Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam: Tăng bậc thế giới, tụt lùi khu vực!
Bảo Duy - 31/10/2015 08:59
 
Việt Nam đã tăng 3 bậc trên Bảng xếp hạng Doing Business 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, với vị trí mới là 90/189 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Việt Nam đứng thứ 90/189 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng trên Bảng xếp hạng Doing Business 2016 .Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Song điều đáng nói là nếu so với 10 nước ASEAN, thì thứ hạng của Việt Nam lại thụt lùi (đứng thứ năm, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei), trong khi ở lần công bố trước, Việt Nam đứng trên Brunei khá xa. Đặc biệt, cho dù thứ bậc trên bảng xếp hạng của các nước này có thể dịch chuyển lên xuống một vài bậc, nhưng tính về điểm số tuyệt đối, tất cả đều tăng so với năm trước.

Rõ ràng, cho dù có tăng bậc, nhưng mục tiêu đưa Việt Nam thăng hạng, bước vào tốp đầu, cụ thể là 4 nước ASEAN có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất như yêu cầu tại Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào năm 2016 ngày càng khó khăn.

Có thể nhìn thấy rõ điều này khi soi từng chỉ số thành phần của Bảng xếp hạng. Việt Nam được ghi nhận có 5 chỉ số cải thiện, gồm khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội và giải quyết phá sản doanh nghiệp.           

Tuy nhiên, tác động của cả 5 chỉ số này chỉ khiến Việt Nam tăng thêm 3 bậc, với mức tăng điểm là 1,75, trong khi Brunei (đứng sau Việt Nam trong Bảng xếp hạng Doing Business 2015, với 2 chỉ số được ghi nhận là cải cách là khởi sự doanh nghiệp và tiếp cận điện) đã vọt lên 21 bậc, mức tăng điểm là 4,91.

Với chỉ số nhảy bậc tốt nhất là tiếp cận điện năng (giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày), Việt Nam vẫn đứng ở vị trí 108/189, cách xa vị trí 68 của Brunei. Khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam vẫn ở tốp dưới (đứng thứ 119) dù đã tăng 6 bậc, trong khi Brunei là 74 do giảm được thời gian trung bình để thành lập một doanh nghiệp mới còn 14 ngày, so với năm ngoái là 104 ngày.

Các quốc gia phía sau Việt Nam cũng không hề chậm chân. Campuchia (giữ vị trí 127/289 trong bảng xếp hạng năm 2016, tăng 6 bậc so với năm ngoái) cũng được ghi nhận là một trong hai nước cải cách đạt nhiều tiến bộ nhất trên thế giới về cung cấp điện ổn định nhờ đầu tư mạnh vào hạ tầng. Myanmar (đứng 167/189, vị trí thấp nhất trong 10 nước ASEAN) cũng được ghi nhận với thành tích cải cách tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực gỡ bỏ đòi hỏi về vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp trong nước và hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm thời gian và chi phí.

Rõ ràng, trong bức tranh chung về môi trường đầu tư - kinh doanh khu vực ASEAN, giới đầu tư trên thế giới đang nhìn thấy hàng loạt cải cách diễn ra trong nhiều lĩnh vực ở tất cả các quốc gia. Nhiều nước đã thực hiện các nỗ lực cải cách theo hướng cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh từ khá lâu và đã có cải thiện vượt bậc như Malaysia, Thái Lan. Không ít nền kinh tế khác cũng đang tiến, thậm chí còn nhanh hơn Việt Nam.

Năm nay, WB mở rộng và điều chỉnh phương pháp luận, đưa thêm các yếu tố đo lường chất lượng đối với 4 chỉ số (là cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, thực thi hợp đồng) và điều chỉnh cách đánh giá cho phù hợp đối với chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới. Đây là các chỉ số mà Việt Nam đều ở tốp dưới. Thậm chí, thời gian cấp phép xây dựng của Việt Nam đã tăng lên (114 ngày năm ngoái và năm nay là 166 ngày) nghĩa là thêm một bước lùi.

Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vì thời điểm kết thúc điều tra là 31/5/2015, nên một số cải cách, đổi mới mà Việt Nam đã thực hiện theo Nghị quyết 19/2015/NQ-CP chưa được WB ghi nhận. Nhưng phải thẳng thắn, nếu có thêm một vài điểm cải cách này, có thể vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng sẽ tăng, song thứ hạng chưa chắc đã được cải thiện khi chỉ mới có một vài bộ, ngành, địa phương quyết tâm vào cuộc, nhất là khi một số cải cách vẫn đang được điều chỉnh trên văn bản.

Kinh tế Việt Nam sẽ bùng nổ dự án FDI nhờ TPP
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa sau khi Hiệp định TPP được hoàn thành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư