Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Kinh tế thế giới có thể "hạ cánh mềm" với kịch bản giá dầu 60 USD/thùng?
Đông Phong - 12/09/2024 11:56
 
Các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ có lý do mới để tin vào đà tăng trưởng vững chắc hơn trong năm tới, nếu một số dự báo "bi quan" nhất về thị trường dầu mỏ thành hiện thực.
Giá dầu giảm về mức 60 USD/thùng có thể giúp “hạ nhiệt” lạm phát toàn phần và mang lại cho người tiêu dùng một khoản thu nhập khả dụng. Ảnh: Delil Souleiman/AFP
Giá dầu giảm về mức 60 USD/thùng có thể giúp "hạ nhiệt" lạm phát toàn phần và mang lại cho người tiêu dùng một khoản thu nhập khả dụng. Ảnh: Delil Souleiman/AFP

Xác suất "hạ cánh mềm" tăng lên

Giá dầu thô Brent thế giới, vào ngày 10/9, đã lao dốc xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021. Biến động này được cho là đủ thuyết phục các nhà hoạch định chính sách "bật đèn xanh" cho việc cắt giảm lãi suất. Cần lưu ý rằng, giá dầu tăng vọt thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính gây ra cú sốc năng lượng, dẫn đến cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất vài thập kỷ.

Các nhà phân tích từ Citigroup đến JPMorgan Chase đặt nhiều hy vọng về kịch bản giá dầu thế giới giảm về 60 USD/thùng vào năm 2025 và triển vọng này đã được nhắc lại vào đầu tuần này. Nó có thể củng cố thêm khả năng để Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác vượt qua tác động của lãi suất cao mà không bị suy thoái kinh tế.

"Xác suất hạ cánh mềm sẽ tăng lên - điều này đúng với cả châu Âu và Mỹ", ông Tim Drayson, giám đốc kinh tế tại công ty quản lý tài sản Legal & General Investment Management (Vương quốc Anh) và là cựu quan chức Bộ Tài chính Anh cho biết.

"Nhìn chung, việc đưa lãi suất giảm trở lại và giúp các ngân hàng trung ương trở về mức lãi suất trung lập sẽ mang lại lợi ích ròng cho thế giới", ông Drayson nhận định.

Đối với các ngân hàng trung ương chuẩn bị cắt giảm lãi suất trong tháng này, thông tin giá dầu lao dốc những ngày qua đã mở rộng cánh cửa để họ nới lỏng tiền tệ.

Các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến công bố đợt giảm lãi suất lần thứ hai vào ngày 12/9 (giờ châu Âu), trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ kích hoạt chu kỳ nới lỏng tiền tệ của riêng mình khoảng một tuần sau đó.

Giá dầu giảm về mức 60 USD/thùng có thể giúp "hạ nhiệt" lạm phát toàn phần và mang lại cho người tiêu dùng một khoản thu nhập khả dụng. Đó là một điểm sáng hiếm hoi trong một thế giới đầy rẫy những rủi ro, từ khả năng xảy ra chiến tranh thương mại cho đến lo ngại về tác động của vòng xoáy giảm phát của Trung Quốc đến nhu cầu toàn cầu.

"Điều này rất hữu ích, đặc biệt là đối với các ngân hàng trung ương", ông Christof Ruehl, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, đánh giá. "Điều này giúp giảm áp lực lạm phát, đây chính xác là điều mà các ngân hàng trung ương cần hiện nay", ông Ruehl nói thêm.

Các nhà phân tích tại JPMorgan và Citigroup dự đoán giá dầu sẽ giảm thêm vào năm tới, vì nhu cầu tăng trưởng yếu ớt bị lấn át bởi nguồn cung mới dồi dào.

Giá dầu thô Brent "có thể sẽ sớm đạt mức 60 USD/thùng", ông Ben Luckock, giám đốc dầu mỏ toàn cầu tại công ty kinh doanh kim loại và năng lượng Trafigura, dự đoán. Trong khi đó, Gunvor Group Ltd., một công ty giao dịch dầu mỏ lớn khác, cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ sẽ "xấu đi".

Nhu cầu suy yếu là một trong các biến số, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ mất đà và tình hình giảm phát của Trung Quốc ngày càng rõ rệt hơn.

"Nó chỉ ra hướng đi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới", bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA, nhìn nhận. Trung Quốc "đang trong tình trạng giảm tốc về mặt cấu trúc, và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Và tiếp đến, Mỹ cũng đưa ra cùng một nhận định - có thể không phải về mặt cấu trúc nhưng theo chu kỳ".

Nguồn cung dầu mỏ tăng mạnh

Nền kinh tế Mỹ cho thấy những dấu hiệu suy yếu, ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này vẫn trong tình trạng sức khỏe tồi tệ.

Sản lượng dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm sau, vượt quá mức tăng trưởng nhu cầu thế giới khoảng 50%, đóng góp nhiều nhất vào sản lượng chung là các mỏ dầu đá phiến của Mỹ, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Sự gia tăng nguồn cung này là một lý do khiến giá dầu tiếp tục giảm mặc dù Saudi Arabia và các đồng minh trong liên minh OPEC+ đã kéo dài việc cắt giảm sản lượng.

Dầu thô có tầm quan trọng lâu dài đối với giá cả các mặt hàng tiêu dùng trên toàn cầu. Giá dầu thô giảm nhanh xuống còn 60 USD/thùng, tức là giảm khoảng 20 USD kể từ tháng 7, sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể.

Theo mô hình phân tích vĩ mô SHOK của Bloomberg Economics, giá dầu giảm ngay lập tức về 60 USD/thùng sẽ kéo giảm 0,4 điểm phần trăm trong tỷ lệ lạm phát của Mỹ và châu Âu vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Đối với Trung Quốc, mức giảm sẽ bằng một nửa.

Tác động kích thích tức thời của giá dầu sụt giảm đến tăng trưởng kinh tế có thể ít hơn đến giá tiêu dùng. Theo kịch bản giá dầu đạt 60 USD/thùng, mô hình SHOK dự đoán triển vọng tăng trưởng của Mỹ sẽ không thay đổi nhiều trong khi tăng trưởng của Vương quốc Anh và Eurozone sẽ tăng thêm 0,2 điểm phần trăm.

"Bạn sẽ thấy tác động trong ngắn hạn đối với lạm phát toàn phần - điều đó sẽ diễn ra khá nhanh", bà Hetal Mehta, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại công ty tư vấn tài chính St James Place, bình luận. "Tác động đến tăng trưởng sẽ là mức hỗ trợ nhẹ - nếu bạn có lạm phát thấp hơn", bà Mehta nói thêm.

Trong khi đó, ông Drayson từ công ty quản lý tài sản Legal & General Investment Management, cho rằng các hộ gia đình sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ hơn. "Sẽ có những mặt tích cực đối với người tiêu dùng ở thị trường phát triển - điều này sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát và tăng thu nhập thực tế", ông Drayson lưu ý.

Với quyết định lãi suất vào ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ là cơ quan tiền tệ lớn đầu tiên trên thế giới phải đối mặt với diễn biến nhanh chóng trên thị trường dầu mỏ. Mối lo ngại lớn nhất của các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu là những nguy cơ do lạm phát dịch vụ gây ra, hiện vẫn đang ở mức cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của họ, trong khi đó những rủi ro đối với tăng trưởng cũng đang chuyển hướng.

Dầu thô rẻ hơn sẽ chi phối các dự báo hàng quý mà Ngân hàng Trung ương châu Âu tham khảo khi ra quyết định chính sách. Lần trước, vào tháng 6, các quan chức ECB đã đưa ra giả định giá dầu thô ở mức 78 USD/thùng cho năm 2025 và họ cho rằng kết quả là 60 USD/thùng thực sự sẽ tác động giảm nghiêm trọng đến triển vọng lạm phát của họ nếu kịch bản này trở thành hiện thực.

Còn tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen mới đây đánh giá rằng tình hình ở đó "là điều mà hầu hết mọi người gọi là hạ cánh mềm". Nhưng chính nỗi lo về một nền kinh tế suy yếu cùng với việc giảm rủi ro lạm phát, đang khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ chuyển hướng sang nới lỏng trong quyết định lãi suất của họ vào ngày 18/9.

Bà Freya Beamish, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô TS Lombard (Vương quốc Anh), người đã nhìn thấy kịch bản "hạ cánh mềm" sẽ xảy ra ở Mỹ, cho rằng có thể an tâm khi giá dầu thô ở Mỹ càng thấp thì nó càng có thể đem lại tác động kích thích nhiều hơn.

"Điều đó sẽ mang lại sức mua cho người tiêu dùng Mỹ", giúp hạn chế một số vết nứt đang xuất hiện trong nền kinh tế này, bà Beamish bình luận trên kênh truyền hình Bloomberg.

Kinh tế thế giới và những thách thức cho cuộc hạ cánh mềm
Nếu kinh tế thế giới đang hướng tới một cuộc hạ cánh mềm thì sẽ có rất nhiều mối lo trên hành trình đó và mới nhất là mối lo từ việc Iran...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư