Nutriboost.

Trước mắt, Coca-Cola hướng tới phân khúc sữa dành cho trẻ em với Nutriboost Kid và sau đó là hướng đến cung cấp các sản phẩm sữa dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người yêu thích vận động, phụ nữ, người cao tuổi…

Theo thông tin từ liên doanh này, trong vòng 2 tháng đầu, sản phẩm sữa của họ sẽ được phủ ở 3.000 cửa hàng chuyên bán sữa và 21.600 tiệm tạp hóa ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Câu trả lời của nhóm nội

“Cạnh tranh sòng phẳng với nhóm ngoại trên sân nhà bằng nghiên cứu phát triển đưa ra sản phẩm chất lượng và phù hợp với thể trạng người Việt Nam là câu trả lời của Nutifood”, bác sỹ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood nói.

Đối với sữa nước, để tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập, NutiFood đã tập trung nghiên cứu, đầu tư vào Trang trại bò sữa NutiMilk ở Gia Lai từ 2 năm trước. Kết quả đã giúp hãng sữa này trở thành công ty sữa đầu tiên có được nguồn sữa tươi chất lượng cao, tương đương sữa ngoại nhập    (3,5g đạm và 4g béo trên 100ml sữa tươi).

Với diện tích rộng trên 1.000 ha, trang trại bò sữa NutiMilk đang sở hữu 7.000 con bò sữa và bê con, con số vẫn còn khá khiêm tốn so với các TH true Milk hay Vinamilk.

Theo bà Lệ, tuy không phải là trang trại lớn nhất, nhưng NutiMilk đang sở hữu điều kiện tự nhiên và thời tiết  tốt nhất để nuôi bò sữa khi nằm ở cao nguyên Gia Lai với nhiệt độ quanh năm 21 - 25 độ C, phù hợp cho bò sữa sinh sống, khu vực tách biệt với cuộc sống của dân cư xung quanh, không khí trong lành, không ô nhiễm, nước sạch, đất sạch, cỏ sạch và sản lượng sạch.

Trong khi đó, để cạnh tranh trong thị trường sữa bột, bà Lệ cho biết, Công ty đã đầu tư vào thị trường Mỹ và châu Âu, có nhà máy và Viện Nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood tại Thuỵ Điển nhằm phát triển các công thức dinh dưỡng, ứng dụng các tiến bộ khoa học về dinh dưỡng của châu Âu và thế giới vào các nhà máy nội địa, nhưng phù hợp với thể trạng đặc thù của trẻ em và người tiêu dùng Việt Nam.

Quan trọng hơn, giá cả của Nutifood cũng sẽ phù hợp hơn nhờ việc tối ưu chi phí trong chuỗi cung ứng. Thứ đến do là hàng sản xuất trong nước nên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng sẽ sớm và đảm bảo hạn sử dụng dài.

Tận dụng EVFTA, các sản phẩm sữa của EU tràn vào Việt Nam, nhưng nhờ sự chuẩn bị từ trước, nên các doanh nghiệp sữa nội địa vẫn tự tin cạnh tranh.

“Với sự chuẩn bị từ rất sớm cùng các sản phẩm chất lượng tương đương sữa ngoại nhập, điển hình như sữa tươi NutiMilk 100 điểm có hàm lượng dinh dưỡng 3,5g đạm và 4g béo trong 100ml theo mức chuẩn cao của thế giới vừa ra mắt, chúng tôi cạnh tranh sòng phẳng với các công ty sữa nước ngoài, trong đó có châu Âu”, bà Trần Thị Lệ nói.

Trong khi đó, với vị thế dẫn đầu ngành sữa, Vinamilk đã tăng thị phần sau thương vụ mua lại 75% cổ phần GTNFoods, chi phối sữa Mộc Châu với quy mô 25.000 con bò. Theo SSI, Vinamilk và Mộc Châu đã tăng trưởng doanh thu nội địa 2,5% và 9,7% trong nửa đầu năm 2020. Đây là kết quả khả quan so với các công ty cùng ngành.

Vinamilk vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 5,7% và 1% trong năm 2020, tương đương với doanh thu 59.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

“Phương châm hoạt động của tôi mấy chục năm nay là bao giờ cũng phải đi bằng hai chân. Chân ở nội địa phải vững chắc, đáp ứng nhu cầu cho người dân rồi mới tính đến chuyện vươn ra nước ngoài”, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nói.

Dù không chia sẻ cụ thể về kế hoạch của Công ty sau khi EVFTA có hiệu lực, song các động thái của doanh nghiệp này cho thấy, họ không có ý định để đối thủ giành thị phần trên sân nhà thông qua việc liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm cao cấp trên cả hai phân khúc sữa bột và sữa nước như sữa bột trẻ em và bột ăn dặm Organic Gold, sữa bột Dielac Grow plus có tổ yến, các sản phẩm sữa đậu nành hạt, sữa gạo…

Song song đó, bên cạnh hệ thống phân phối có độ phủ lớn nhất thị trường, Vinamilk cũng tích cực đầu tư vào kênh thương mại điện tử Giấc mơ sữa Việt trong hơn 3 năm qua. Theo báo cáo Dấu chân thương hiệu (Brand Footprint) của Kantar Wolrdpanel, Vinamilk là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Với thành tích này, Hội đồng thẩm định Kantar Worldpanel cho rằng, nhà sản xuất sữa này đã tiếp cận hơn 80% hộ gia đình Việt Nam.

“Đi từ con số 0, đến bây giờ vừa có trang trại, làm chủ nguồn nguyên liệu và hệ thống nhà máy công nghệ hiện đại, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và gia tăng thị phần. Đến hôm nay, mọi kế hoạch vẫn đang đúng tiến độ”, bà Mai Kiều Liên nói.

Để đảm bảo biên lợi nhuận, các "ông lớn" ngành sữa đều đã tăng giá bán
Theo số liệu của Euromonitor, tổng quy mô thị trường sữa Việt Nam năm 2019 đạt 121.000 tỷ đồng, tăng 8,9%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư