Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Kinh tế gia cấp cao của ADB phân tích về nhiệm vụ ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Baodautu.vn - 28/05/2017 08:47
 
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Dominic Mellor, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã viết riêng cho Báo Đầu tư bài phân tích về nhiệm vụ ưu tiên này.
TIN LIÊN QUAN

Kể từ khi tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng và trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. GDP của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng bình quân 7%/năm trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khiến các yếu kém về cấu trúc trong nền kinh tế Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ hơn.

.
Ông Dominic Mellor, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Vậy cần phải làm gì để đẩy mạnh cải cách kinh tế ở Việt Nam?

Câu trả lời là, Việt Nam cần một khu vực kinh tế tư nhân năng động và sáng tạo hơn, được truyền lửa bởi doanh nghiệp trong nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất có thể tiếp tục là nguồn tạo việc làm và đầu tư đáng kể trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam mới có thể đáp ứng được “cơn đói” công nghệ và sáng tạo, cũng như cải thiện năng suất.

May mắn là người Việt Nam có tinh thần doanh nhân rất cao. Khi có chính sách ưu đãi để sáng tạo, họ sẽ dám đương đầu với mọi thử thách.

Chính phủ đã thừa nhận tầm quan trọng của các DNNVV. Nghị quyết 35/NQ-CP (ban hành vào tháng 5/2016) đã đặt ra mục tiêu phải xây dựng được đội ngũ DNNVV là 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu này. Đến nay, mới có dưới 600.000 DNNVV được thành lập.

Điều đó không phải là do Chính phủ không nỗ lực, mà trên thực tế, Chính phủ đã có nhiều kế hoạch và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV và các kế hoạch thực hiện luật mới này cũng đang được phát triển. Các thành phố lớn, như TP.HCM, Đà Nẵng… đã có những khung khổ và các kế hoạch hành động 5 năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo.

Các sáng kiến của Chính phủ nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân đã đem lại nhiều kết quả khả quan khi các sáng kiến này nhận được các ý tưởng và đề xuất từ các doanh nghiệp tư nhân. Dẫu vậy, trong nhiều năm qua, DNNVV đã phải vật lộn và rất nỗ lực để có thể đem được tiếng nói của mình tới các diễn đàn đối thoại công - tư. Tuy nhiên, các chính sách của Chính phủ cũng không thể dỡ bỏ hết tất cả rào cản đối với doanh nghiệp và sáng tạo. DNNVV cũng cần tiếp cận tốt hơn đối với các nguồn lực tài chính.

Sản xuất vỏ họp đựng linh kiện cho Samsung tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê (Hải Dương). Ảnh: Đ.T
Sản xuất vỏ họp đựng linh kiện cho Samsung tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê (Hải Dương). Ảnh: Đ.T

Không giống với các nền kinh tế phát triển, ngân hàng tại Việt Nam không thể cung cấp tín dụng nếu người vay không có tài sản thế chấp. Do vậy, DNNVV Việt Nam phải tìm đến các nguồn tài chính ngoài ngân hàng để vay vốn và phát triển. Nhưng các nguồn tài chính này lại khá hạn chế, chủ yếu là các khoản vay từ bạn bè, gia đình, hay các mạng lưới cộng đồng.

Nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân năng động, thì doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển được năng lực và sức sáng tạo của mình. Việt Nam đã xếp thứ 59/128 trong Bảng Chỉ số sáng tạo toàn cầu năm 2016. Việc phát triển Việt Nam thành nền kinh tế sáng tạo cấp 1 sẽ giúp các doanh nghiệp tìm được các thị trường quốc tế, bảo vệ được các sản phẩm sáng tạo từ sự cạnh tranh bên ngoài và thu hút được đầu tư nước ngoài.

Để làm được điều đó, Việt Nam phải giải quyết được những yếu kém ở khâu thể chế. Bảng Chỉ số Sáng tạo toàn cầu năm 2016 chỉ xếp hạng năng lực sáng tạo ở Việt Nam ở mức 101/128 và các doanh nghiệp tư nhân chỉ đầu tư khoảng 3% ngân sách của mình cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đã bắt đầu thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhiều vườn ươm công nghệ và các chương trình đã được thành lập nhằm giúp các doanh nghiệp này phát triển. Tuy vậy, các doanh nghiệp này vẫn chưa thể xây dựng được bản sắc chung hoặc tạo dựng được một chỗ đứng trên toàn cầu. Thay vào đó, phần lớn các doanh nghiệp này và các DNNVV đang thực hiện các dự án nhỏ lẻ, hoặc chỉ áp dụng các dịch vụ online và phần mềm nước ngoài vào thị trường nội địa.

Trên thực tế, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này thông qua việc ban hành các chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào R&D và chuyển giao công nghệ. Song Chính phủ cũng cần hành động quyết liệt hơn trong việc đơn giản hóa các thủ tục cấp phép và giảm thiểu các gánh nặng về hành chính cho DNNVV.

Với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp và DNNVV phải tận dụng được các lợi thế từ các doanh nghiệp nhà nước và các dự án đầu tư nước ngoài. Chỉ có DNNVV mới có năng lực sáng tạo nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam.

Các chính sách của Chính phủ được ban hành sau khi thực hiện các cuộc đối thoại với khu vực tư nhân có thể giúp DNNVV phát triển thông qua việc giảm thiểu gánh nặng về tuân thủ và hành chính, hỗ trợ phát triển kinh doanh tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận tốt hơn các nguồn tài chính mới, giúp họ cải thiện năng lực sáng tạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư