Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam năm 2020: Dư địa lớn nhất vẫn là cải cách đồng bộ thể chế
TS. Trần Du Lịch - 01/01/2020 08:18
 
Để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng đối với tình hình kinh tế chung của thế giới, một trong những yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện thể chế kinh tế. Điều này phải được đặt trong một nội hàm rộng gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với 3 trụ cột là thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công.
.
.

Chính sách kinh tế kiên trì “mục tiêu kép”

Bước vào năm 2020, nếu nhìn lại 4 năm 2016 - 2019, thì tốc độ tăng GDP tăng dần với mức 6,2%; 6,8%; 7,08% và 7,02% năm 2019. Trong điều kiện các chính sách và giải pháp của Chính phủ phải tập trung vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn và tăng trưởng chậm dần, đã cho thấy, mục tiêu gắn tăng trưởng GDP với tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đề ra từ năm 2016 đã bước đầu thành công.

Xét trên 4 chỉ báo quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô (tăng GDP; kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng xuất khầu), thì rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng đối với tình hình kinh tế chung của thế giới. Kết quả này không chỉ có ý nghĩa về mặt tăng trưởng, mà quan trọng hơn là nền kinh tế đang đổi chiều, từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, chấm dứt giai đoạn 15 năm tăng trưởng chậm dần.

Thật vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm, từ giai đoạn 2001 - 2005 (bình quân 7,33%/năm); 2006 - 2010 (bình quân 6,32%/năm) và 2011 - 2015 (bình quân 5,96%/năm) và tiếp tục suy giảm khi bước vào kế hoạch 2016 - 2020 (năm 2016 và quý I/2017). Nhưng từ quý II/2017, tình hình bắt đầu đổi chiều với tốc độ tăng trưởng cao và tạo đà cho sự tăng trưởng cao và ổn định các năm 2017 - 2019.

Năm 2020 có nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,8% và bình quân cả 5 năm 2016-2020 tăng bình quân 6,8%/năm (so với mục tiêu kế hoạch bình quân 6,5-7%/năm).

Những dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn…

Bên cạnh xu hướng tích cực của tốc độ tăng trưởng, các yếu tố đóng góp vẫn chưa ổn định. Cụ thể, nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng cao trong năm 2018-2019 khó duy trì trong năm 2020 như: tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến, giá trị sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, tăng xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa, du lịch, thị trường bất động sản

Bên cạnh đó, những điểm nghẽn về thể chế liên quan đến các luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quy hoạch… chưa được sửa đổi căn bản. Các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp, xây dựng công trình… còn tập trung quá nhiều ở bộ, ngành trung ương, cơ chế xin - cho vẫn chưa giảm đáng kể. Lãng phí thời gian, làm mất cơ hội vẫn là vấn nạn của nền kinh tế và đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngay trong năm 2020.

Thị trường bất động sản và tài chính, nhất là 2 vấn đề condotel và trái phiếu doanh nghiệp đang  có nguy cơ “châm ngòi” gây bất ổn đối với 2 thị trường này. Bài học “bong bóng” chứng khoán năm 2006 và “bong bóng” bất động sản năm 2007 để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, dẫn đến cuộc “tiểu khủng hoảng” 2008-2011 cần được rút kinh nghiệm để ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn.

Vừa qua, Bộ Tài chính có cảnh báo về việc đua lãi suất trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Cần lưu ý rằng, trong điều kiện tăng CPI dưới 4%, thì khó có ngành nghề nào có thể kinh doanh có lãi với loại trái phiếu lãi suất 12-14%.

Một yếu tố cần quan tâm là đầu tư công giảm dần; sự tắc nghẽn các dự án BOT, BT trong vài năm qua… khiến vai trò tác động lan tỏa của đầu tư công như những năm trước cũng giảm dần… Bên cạnh đó, trong nhiều năm tới, bài toán vĩ mô của kinh tế Việt Nam vẫn là chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới thể chế cùng với diễn biến phức tạp của kinh tế và thương mại toàn cầu… Vì vậy, sự điều hành chính sách kinh tế - tài chính của Chính phủ vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” - cả chất lượng và tốc độ tăng trưởng.. 

Dư địa lớn nhất vẫn là cải cách đồng bộ thể chế

Xét về tiềm năng, địa kinh tế của quốc gia và thời cơ của thời đại sẽ có bước nhảy vọt về thành tựu khoa học - công nghệ, nếu biết tận dụng để khai thác có hiệu quả 4 trụ cột kinh tế sau đây:

Thứ nhất là khai thác có hiệu quả nhất nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thông qua đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai là khai thác lợi thế của kinh tế biển (bao gồm các khu kinh tế ven biển); lợi thế của quốc gia “mặt tiền biển”, phát triển các khu kinh tế ven biển và dịch vụ cảng - logistics. Kinh tế biển không chỉ tạo sức lan tỏa cho các ngành kinh tế khác phát triển, mà còn phục vụ mục tiêu an ninh, quốc phòng, giữ gìn chủ quyền biển đảo.

Thứ ba là phát triển ngành công nghiệp du lịch nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch toàn cầu.

Thứ tư là phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa (đây là dư địa rất lớn khi chúng ta mới đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 36-38%).  

Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính đã được đặt ra từ nhiều  thập niên qua, nhưng đến nay, sự bất cập trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội ở nhiều lĩnh vực vẫn tồn tại và tính phức tạp diễn biến cùng chiều với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường và hội nhập quốc tế.

Vấn đề đặt ra là, nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, mà tính mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm. Điển hình nhất là hàng chục đạo luật về kinh tế mới được ban hành, nhưng sắp phải sửa vì mâu thuẫn xung đột khi thực thi.

Những năm qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng công vụ của bộ máy hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính đang mang lại niềm tin và kỳ vọng đối với một chính phủ hành động và trên thực tế bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để các nghị quyết của Chính phủ nhanh chóng đi vào đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, cần phải cải cách đồng bộ cả 3 bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy và con người.

Trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp, mà phải đặt trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với 3 trụ cột: thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra, khi mà chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, trước hết, cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường. Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.

Thể chế kinh tế thị trường không thể vận hành trôi chảy bởi một bộ máy hành chính về bản chất gắn với thuộc tính của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương như hiện nay. Tính thống nhất của nền hành chính quốc gia đã biến thành tính đồng nhất của bộ máy hành chính. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào 3 nhân tố

Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào 3 nhân tố: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là 3 nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước. Dư địa và động lực phát triển chính là ở đây.
Năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm thành công của kinh tế Việt Nam
Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bứt phá. Đây là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư