Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế tăng tốc, hứa hẹn đạt mức tăng trưởng cao
Hà Nguyễn - 02/03/2018 08:22
 
Còn một tháng nữa mới kết thúc quý I/2018, song những diễn biến tích cực của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm đã hứa hẹn về tốc độ tăng trưởng khá cao trong quý đầu năm.
TIN LIÊN QUAN

Kinh tế tăng tốc

Đã qua 2 tháng đầu năm 2018, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2018 ngày hôm qua (1/3), cụm từ được nhắc tới là “vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017”.

Thực tế, nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng tốc khá mạnh mẽ, khi tất cả các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiêu dùng, xuất khẩu, thành lập doanh nghiệp… đều có mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất thiết bị điện tại Nhà máy Điện cơ Đông Anh. Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất thiết bị điện tại Nhà máy Điện cơ Đông Anh. Ảnh: Đức Thanh

Cần nhắc lại một điều rằng, một tháng trước đây, khi các số liệu thống kê về kinh tế - xã hội tháng 1/2018 được công bố, dù tất cả các chỉ số đều tăng mạnh so cùng kỳ, nhưng cũng không đủ để khẳng định xu thế đi lên của nền kinh tế. Năm ngoái, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, còn năm nay, lại rơi vào tháng 2, nên sẽ là khập khiễng khi so sánh. Nhưng giờ thì đã có thể tính chung 2 tháng và có thể thấy khá rõ nét xu hướng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng tốc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm nay tăng 15,2% so với cùng kỳ, cao gấp 6 lần so với mức tăng chỉ 2,4% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm nhấn vẫn tiếp tục nằm ở ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, tăng tới 17,7%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5,3%.

Khu vực dịch vụ cũng rất tích cực, khi tính chung 2 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá vẫn còn tăng 8,7%, cao hơn tới 3,6 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục đà tăng tốc ấn tượng của xuất khẩu năm 2017, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tiếp tục bứt phá, ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là, nếu như năm ngoái, vào thời điểm này, nền kinh tế nhập siêu gần 50 triệu USD, thì năm nay đang xuất siêu hơn 1 tỷ USD.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2018, các thành viên Chính phủ đều khẳng định, đây chính là một điểm sáng của nền kinh tế.

Những điểm sáng khác của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2018 còn được Chính phủ nhấn mạnh ở mức tăng 29,7% của khách quốc tế đến Việt Nam (đạt trên 2,86 triệu lượt), hay con số trên 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 29,4% về số doanh nghiệpvà 29,3% về vốn đăng ký, cũng như con số gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Điều đáng mừng hơn nữa, là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định vững chắc, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng bình quân 2,9%, trong khi cùng kỳ tăng tới 5,12%.

Chờ đợi gì ở năm 2018?

Với những kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng cao hơn của nền kinh tế trong năm 2018, trước mắt là trong quý I/2018.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm, dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, song vẫn rất tích cực, đạt 3,34 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 9,7% so với cùng kỳ, trong khi cùng thời điểm năm ngoái, mức tăng chỉ là 3,3%.

Chưa thể đưa ra những dự báo cụ thể, nhưng nhìn vào các chỉ số sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiêu dùng, xuất khẩu, thành lập doanh nghiệp…, thì khả năng rất lớn là quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn mức tăng 5,15% của cùng kỳ, tạo đà cho tăng trưởng các quý sau, nhằm đưa nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Thực tế, sau mức tăng trưởng 6,81% của năm 2017, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2018 ở mức cao hơn, chứ không phải là 6,5 - 6,7%. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần phải tỉnh táo và thận trọng trong mỗi bước đi.

“Nếu chưa nhìn thấy những đột phá lớn của năm 2018, sẽ khó có thể đưa ra mục tiêu một cách đơn giản là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Thêm nữa, khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7% là Chính phủ đã tính tới yếu tố nâng cao chất lượng tăng trưởng, cũng như các yếu tố dài hạn hơn”, ông Phương nói.

Bởi thế, dù những chỉ số kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm là tích cực và mang lại tâm thế lạc quan cho nền kinh tế, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng, phải hết thức thận trọng và nỗ lực thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.

“Trong bối cảnh kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm ổn định, tháng 3 là tháng cuối cùng của quý I, do vậy phải hết sức tập trung và tích cực triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là các công việc còn tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quý I và cả năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Còn Thủ tướng Chính phủ, trong bài viết về tình hình kinh tế vĩ mô, công bố ngay trước phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2018, đã khẳng định, việc điều hành kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt giữa các công cụ chính sách, cả về mức độ, liều lượng và thời gian thực hiện.

Theo Thủ tướng, năm 2018, chính sách tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, đặc biệt trong việc điều hành cung tiền, tín dụng, lãi suất, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công một cách hài hòa, hợp lý. “Bài học lạm phát gắn với khủng hoảng nợ công ở nhiều nước là những kinh nghiệm sâu sắc trong điều hành kinh tế vĩ mô. Việc tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng đòi hỏi điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức linh hoạt, đặc biệt là trung hòa ngoại tệ, tránh gây sức ép lạm phát mà chúng ta đã gặp phải vào đầu năm 2008 khi một lượng lớn ngoại tệ đổ vào nước ta, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao, tích lũy trong một thời gian dài”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư