Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam 2024: Dồn lực cho tăng trưởng
Hà Nguyễn - 04/01/2024 08:25
 
Nền kinh tế, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân bước vào năm 2024 với những kỳ vọng lớn hơn về sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng không chỉ là kỳ vọng, đó còn là nhiệm vụ sống còn khi phải làm sao thúc đẩy tăng trưởng, đưa nền kinh tế tăng tốc, bứt phá.

Điều này là cần thiết, bởi năm 2024 chính là năm áp chót của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, thì mục tiêu của cả Kế hoạch 5 năm 2021-2025 cũng sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và trải qua năm 2023 với những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Những khó khăn do đại dịch Covid-19 chưa qua đi, thì bất ổn địa chính trị toàn cầu đã tràn tới, càng ngày càng phức tạp, khó lường, khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Kinh tế Việt Nam vì thế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng vượt qua khó khăn, thách thức, đứng vững trước những “cơn gió ngược”, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện. 

Tăng trưởng GDP năm 2023 vẫn đạt 5,05%, thuộc top những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thấp hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được đảm bảo. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát. Trong khó khăn, thu ngân sách vẫn vượt dự toán…

Năm 2023 còn ghi nhận thành công lớn của Việt Nam trên “mặt trận” ngoại giao, khi liên tiếp nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…, những cường quốc lớn. Khi những chuyến thăm cấp cao được thực hiện, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden; khi những cái bắt tay chiến lược được thắt chặt, thì đấy là lúc, hình ảnh, tầm vóc, uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới. Không gian phát triển mới của Việt Nam, vì thế cũng mở rộng hơn.

Một phần bởi thế, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cũng bởi thế, các tổ chức quốc tế, như Moody’s, Fitch Ratings… đều đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Chỉ mới đây, tháng 12/2023, Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng “Ổn định”.

Việt Nam cũng đã trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu và là tâm điểm của dòng đầu tư quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ 4.0, chip bán dẫn, AI, hydrogen… Bất chấp dòng đầu tư toàn cầu còn khó khăn, năm 2023, Việt Nam vẫn thu hút được hơn 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân đạt kỷ lục 23,18 tỷ USD…

Tất cả đang tạo khí thế và niềm tin để cả nước bước vào năm 2024 với những kỳ vọng lớn lao. Nhưng năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm mà khó khăn, thách thức còn lớn hơn cả thời cơ, thuận lợi. Không những vì kinh tế toàn cầu còn rủi ro, bất định rất lớn, mà còn vì những điểm nghẽn trong nội tại nền kinh tế vẫn chưa được tháo gỡ, thông suốt hoàn toàn. Khu vực doanh nghiệp còn lắm khó khăn; sản xuất - kinh doanh và đầu tư vẫn đang gặp những thử thách rất lớn. Áp lực điều hành vĩ mô cũng không phải là nhỏ.

Để thực hiện các mục tiêu của năm 2024, trong đó tăng trưởng GDP 6-6,5%, không còn cách nào khác, phải dồn lực cho tăng trưởng. Chính phủ cũng xác định, mục tiêu tăng trưởng sẽ được ưu tiên hàng đầu trong năm 2024. Phải tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đặc biệt là đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài). Cũng phải tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ…

Cũng không còn con đường nào khác, phải tiếp tục đổi mới và cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, thực hiện hiệu quả các nghị quyết về phát triển vùng kinh tế, tập trung hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch cấp tỉnh, để tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội…

Rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện. Đây hoàn toàn không phải là những nhiệm vụ mới, mà đã được thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua. Nhưng khó khăn, thách thức của nền kinh tế càng lớn, thì càng cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn.

Phải nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, để kỳ vọng một năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, phát triển, tạo nền tảng quan trọng cho việc hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, từ đó góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Cải thiện môi trường kinh doanh 2024: Đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm vướng mắc
Khi có cơ chế giải quyết dứt điểm mâu thuẫn trong thủ tục đầu tư cũng như các vướng mắc đã được nhận diện trong hoạt động kinh doanh, thì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư