Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng đều
Đông Phong - 28/12/2023 12:39
 
Lợi nhuận công nghiệp tháng 11/2023 của Trung Quốc tăng trưởng hai con số, trong khi bất động sản tiếp tục suy giảm, nhu cầu nội địa cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng vọt 29,5% trong tháng 11/2023. Ảnh: AFP
Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng vọt 29,5% trong tháng 11/2023. Ảnh: AFP

Lợi nhuận công nghiệp tháng 11 của Trung Quốc đạt tăng trưởng hai con số nhờ hoạt động sản xuất chế tạo được cải thiện, mặc dù nhu cầu yếu tiếp tục hạn chế kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh, theo Reuters.

Cụ thể, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11/2023 đã tăng vọt 29,5%, từ mức tăng 2,7% trong tháng 10. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn không đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục thu hẹp từ mức giảm 7,8% trong 10 tháng, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).

Yu Weining, quan chức thống kê tại Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lý giải rằng mức lợi nhuận tăng vọt trong tháng 11 được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng về lợi nhuận công nghiệp và lợi tức đầu tư.

Với một loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng được áp dụng để củng cố sự phục hồi chắp vá sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế lớn nhất châu Á được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà chính phủ đề ra cho năm nay.

Ông Chu Maohua, nhà phân tích tại Ngân hàng Everbright Trung Quốc đánh giá, sự gia tăng cả về sản lượng và lợi nhuận công nghiệp trong tháng 11 phản ánh sự cải thiện liên tục của lĩnh vực sản xuất chế tạo nói chung. Chuyên gia này cho rằng, các chính sách vĩ mô nhằm cứu trợ các nhà sản xuất công nghiệp, nền tăng trưởng thấp của năm ngoái và tính thời vụ cũng góp phần vào xu hướng tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong thời gian qua.

Giới chức Trung Quốc kỳ vọng các điều kiện kinh tế sẽ trở nên thuận lợi hơn vào năm 2024. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vẫn chưa ổn định trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản tiếp tục suy yếu, áp lực giảm phát gia tăng và nhu cầu toàn cầu thấp, đòi hỏi cần có những biện pháp kích thích mới.

Về tổng thể, lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã cải thiện nhưng không phải tất cả các phân khúc đều đang phục hồi.

Ông Chu Maohua cho rằng, sự phục hồi không đồng đều giữa các lĩnh vực vẫn còn rõ rệt. Trong khi các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ cao chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng, thì các lĩnh vực liên quan đến bất động sản vẫn bị thắt chặt do lợi nhuận sụt giảm.

Đơn cử, do cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhu cầu hạ nguồn thấp hơn dự báo, nhà sản xuất hóa chất Trung Quốc Do-Fluoride New Materials dự kiến lợi nhuận ròng năm 2023 sẽ giảm từ 68,17% đến 71,25%.

Nhà phân tích tại Ngân hàng Everbright Trung Quốc hy vọng các chính sách vĩ mô của Bắc Kinh sẽ được kết hợp “tối ưu” để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

ông Zheng Houchen, nhà kinh tế vĩ mô trưởng tại công ty chứng khoán Yingda Securities, nhận thấy hiện có rất ít cơ hội để lợi nhuận công nghiệp cả năm 2023 của Trung Quốc đạt tăng trưởng trở lại do chỉ số giá sản xuất vẫn chịu áp lực trong tương lai gần.

Theo dữ liệu phân tích, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc chứng kiến lợi nhuận giảm 6,2% trong 11 tháng đầu năm 2023, trong khi các công ty nước ngoài ghi nhận mức giảm 8,7%. Trái lại, các công ty tư nhân ước đạt tăng trưởng lợi nhuận khoảng 1,6%. Số liệu lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc được tổng hợp từ các công ty có doanh thu hàng năm ít nhất 20 triệu nhân dân tệ ( tương đương 2,80 triệu USD) từ hoạt động kinh doanh chính của họ.

Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng nhu cầu trong nước, đảm bảo phục hồi kinh tế nhanh chóng và thúc đẩy tăng trưởng ổn định, theo một báo cáo về kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc được Quốc hội nước này công bố ngày 27/12.

Ông Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết nước này sẽ "ưu tiên khôi phục và mở rộng tiêu dùng, ổn định tiêu dùng số lượng lớn và thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ". Vị này cho biết thêm Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh cải cách nhằm mở rộng tầng lớp thu nhập trung bình.

Chính phủ Trung Quốc trong những tháng gần đây đã công bố một loạt biện pháp nhằm củng cố sự phục hồi kinh tế yếu ớt sau đại dịch do bị cản trở bởi suy thoái bất động sản, rủi ro nợ của chính quyền địa phương và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Theo người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nước này sẽ tăng cường cải cách theo định hướng thị trường và mở cửa thể chế để thúc đẩy phát triển.

Bắc Kinh cũng sẽ ngăn chặn và giải quyết rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm… phối hợp giải quyết rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, vấn đề nợ của chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ.

Ông Zheng Shanjie cũng cho rằng Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển công nghệ cao để vượt qua rào cản chế xuất khẩu công nghệ do một số nước áp đặt.

"(Trung Quốc) phải đẩy nhanh những đột phá trong các công nghệ cốt lõi quan trọng, đạt được mức độ tự chủ cao về khoa học và công nghệ, đồng thời tránh để các công nghệ và ngành công nghiệp bị dậm chân ở cấp thấp và trung cấp", ông Zheng Shanjie nói thêm.

Kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, nhiều chỉ số chuyển biến tích cực
Một cuộc khảo sát chính thức cho thấy trong tháng 9, hoạt động của khu vực nhà máy tại Trung Quốc đã lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng sau 6...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư