Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam sẽ giữ được đà tăng trưởng cao
Thanh Tùng - 08/04/2019 09:09
 
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ giữ được đà tăng trưởng cao, với dự báo tăng trưởng 6,8% năm nay và 6,7% trong năm 2020.
.
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Thưa ông, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá cao, ở mức 6,79% trong quý I/2019. Ông có cho rằng, mức tăng trưởng này đã phản ánh đúng tiềm năng và sức mạnh của nền kinh tế hiện nay?

Tôi cho rằng, Việt Nam đã duy trì được động lực tăng trưởng của năm 2018 và kết quả quý I/2019 đã thể hiện rõ mức tăng trưởng mạnh, dù có thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

ADB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay và 6,7% trong năm tới. Đây là những mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngoài vấn đề quan trọng là phải duy trì động lực tăng trưởng, Việt Nam cũng cần phải cải thiện chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng.

Chẳng hạn, sự phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà không tạo được những mối liên kết hiệu quả giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI sẽ làm cho nền kinh tế kém bền vững.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam cũng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng, để đảm bảo chất lượng và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, Việt Nam rất cần phải xây dựng những chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp ở mức cao hơn nữa.

Theo quan điểm của ông, đâu là những động lực tăng trưởng chính trong quý I năm nay và thời gian tới? Ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong cả năm 2019?

Về phía cung, tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ chính là những động lực chính. Về phía cầu, sức tiêu dùng mạnh và đầu tư trong nước đã giúp duy trì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định,tín dụng được kiểm soát đã góp phần rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm nay.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm nay và 6,7% trong năm 2020. Nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng cao.

Vậy vẫn còn những thách thức trước mắt và dài hạn, thưa ông?

Tôi cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay là sức cầu thương mại toàn cầu sẽ trở nên yếu hơn, cùng với sự giảm tốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến của các nền kinh tế lớn là những đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng hơn 7% trong năm nay và để Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư?

Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay, đặc biệt là việc duy trì lạm phát thấp và tăng cường kỷ luật tài khóa.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo chất lượng tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của tăng trưởng trong trung và dài hạn. Chính phủ cũng cần phải tiếp tục đẩy mạnh những cải cách quan trọng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải cách khu vực tài chính - ngân hàng, cũng như cải cách một số lĩnh vực khác.

Hiện nay, dù được thực hiện với tiến độ khá chậm, nhưng cải cách DNNN cũng đã có động lực và sẽ được tiếp tục vì có sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ. Cải cách DNNN sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận các nguồn lực quan trọng, để các doanh nghiệp tư nhân tiềm năng nhất có thể vươn lên thành những tập đoàn tư nhân lớn, có tính cạnh tranh cao.

Chính phủ Việt Nam cần phải củng cố và đẩy mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là tăng cường các mối liên kết giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước để đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Các lựa chọn chiến lược cho kinh tế Việt Nam 2019
Hành trình đổi mới sẽ đưa Việt Nam trỗi dậy về tầm nhìn, xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và trở thành một quốc gia hùng cường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư