Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kon Tum chủ động tiếp cận nhà đầu tư
Thu Hồng - 11/04/2013 06:10
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hữu Hải, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum khẳng định, bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh cũng chủ động tiếp cận nhà đầu tư để cùng hợp tác, phát triển.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, tỉnh Kon Tum cần đẩy mạnh lợi thế nào trong giai đoạn hiện nay và kế hoạch đến năm 2020?

Để khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương, tỉnh Kon Tum đã xây dựng Đề án Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2020, với 6 ngành, nhóm ngành và 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Từ nay đến năm 2015, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao như cà phê, cao su sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, cá hồi, cá tầm; phát triển công nghiệp giấy bột giấy; thủy điện; tập trung đầu tư, khai thác vùng du lịch sinh thái Măng Đen, phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - một trong 8 cửa khẩu Chính phủ xác định đầu tư giai đoạn 2013-2015…

Tỉnh gặp khó khăn gì khi triển khai các định hướng đó, thưa ông?

Khó khăn của Kon Tum hiện nay chính là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa có nhà đầu tư mạnh về tiềm lực tài chính để cộng tác với tỉnh triển khai các dự án trên địa bàn.

Để khắc phục khó khăn này, tỉnh Kon Tum vừa tranh thủ tối đa sự trợ giúp của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương, vừa nỗ lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, phối hợp với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đào tạo nhân lực phù hợp.

Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực quảng bá, giới thiệu để các nhà đầu tư biết đến Kon Tum nhiều hơn, chủ động đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế liên kết 8 tỉnh trên trục Đông - Tây qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8, tập trung chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013.

Theo ông, trong thời gian tới, Kon Tum cần tập trung mạnh vào những điểm nào để tạo thêm điều kiện thu hút các dự án đầu tư và hiện thực hóa các dự án chậm trễ lâu nay ?

Năm 2012, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu 6 dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án, với tổng vốn đăng ký 2.453 tỷ đồng.

Trong nhiều giải pháp cải thiện tình hình chậm triển khai các dự án, tỉnh Kon Tum chú trọng tổ chức lại bộ máy làm công tác xúc tiến đầu tư; rà soát lại quy trình, thủ tục về đầu tư; khảo sát, thăm dò ý kiến doanh nghiệp để sửa những khâu không còn phù hợp. Rà soát từng dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm triển khai để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh cũng đang đánh giá lại các yếu tố thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để phát huy nhân tố tích cực, đồng thời khắc phục ngay mặt còn hạn chế.

Kon Tum cần chú trọng khâu nào trong xúc tiến đầu tư để phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch sinh thái, gắn kết với di tích lịch sử cách mạng của tỉnh?

Kon Tum có tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Rừng đặc dụng Đăk Ui, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei, Khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy và một số công trình tôn giáo có kiến trúc độc đáo như Nhà thờ gỗ…

Để khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh về du lịch trong thời gian đến, tỉnh Kon Tum kiến nghị Ban, bộ, ngành Trung ương có sự hỗ trợ đầu tư thỏa đáng để quy hoạch, bảo vệ, đầu tư và phát huy tiềm năng du lịch Kon Tum nói chung và Măng Đen nói riêng; tỉnh chủ động hơn trong việc xây dựng phát huy liên kết vùng, kết nối trục Đông - Tây và mời gọi nhà đầu tư có năng lực thật sự để phát triển du lịch trên địa bàn, đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của du khách khi đến Kon Tum.

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là công tác liên kết phát triển kinh tế vùng miền, sự cộng hưởng giữa các địa phương khu vực để tạo sức mạnh phát triển chung. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động này của tỉnh Kon Tum?

Vấn đề liên kết phát triển kinh tế vùng miền đã được tỉnh chú trọng và chủ động triển khai thực hiện. Kon Tum đã làm việc với các tỉnh trong vùng, các địa phương Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan thiết lập quan hệ hợp tác phát triển dựa trên nét tương đồng, cũng như sự khác biệt để hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

Tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát từ Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, đi các tỉnh Attapư, Sê Kông, Chămpasak (Lào), Ratchanathani, Sisaket (Thái Lan). Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam do tỉnh đăng cai tổ chức đã góp phần để các địa phương trong khu vực thảo luận, thống nhất những cơ chế hợp tác chung.

Công tác phối kết hợp giữa các tỉnh đã bước đầu phát huy hiệu quả, các địa phương đều nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác để từng bước tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy vậy, việc triển khai các nội dung hợp tác cụ thể như đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, thiết lập quan hệ đầu tư… trong thời gian đến cần nghiên cứu thêm để hoàn thiện cơ chế phối hợp, nhằm tạo sức mạnh trong liên kết vùng, đảm bảo sự phát triển và hỗ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh trong khu vực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư