Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có sự chuyển biến về lượng và chất
Thu Phương - 20/07/2019 16:18
 
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển kinh tế tập thể, bức tranh kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã có những sự chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.
.
Sau 15 năm doanh thu trung bình của các hợp tác xã đạt trên 1,6 tỷ đồng/năm.

Ngày 20/7 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng; Mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp phát triển đa dạng, sáng tạo mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đến ngày 30/6/2019, cả nước đã có 14.502 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 63% tổng số HTX cả nước). Đáng chú ý trong đó, có 55% tổng số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng các HTX kiểu mới rất nhanh. 

Doanh thu trung bình của các hợp tác xã đạt trên 1,6 tỷ đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 203 triệu đồng/năm. Các hợp tác xã nông nghiệp đang tạo việc làm cho gần 3,8 triệu lao động, với mức tăng thu nhập ước tính khoảng 14%.

Đáng chú ý, số thành viên hợp tác xã là doanh nghiệp (pháp nhân) đã tăng lên 543 doanh nghiệp. Mô hình hoạt động của các hợp tác xã ngày một đa dạng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và thị trường. Nhiều hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất với chế biến, tiên thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của ngành nông nghiệp nông thôn thời gian qua vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. 

.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã có nhiều chính sách nhưng ở một số địa phương chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Trong khi đó, hợp tác xã là đối tượng yếu thế vì không phải là doanh nghiệp; tôn chỉ và mục đích của hợp tác xã không chỉ hoạt động về kinh tế mà hình thức kinh tế này còn liên quan chặt chẽ về mặt xã hội và phúc lợi khác của chính thành viên hợp tác xã và của cộng đồng. Đây chính là điểm tựa của sự phát triển bền vững ở các khu vực với các quy mô đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kém lợi thế rất cần hình thức này.

“Vì vậy chính sách phải rõ hơn hiệu quả và khả thi như vậy chúng ta mới đạt được mục tiêu phát triển "không để ai bị bỏ lại phía sau". Thứ hai đây là bức tranh hài hòa của đa thành phần kinh tế và cũng là một lợi thế của kinh tế nông nghiệp mà quy mô hộ vẫn nhỏ lẻ là chính thì dạng hình này là lợi thế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổng kết hội nghị 

Tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã thời gian qua.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg; nghiên cứu bố trí nguồn vốn riêng để thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. ngân hàng Nhà nước ViệtNam rà soát, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Liên minh hợp tác xã Việt Nam xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả thấp… 

Đối với các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách của Chình phủ. Đặc biệt là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp.

Trọng tâm là nghiên cứu xây dựng các nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với yêu cầu và điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ, thành viên của hợp tác xã. Tiếp tục thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc cho hợp tác xã. Thành lập các nhóm chuyên gia để hỗ trợ, tư vấn cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Các bộ ngành, địa phương cũng cần tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và thị trường để hỗ trợ các mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Trợ giúp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng các mô hình hợp tác xã  kiểu mới ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và sản xuất kinh doanh. Mặt khác, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ… 

Kinh tế tập thể dần vượt qua suy thoái
() Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Minh Tú nhận định, chỉ mới đi vào cuộc sống chưa đầy 20 tháng, nhưng Luật Hợp tác xã đã bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư