Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Kinh tế hợp tác từng bước hoạt động đúng bản chất
Mạnh Bôn - 09/10/2019 15:14
 
Từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX tăng nhanh qua từng năm. Nếu như năm 2003 chỉ có thêm 969 HTX thành lập mới thì đến năm 2018 con số này là 2.520 đơn vị. Các HTX thu hút 1,2 triệu lao động, tăng 157.000 người so với năm 2003. Quan trọng hơn, kinh tế hợp tác đã từng bước hoạt động đúng bản chất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức họp báo giới thiệu về Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XI về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Diễn đàn kinh tế hợp tác và HTX năm 2019 (tổ chức vào ngày 14/10/2019).

Trên 57% số HTX hoạt động hiệu quả

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng 22.860 HTX, trong đó có 13.860 HTX nông nghiệp, còn lại là phi nông nghiệp, thu hút khoảng 6 triệu thành viên tham gia. So với năm 2013, số lượng HTX tăng thêm 8.500 đơn vị nhưng số thành viên lại giảm 358.000 người. Trong đó, giai đoạn 2013-2018 (thực hiện Luật HTX năm 2012) thành lập mới 11.200 HTX, giải thể 5.980 đơn vị.

Trong 5 năm trở lại đây, từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX tăng nhanh qua từng năm. Nếu như năm 2003 chỉ có thêm 969 HTX thành lập mới thì đến năm 2018 con số này là 2.520 đơn vị, tức là tăng gấp 2,6 lần. Các HTX thu hút 1,2 triệu lao đọng, tăng 157.000 người so với năm 2003.

“Kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, số lượng HTX hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX. Doanh thu bình quân năm 2018 mỗi HTX đạt hơn 4.477 triệu đồng, tăng gấp gần 5,2 lần so với năm 2003. Cùng với doanh thu, lợi nhuận của HTX cũng tăng lên từ 74 triệu đồng năm 2003 lên 240,5 triệu đồng vào năm 2018; thu nhập của người lao động cũng tăng từ 15,7 triệu đồng/người/tháng lên 36,6 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục Phát triển HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Võ Thành Thống, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 5, khu vực HTX đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng, miền; chất lượng hoạt động được cải thiện. Đặc biệt, khu vực kinh tế hợp tác từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên.

Cũng theo ông Thống, quy mô vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng, nhiều đơn vị có quy mô toàn xã, toàn huyện; nhiều loại hình mới được thành lập như HTX dịch vụ môi trường, trường học, y tế… Không ít HTX có đội ngũ cán bộ lãnh đạo tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khác với hộ gia đình, cá nhân làm ăn nhỏ lẻ, thông qua HTX, các thành viên được sự hỗ trợ của Nhà nước; của các chương trình, dự án phá triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó, thu nhập của thành viên cũng như người lao động được cải thiện, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

“Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, kinh tế hợp tác phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường”, ông Thống lưu ý.

HTX không phải bị điều chỉnh bởi “một rừng luật”

Hiện tại có 29 nghị định quy định các vấn đề liên quan đến kinh tế tập thể. Theo bà Nguyễn Thị Vinh, Trưởng phòng Phát triển HTX, Cục Phát triển HTX, số lượng văn bản hướng dẫn không phải là quá nhiều, không phải kinh tế tập thể phải chịu sự điều chỉnh bằng cả “một rừng văn bản quy phạm pháp luật”.

“Trên thực tế chỉ có một nghị định duy nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến HTX là Nghị định 193/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật HTX (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 107/2017/NĐ-CP), còn các nghị định khác liên quan đến vấn đề đất đai, tín dụng, thuế khóa… là quy định chung cho các lĩnh vực, trong đó có HTX chứ không phải chỉ quy định cho HTX”, bà Vinh giải thích.

“Qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chúng tôi sẽ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến kinh tế tập thể xem quy định nào cần thiết thì giữ, quy định nào không cần thiết thì bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của kinh tế tập thể”, ông Thống cho biết và khẳng định: “Kinh tế hợp tác không phải bị điều chỉnh bởi cả một rừng luật”.

Tham gia HTX, thành viên được hưởng lợi

Đến từ Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX Dịch vụ nông nhiệp Nhân Lý cho biết, từ kinh nghiệm 22 năm liên tục làm lãnh đạo HTX, bà thấy rằng tham gia vào HTX, các thành viên là người được hưởng lợi rất lớn.

Là “nông dân chính hiệu”, bà Hương tính toán, tổng số chi phí cày bừa, cấy gặt, làm cỏ, bón phân… bình quân mỗi sào phải mất 900.000 - 1.000.000 đồng/vụ, nhiều khi vào thời vụ, để thuê lao động gặt hái, cày bừa… người nông dân phải bỏ ra 300-400.000 đồng/ngày công, thậm chí còn không thuê được. Vì vậy, năm 2016, HTX Nhân Lý mạnh dạnh huy động thành viên góp vốn, ai không có tiền thì “cắm” sổ đỏ ngân hàng vay vốn góp vào HTX để trang bị một loạt máy móc nông nghiệp. HTX sử dụng chính máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến này cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho nông dân với chi phí bằng một nửa.

“Một người, một nhóm người không đủ tiền mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nếu có mua được thì hiệu quả hoạt động rất thấp nhưng cùng nhau góp vốn thì hiệu quả cao hơn rất nhiều. Người nông dân không chỉ giảm được chi phí đầu tư mà còn tăng được năng suất lao động, tăng được hiệu quả sản xuất nhờ cấy cày, gặt hái, đúng thời vụ”, bà Hương nhấn mạnh.

Tham gia HTX thành viên được hưởng rất nhiều lợi ích, vì vậy, bà Hương cho biết, 100% thành viên sử dụng tất cả dịch vụ do HTX cung cấp, không chỉ dịch vụ cày cấy, gieo trồng, thu hoạch mà cả phân bón, giống vật nuôi, cây trồng; đâu vào cùng mua của HTX, sản phẩm đầu ra cùng bán cho HTX, không sợ bị mua đắt, bán rẻ, yên tâm về chất lượng nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp cao hơn rất nhiều.

“Rất khó để động viên, khuyến khích người nông dân cùng trồng một loại cây trồng, vật nuôi, cùng nhau không sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật quá mức để bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhưng khi đã tham gia HTX, tất cả các thành viên đều có ý thức làm những việc này mà không cần phải động viên, khuyến khích vì họ biết rõ lợi ích mà họ được hưởng khi cùng nhau làm việc dưới mái nhà chung là HTX”, bà Hương nhấn mạnh.

“HTX hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn như đất đai, tài chính, tiếp cận vốn tín dụng, khoa học-kỹ thuật… và nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của HTX chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, có nhiệt huyết nhưng không có trình độ vì không được đào tạo bài bản. Chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực là cán bộ của HTX. Nếu có những người có kinh nghiệm, trình độ, được đào tạo cơ bản cộng thêm tâm huyết thì chắc chắn mô hình HTX sẽ thành công, Luật HTX năm 2012 chắc chắn đi vào cuộc sống”, bà Hương chia sẻ.

Nguy cơ giải thể hàng loạt quỹ hỗ trợ HTX
Hiện chỉ có khoảng 1% hợp tác xã (HTX) có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Chính vì vậy, rất nhiều HTX đang trông chờ sự hỗ trợ vốn từ hệ thống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư