Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế thế giới với 3 mối lo lớn
Đông Phong - 21/10/2024 17:34
 
Tuần này, các quan chức tài chính hàng đầu sẽ tụ họp tại Washington trong lúc bất ổn chiến sự ở Trung Đông và châu Âu, kinh tế Trung Quốc chững lại, cùng với khả năng kết quả bầu cử Mỹ có thể châm ngòi cho cuộc thương chiến mới.
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 được cho là vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Ảnh tư liệu: AFP
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 được cho là vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Ảnh tư liệu: AFP

Bầu cử Mỹ là vấn đề quan trọng nhất

Các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến thu hút hơn 10.000 người từ các bộ tài chính, ngân hàng trung ương và các tổ chức nghiên cứu tham dự và cùng thảo luận về các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu không đồng đều, giải quyết tình trạng nợ nần và cấp vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải trong phòng họp là khả năng ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, làm đảo lộn hệ thống kinh tế quốc tế bằng các mức thuế quan và vay nợ mới khổng lồ của Mỹ, đồng thời chuyển hướng khỏi hợp tác về khí hậu.

"Có thể nói kết quả bầu cử Mỹ là vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, dù không nằm trong chương trình nghị sự chính thức tuần này, nhưng nó lại nằm trong tâm trí của mọi người", ông Josh Lipsky, cựu quan chức IMF và hiện là người đứng đầu Trung tâm Địa kinh tế thuộc tổ chức think tank mang tên Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), cho biết.

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 "có tác động rất lớn đến chính sách thương mại, tương lai của đồng đô la Mỹ, ai sẽ là Chủ tịch tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tất cả những điều đó đều tác động đến mọi quốc gia trên thế giới", ông Lipsky nói thêm.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ, phần lớn được kỳ vọng sẽ kế nhiệm chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc nối lại hợp tác đa phương về các vấn đề khí hậu, thuế và giảm nợ nếu bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11.

Các cuộc họp của IMF và WB sẽ bắt đầu vào ngày 21/10 và diễn ra sôi nổi đến ngày 26/10 và có khả năng đây sẽ là cuộc họp cuối cùng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người đi đầu trong nhiều nỗ lực kinh tế và khí hậu đa phương của chính quyền Tổng thống Biden.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Yellen cho biết "có lẽ sẽ hoàn thành" công việc phục vụ công chúng vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden vào tháng 1 năm sau.

Các vấn đề thương mại với Trung Quốc và các kế hoạch chính sách công nghiệp từ các quốc gia giàu có, chẳng hạn như việc chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh đến áp thuế quan mạnh tay đối với xe điện, chất bán dẫn và các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc, dự kiến sẽ là chủ đề thảo luận chính tại các cuộc họp thường niên lần này của IMF và WB.

Triển vọng tăng trưởng mờ nhạt

IMF sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng toàn cầu vào ngày mai (22/10). Tuần trước, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã lưu ý về triển vọng kinh tế ảm đạm khi cho rằng, thế giới đang gánh chịu mức nợ cao và triển vọng tăng trưởng trung hạn chậm lại và đối diện với một "tương lai khó khăn".

Tuy nhiên, Tổng giám đốc IMF cho biết bà "không quá bi quan" về triển vọng này khi xét đến những điểm phục hồi, đặc biệt là ở Mỹ và Ấn Độ đang bù đắp cho sự suy giảm ở Trung Quốc và châu Âu.

Trong khi tình trạng vỡ nợ ở các nước nghèo có thể đã đạt đỉnh, những người tham gia các cuộc họp thường niên 2024 của IMF và WB dự kiến sẽ thảo luận về tình trạng khan hiếm thanh khoản ngày càng gia tăng và đang buộc một số thị trường mới nổi đang gánh chịu chi phí dịch vụ nợ cao phải trì hoãn các khoản đầu tư phát triển khi viện trợ nước ngoài giảm.

Các cuộc họp thường niên 2023 của IMF và WB diễn ra tại Morocco khi phiến quân Hamas tấn công Israel, làm hơn 1.200 người thiệt mạng và gây ra các cuộc xung đột khiến số người thiệt mạng lên tới hơn 40.000 người ở Dải Gaza, Reuters dẫn số liệu của cơ quan y tế Palestine.

Thiệt hại kinh tế phần lớn chỉ giới hạn ở các nền kinh tế trong hoặc liền kề với cuộc xung đột: Dải Gaza, Bờ Tây (Trung Đông), Israel, Lebanon, Ai Cập và Jordan.

"Nếu có sự leo thang gây nguy hiểm cho việc cung cấp dầu khí, điều đó có thể gây ra tác động lan rộng hơn nhiều đối với nền kinh tế thế giới", bà Georgieva nói với Reuters.

Viện trợ cho Ukraine cũng sẽ là chủ đề chính tại các cuộc họp lần này, vì các nền kinh tế hùng mạnh của G7 đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận chính trị vào cuối tháng 10 về việc cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine. Khoản vay này, được bảo đảm bằng tài sản của Nga bị đóng băng, được coi là thành trì tài chính chống lại thắng lợi có thể xảy ra của ông Trump vào tháng tới, vì cựu tổng thống Mỹ đã đe dọa sẽ "rút khỏi Ukraine".

"Thế giới là thế giới ngay lúc này. Và thay vì dùng các cuộc họp để thảo luận về những gì chúng ta dường như đã biết - tức là ngưỡng mộ vấn đề - tôi muốn tổ chức các cuộc họp thường niên để làm điều gì đó về những gì chúng ta có thể làm với tư cách là các tổ chức", Chủ tịch WB Ajay Banga cho biết.

Kinh tế thế giới có thể "hạ cánh mềm" với kịch bản giá dầu 60 USD/thùng?
Các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ có lý do mới để tin vào đà tăng trưởng vững chắc hơn trong năm tới, nếu một số dự báo "bi quan"...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư